Khi những quy định, đề xuất bị … “ném đá”

19:25, 15/02/2013
|

(VnMedia) - Phạt chủ sử dụng ô tô, xe máy không chính chủ; ghi tên cha mẹ trên chứng minh thư nhân dân; đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân và tang lễ chỉ có 7 vòng hoa…. là những quy định, đề xuất bị ném đá nhiều nhất trong năm qua.

Những năm gần đây, không ít chủ trương, chính sách được đề xuất hoặc ban hành bị dư luận phản đối, dẫn đến không đi vào cuộc sống thực tiễn ...  Không ít văn bản, khi vừa đưa vào thực thi đã bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp 'tuýt còi'. Đầu năm mới, VnMedia xin điểm lại một số quy định như vậy trong năm 2012...

Thu phí hạn chế phương tiện cá nhân

Đầu tháng 1/2012, cho rằng sự gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông tại 5 thành phố lớn: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm tại các thành phố trên. Lý giải cho đề xuất trên, đơn vị đầu ngành giao thông cho rằng, làm vậy là để lấy quỹ để đầu tư lại xây dựng đường bộ.

Theo phương án thu phí lưu hành phương tiện được Bộ Giao thông trình Chính phủ lúc đó, chủ sở hữu  xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi chở xuống (kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng), có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống mức phí 20 triệu đồng/năm. Dung tích trên 2.000 - 3.000 cm3 mức phí 30 triệu đồng/năm, dung tích trên 3.000 cm3 mức phí 50 triệu đồng/năm.

Ảnh minh họa

Đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân của Bộ Giao thông vận tải tại 5 thành phố lớn đã bị "ném đá" trong một thời gian dài hồi đầu năm 2012. Ảnh: Vạn Xuân 

Với xe máy Bộ Giao thông cũng đề xuất thu loại xe có dung tích dưới 175 cm3 mức phí 500.000 đồng/năm, loại dung tích từ 175 cm3 trở lên mức phí 1 triệu đồng/năm.
 
Đề xuất thu phí này cùng với Quỹ Bảo trì đường bộ đã được trình Chính phủ để thu vào đầu tháng 1/2013 đã thật sự gây bức xúc cho dư luận. Trong suốt một thời gian dài nhiều ý kiến bạn đọc, các chuyên gia, thậm chí đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng phản ứng về “đòi” hỏi này của Bộ Giao thông vận tải. Sau đó, đến giữa tháng 10 đề xuất này mới bị “để lại” do chủ một phương tiện ô tô, xe máy đã phải gánh đến cả 9-10 loại thuế.

Ghi tên cha mẹ trên mẫu CMTND mới

Theo Nghị định 170/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 27/2012 của Bộ Công an, từ 1/7/2012 áp dụng mẫu CMND mới. Theo đó, CMND mới có kích thước chuẩn quốc tế (85,6 mm x 53,98 mm) được làm bằng chất liệu nhựa. Trên CMND mới, mặt trước sẽ có những thông tin cơ bản của cá nhân công dân như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi thường trú.

Mặt sau có mã vạch hai chiều, dấu vân tay ngón trỏ trái và phải, đặc điểm nhận dạng, họ và tên cha, họ và tên mẹ. CMND mới có 12 con số tự nhiên so với mẫu cũ chỉ có 9 số, do Bộ Công an cấp và quản lý thống nhất trên toàn quốc. Thời hạn của CMND mẫu mới vẫn giữ nguyên như cũ - 15 năm.

Đầu tháng 7, ngay khi nội dung của thông tư 27 được triển khai thí điểm ở một số quận của Hà Nội, nhiều ý kiến đã phản ứng không tích cực về quy định ghi tên cha, mẹ trong chứng minh thư nhân dân mới. Nhiều người cho rằng, việc ghi tên cha mẹ trên CMTND là phản cảm và không hợp lý.

Thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng, việc ghi tên cha, mẹ trên CMTND là vi phạm Điều 16 Công ước Quốc tế về quyền trẻ em “Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em”.

Sau những phản ứng của dư luận, sáng 24/12/2012, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp đã phải “lên tiếng” nhận khuyết điểm về quy trình thẩm định thông tư về mẫu chứng minh thư mới có ghi tên cha mẹ. Sau đó, Bộ Công an đã cho tạm dừng việc triển khai ghi tên cha, mẹ trên CMTND mới.

Ảnh minh họa

Quy định ghi tên bố, mẹ trên chứng minh thư nhân dân đã gây ồn ào dư luận trong năm 2012.

Phạt chủ ô tô, xe máy không chính chủ

Ngày 19/9/2012, Chính phủ  ban hành Nghị định số 71/2012/NĐ-CP: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo nghị đinh trên, từ 10/11, chủ xe máy sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.200.000 đồng nếu không sang tên đổi chủ, mức phạt đối với xe ô tô sẽ từ 6.000.000 - 10.000.000 đồng. Hai ngày trước khi thời điểm Nghị định 71 có hiệu lực, chuyện phạt xe không chính chủ gây ồn ào dư luận với những ý kiến phản đối khác nhau. Thời điểm ấy, rất nhiều người tham gia giao thông ở Hà Nội hoang mang mỗi khi ra đường vì bản thân đang sử dụng những chiếc xe mang tên người khác.

Trước thông tin trên, Cục Cảnh sát đường bộ, sắt (Bộ Công an) thời điểm đó, đã phải nhiều lần lên tiếng giải thích sẽ không phạt những người đi mượn xe, đi nhờ xe mà chỉ phạt chủ xe không sang tên đổi chủ.

Sau những “hiểu lầm” của dư luận, Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng phạt xe không chính chủ đến 30/6/2013 để ban hành thông tư hướng dẫn mới. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an và Tài chính đề xuất giảm phí sang tên đổi chủ xuống mức thấp nhất có thể để khuyến khích người sử dụng phương tiện sang tên đổi chủ. 

Tang lễ chỉ được phép có 7 vòng hoa

Ngày 17/12/2012, Chính phủ ban hành nghị định số  105/2012/NĐ-CP Về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Theo quy định của nghị định này, “linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài”.

Theo đại diện Bộ VH-TT&DL có 3 lý do để đưa ra quy định nói trên, trong đó có lý do tránh việc nhìn vào thi thể có thể đã để mấy ngày sẽ làm ảnh hưởng môi trường, sức khỏe người dự tang lễ.

Các lý do này bị dư luận cực lực phản đối vì nó thiếu tính khả thi, vì không nên dùng biện pháp hành chính để cấm đoán một hành vi văn hóa mang tính truyền thống trong khi nó chẳng ảnh hưởng đến ai.

Vấn đề nói trên, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp về những vấn đề “cần bàn về tính hợp lý và tính khả thi”.

Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp đã "tuýt còi" Nghị định về tổ chức tang lễ cán bộ, công chức, viên chức vì cho rằng có những điểm cần trao đổi, nghiên cứu thêm về phong tục, tâm linh cũng như thẩm quyền…

Chiều 10/1, TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) ký văn bản "tuýt còi" Nghị định 105/2012 của Chính phủ về tổ chức tang lễ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo ông Sơn, qua xem xét đã thấy một số nội dung trong Nghị định cần được trao đổi, nghiên cứu tiếp. Đó là khoản 3, điều 4 quy định "linh cữu của người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài".

"Thực tế hiện nay việc để ô cửa có nắp kính trên nắp quan tài được các gia đình, thân nhân của người quá cố sử dụng ngày càng nhiều", ông Sơn nói.

Thay lời kết

Không chỉ trong năm 2012 vừa qua mới có những văn bản bị người dân “ném đá”, Bộ Tư pháp “tuýt còi” khi vừa ra đời hoặc vừa được đề xuất. Còn nhớ, cách đây 2-3 năm quy định “nhẹ cân không được đi xe máy” của Bộ Y tế đề xuất, “Cấm xe ngày chẵn lẻ” của TPHCM… cũng đã gây ồn ào dư luận suốt một thời gian dài.

Việc lặp đi, lặp lại những văn bản, quy định không sát với đời sống, không được lòng người dân đang làm người dân nghi ngờ vào năng lực ban hành văn bản của cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi những đề xuất, quy định của pháp luật bị “ném đá” là khi niềm tin của người dân vào cơ quản quản lý, cơ quan ban hành văn bản bị bào mòn. Hy vọng trong năm 2013 này, sẽ ít có những văn bản của các cơ quan quản lý nhà nước bị “phản ứng” khi mới ban hành.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc