Hà Nội:: Quyết định giảm 2/3 số lượng xe buýt “khủng”

15:40, 23/02/2013
|

(VnMedia) - Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội vừa được quyết định điều chỉnh giảm số lượng xe buýt “khủng” BRT từ 130 xe xuống còn 35 xe để phù hợp với tuyến BRT số 1…


 Ảnh minh họa

 Hà Nội sẽ giảm số lượng xe buýt nhanh BRT từ 130 xuống còn 35 xe

 

Theo quyết định điều chỉnh dự án của UBND TP Hà Nội, đoạn tuyến xe buýt nhanh số lượng lớn (BRT) số 1 từ Khuất Duy Tiến - Quang Trung (Hà Đông) trước đây đi theo Quốc lộ 6 nay sẽ được điều chỉnh đi theo đường Lê Văn Lương kéo dài - Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - Ba La.

 

Đoạn tuyến từ Ba La - Yên Nghĩa sẽ không mở rộng theo chỉ giới quy hoạch mà chỉ cải tạo, nâng cấp mở rộng mặt đwongf cũ đảm bảo bề rộng, tăng cường kết cấu mặt đường để tổ chức giao thông cho xe BRT chạy hỗn hợp.

 

Bổ sung hạng mục gia cường khả năng chịu lực cầu vượt Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng để xe buýt BRT chạy trên cầu.

 

Đặc biệt, dự án sẽ điều chỉnh giảm số lượng xe buýt BRT từ 130 xe xuống còn 35 xe để phù hợp với tuyến BRT số 1.

 

Với kết cấu mặt đường tuyến BRT 1 đoạn từ Bộ Y tế - Giang Văn Minh - Kim Mã - Giảng Võ, sẽ không dùng kết cấu bê tông xi măng mà chỉ thảm tăng cường lên mặt đường hiện trạng và tổ chức giao thông tại nút giao có tính đến việc hình thành tuyến mới nối ra Hào Nam thành ngã 5.

 

Do tuyến kéo dài từ Ba La và Yên Nghĩa nên dự án sẽ điều chỉnh xây dựng điểm quay đầu xe tại bến xe Yên Nghĩa.

 

Đối với hợp phần xây dựng đường Vành đai 2, điều chỉnh thu hẹp chỉ giới đường đỏ nút Đào Tấn; điều chỉnh nhịp cầu vượt tại nút từ 2 lên 3 nhịp. Tại nút Bưởi, điều chỉnh sơ đồ bố trí nhịp cầu vượt tại nút từ chiều dài 295m (thiết kế cơ sở) xuống còn 205m;

 

Thành phố cũng điều chỉnh phạm vi xây dựng quy mô nút theo nguyên tắc trước mắt chỉ GPMB phần diện tích xây cầu vượt, toàn bộ theo chỉ giới quy hoạch đất để xây dựng hoàn chỉnh nút thực hiện ở giai đoạn sau. Đối với nút Cầu Giấy, điều chỉnh sơ đồ bố trí nhịp cầu vượt từ chiều dài 350m xuống còn 266m; Chỉ giới đường đỏ nút giao Đào Tấn cũng sẽ được điều chỉnh thu hẹp; Quy mô nút giao Bưởi trực thông cũng được điều chỉnh theo hướng vành đai II, việc giải phóng mặt bằng toàn bộ theo chỉ giới quy hoạch đất để xây dựng hoàn chỉnh nút giao Bưởi sẽ được thực hiện ở giai đoạn sau.

 

Với phần xây dựng đường, một số nội dung sẽ không được thực hiện theo dự án đã phê duyệt như: đoạn đường từ nút Hoàng Quốc Việt kéo dài đến khu công nghiệp Nam Thăng Long và đoạn nối từ nút Bưởi đến Hoàng Hoa Thám - Thuỵ Khuê; hạng mục xây dựng khu tái định cư CT% (nằm trong tiểu dự án xây dựng khu tái định cư CT1, CT5).

 

Giai đoạn 1 của việc giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện để phục vụ thi công cầu vượt trực thông theo hướng vành đai 2 tại khu vực nút giao thông Bưởi; Giai đoạn 2 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh nút giao thông Bưởi theo đúng chi rgiơí quy hoạch đã được phê duyệt và đã được TP ra quyết định thu hồi đất cho dự án.

 Hệ thống BRT thường bố trí các xe buýt nối dài 2 thân đến 3 thân có sức chuyên chở trên 100 người. Xe buýt BRT trên thế giới thường chạy trên làn đường riêng, công suất vận chuyển ngang với đường sắt nhẹ. Các điểm đỗ có cầu vượt qua đường bảo đảm an toàn cho hành khách và kết nối với ga tàu điện ngầm và các loại hình giao thông công cộng. Mỗi điểm đỗ gồm cửa vào bến có lắp thiết bị soát vé tự động như ở các bến tàu điện ngầm. Khoảng cách giữa các bến dưới một km.

Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) nhằm phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội, khắc phục tình trạng ùn tắc.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc