Khó bồi thường đất theo giá thị trường?

08:30, 23/02/2013
|

(VnMedia) - Thương lượng, bồi thường đất theo giá thị trường tưởng như là một điều chắc chắn nên quy định khi sửa đổi Luật đất đai. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều về vấn đề này…

 Ảnh minh họa

 
Góp ý tại Hội thảo “Lấy ý kiến về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, ông Trần Thanh Bình, Phó chủ tịch UBDN huyện Kim Sơn, Ninh Bình cho rằng, tính giá bồi thường phải bằng sát với giá thị trường sẽ rất khó trong khâu thực hiện.
 
“Chúng ta hiểu như thế nào là sát giá thị trường? hiện vẫn chưa có một khái niệm chuẩn. Trong văn bản pháp quy chưa đưa ra được hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, khi có dự án tham gia vào thị trường nơi đó, giá trị đất mới tăng lên thì tính thế nào? Nếu cứ tiếp tục tính giá đất tăng lên hàng năm, khi có các dự án kéo dài nhiều năm thì vào những năm sau rất khó. Chúng ta phải xác định rõ thế nào là giá đất sát thị trường, có văn bản pháp quy để thực hiện và xác định cơ quan nào làm việc này” - ông Bình đề xuất. 
 
Phó chủ tịch UBDN huyện Kim Sơn phân tích: Theo quy định hiện nay là lấy giá thị trường bằng giá chuyển đổi đất tại khu vực đó, nhưng khi người dân kê khai giá chuyển nhượng đất bao giờ cũng thấp hơn thực tế để đỡ phải nộp thuế cao. Ông Bình nhận định, đây là khe hở mà chính phủ nên quy định một cách cụ thể về nội dung.
 
Trong khi đó, một số đại biểu tham dự hội thảo có đồng quan điểm rằng, đất lúa ở đâu cũng có giá trị như nhau và vì thế, cần có một cách định giá đền bù chung cho đất lúa ở tất cả các địa phương. “Tôi ví dụ như chênh lệch giá đền bù cho dự án liên tuyến, như dự án đường quốc lộ chạy qua cả Hà Nội và Hưng Yên, nhưng tiền đền bù đất của Hà Nội cao hơn. Vậy nên chăng có quy định giá chung do Thủ tướng quy định?” – Đại diện tỉnh Hưng Yên đặt vấn đề.
 
Cùng quan điểm cho rằng việc thực hiện giá thị trường là khó khăn, trưởng phòng Tài nguyên Môi trường thành phố Vinh, ông Lê Văn Ngọc lo ngại sẽ có những bất cập về cơ chế thỏa thuận khi cùng một thửa đất nhưng một phần dự án nhà nước thu hồi với giá đất thấp hơn, phần còn lại nhà đầu tư phải “đi đêm” với dân, thỏa thuận với giá cao hơn để thu hồi nên sẽ rất phức tạp.
 
Vị đại diện thành phố Vinh cũng đề nghị, khi thu hồi đất nông nghiệp chỉ áp dụng một giá đất cho tất cả các địa phương bởi khi tính giá trị thì chỉ tính năng suất, thu nhập khi làm nông nghiệp chứ không phải căn cứ vào việc sẽ thu lợi của dự án.
 
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, dự thảo luật Đất đai sửa đổi quy định về việc xử lý chênh lệch về giá đất khi việc triển khai dự án chậm, kéo dài theo hướng có lợi cho dân. Khi phê duyệt dự án, giá đền bù thấp, nhưng sau một thời gian giá đất tăng lên thì sẽ phải xác định lại để người dân được hưởng, nhưng nếu giá xuống thấp thì không điều chỉnh xuống tránh thiệt hại cho người dân.
 
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Tài nguyên môi trường thành phố Vinh, về thời hạn quy định giá, nếu cứ quy định theo từng năm thì tính liên tục sẽ không được thực hiện, mà xảy ra tình trạng người chây ì sẽ được áp dụng giá cao hơn.
 
Cùng quan điểm này, ông Đinh Văn Điến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nêu lên một nghịch lý phát sinh từ sự thay đổi của chính sách liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: “Những người bị thu hồi đất là đảng viên hay những người gương mẫu thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian lại chịu thiệt, chỉ được đền bù với mức giá rẻ, trong khi một số người chây ì, sau nhiều năm lại được đền bù với mức cao hơn gấp nhiều lần. Chính điều này đã làm nảy sinh nhiều hệ lụy, gây bức xúc trong dư luận” – ông Điến nói.
 
Ông Vũ Minh Lượng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định cũng lấy ví dụ, khi thực hiện thu hồi đất cho dự án khu du lịch lịch sử văn hóa đền Trần, nhiều người bị thu hồi cách đó vài tháng giá khác, vài tháng sau giá cao hơn. Ngoài ra, có người được đền bù theo nghị định 17 thì theo cách tính đất dịch vụ, nhưng theo nghị định 69 thì không có đất dịch vụ. “Trong cùng một dự án mà giá bồi thường ở các thời điểm khác nhau lại chênh lệch nhiều nên khó giải thích với dân. Chính sách bồi thường và hỗ trợ cũng nhập nhằng, bồi thường thì chỉ 50.000 đồng/m2 đất nông nghiệp, nhưng hỗ trợ lại 1-5 lần…” – ông Lượng nêu thực tế.
 
Đất vùng sâu vùng xa: Mồ hôi nước mắt của nhiều đời

Trao đổi tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển phân tích, đất vùng sâu vùng xa thường được đánh giá với mức rất rẻ, tuy nhiên, trên thực tế, để có được một mét đất tại các vùng này, người dân, thậm chí là mồ hôi nước mắt của nhiều đời người mới có thể làm được. Vì vậy, đất ở các khu vực này là rất quý.
 
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, đất ở các vùng sâu, vùng xa như ruộng bậc thang hay bờ xôi ruộng mật ven các sông suối cần phải được giữ gìn. “Thấp cũng phải 100.000 đồng/m2 chứ như Sơn La chỉ 19.000 là quá thấp. Các khu vực này nên chăng phải được nâng giá cao để các dự án thủy điện không muốn đụng tới. Có như vậy mới giữ được đất cho dân, chứ nếu giá thấp quá, đến một lúc nào đó sẽ không còn đất lúa” - Thứ trưởng gợi ý.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc