Góp ý sửa đổi Dự thảo Hiến pháp 1992

15:13, 04/02/2013
|

Trên cơ sở Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Điều 54 đã quy định: nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.

Trong khi đó, Hiến pháp năm 1992, Điều 19 quy định, kinh tế Nhà nước được củng cố và phát triển, nhất là trong các ngành và lĩnh vực then chốt, giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Nếu ở Hiến pháp năm 1992, thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, thì trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Điều 54 nêu rõ: các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài hợp tác bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Đây là điểm mới, điểm tiến bộ trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, khẳng định các thành phần kinh tế đều bình đẳng như nhau và đều là thành phần cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Không xác định thành phần kinh tế nào là chủ đạo và là nền tảng của kinh tế quốc dân.

Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, một loạt các tập đoàn kinh tế nhà nước bị suy sụp, bên bờ vực phá sản do tham nhũng, lãng phí, quản trị doanh nghiệp kém, mà nhiều ĐBQH đã ví tập đoàn kinh tế nhà nước này như người khổng lồ chỉ dùng bầu sữa ngân sách nhà nước một cách không hiệu quả, trong khi các thành phần kinh tế khác tự bươn trải nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao so với đồng vốn bỏ ra. Điều 54, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định rõ hơn nền kinh tế nước ta có nhiều hình thức sở hữu, không khẳng định thành phần kinh tế nào là chủ đạo, nền tảng trong nền kinh tế quốc dân. Quy định như Điều 54 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bám sát nội dung của Cương lĩnh, thể hiện một cách khái quát, cô đọng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phù hợp với tính chất, quy định của Hiến pháp. Còn tên gọi và vai trò của từng thành phần kinh tế sẽ được xác định trong luật và các chính sách cụ thể của Nhà nước. Không nêu rõ vai trò của thành phần kinh tế nhà nước như những quả đấm thép, để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, cạnh tranh bình đẳng với nhau.

Đối với chế định đất đai, Điều 57, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định, đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. So với Điều 17 của Hiến pháp năm 1992 hiện hành quy định đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, các công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân. Như vậy, đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, chứ không phải sở hữu nhà nước. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

Tại Điều 58 (sửa đổi, bổ sung Điều 18), dự thảo quy định, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, được quản lý theo quy hoạch và pháp luật. Có thể thấy, quản lý đất đai theo quy hoạch và theo pháp luật là yêu cầu đầu tiên, quan trọng nhất của công tác quản lý. Quản lý theo quy hoạch và theo pháp luật cho chuẩn mực là hai yếu tố cốt lõi mà nhiều năm qua chúng ta đã buông lỏng. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn. Người dân được sử dụng đất ổn định, lâu dài, khoảng 50 năm, chứ không phải ngắn hạn.

Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích; được quyền sử dụng đất, thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến quy định của pháp luật. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ. Đây là điểm mới: quy định quyền sử dụng đất cũng chính là quyền về tài sản của công dân, được pháp luật bảo hộ.

Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy chỉ trong trường hợp thật cần thiết Nhà nước mới được thu hồi đất của tổ chức, cá nhân. Thu hồi đất phải bồi thường theo đúng quy định của pháp luật, tức là bồi thường phải theo sát giá thị trường, không được để người dân chịu thiệt thòi, doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư trục lợi qua thu hồi đất. Tôi cũng muốn nhấn mạnh, sở dĩ trong Điều 58, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội, để tránh trường hợp trong thời gian vừa qua lợi dụng khái niệm các dự án về phát triển kinh tế - xã hội, không ít địa phương, nhất là người đứng đầu địa phương được giao ký quyết định cấp đất, thu hồi đất của người dân một cách tràn lan đã gây nên tình trạng hơn 70% đơn thư khiếu kiện thuộc lĩnh vực đất đai.

Cho nên, ngay tại khoản 3, Điều 58, dự thảo đã siết chặt các quy định thu hồi đất, chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết, tránh lạm dụng các dự án phát triển kinh tế - xã hội và do mong muốn phát triển nóng bằng mọi giá của địa phương để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc các dự án kinh tế - xã hội nên việc thu hồi đất diễn ra không bình thường, không ít trường hợp thu hồi đất xuất phát từ lợi ích nhóm, từ việc bắt tay ngầm giữa doanh nghiệp với người ký quyết định thu hồi đất. Thu hồi đất xong, không triển khai dự án gây nên tình trạng dự án treo, có dự án treo xuyên thế kỷ hoặc có trường hợp sử dụng đất sai mục đích nhằm buôn bán bất động sản kiếm lời.

Có thể khẳng định, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và mang tính định hướng lâu dài.

 


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc