Góp ý Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai: Chỉ nên thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh

18:59, 18/02/2013
|

(VnMedia) - Theo phân tích tại Diễn đàn chính sách của Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, nên bỏ việc sử dụng quyền thu hồi đất bắt buộc, trừ các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích công…


>> Các trường hợp thu hồi đất quy định trong Dự thảo
 

Thu hồi đất luôn là vấn đề nóng và phức tạp. Trong thời gian qua, việc thu hồi đất được đánh giá là không chỉ thiếu công bằng mà còn không hiệu quả do quy trình thu hồi đã dẫn đến những diện tích đất rộng lớn được giải phóng mặt bằng cho các dự án đã không đi vào thực hiện và bỏ hoang.

 

Theo phân tích tổng hợp từ ý kiến từ Diễn đàn Chính sách về đất đai ở vùng dân tộc và miền núi của Ủy ban Dân tộc Quốc hội, từ góc độ chính sách, không cần thiết quy định quyền thu hồi đất bắt buộc phục vụ các mục đích kinh tế, bởi bản thân các cơ chế thị trường đã tạo ra các yếu tốc kích thích thỏa đáng cho những người sử dụng đất bán các quyền sử dụng đất của họ cho các nhà đầu tư là những người có thể sử dụng đất có năng suất hơn.

 

Trong khi đó, các ý kiến từ nhóm các nhà tài trợ bao gồm các cơ quan Liên Hiệp quốc ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Oxfam… cho rằng, có những lý do xác đáng về chính sách để bỏ việc sử dụng quyền thu hồi đất bắt buộc.

 

Theo đó, sẽ là không công bằng khi thu hồi đất bắt buộc bởi lẽ, mọi lợi ích kinh tế từ việc chuyển đổi đất sẽ chuyển qua nhà đầu tư. Ngoài ra, việc thu hồi đất bắt buộc sẽ gia tăng nguy cơ tham nhũng và thông đồng giữa các nhà đầu tư và những quan chức có quyền hạn trong vấn đề này. Thu hồi đất cũng sẽ dễ gây bất mãn trong những người sử dụng có đất bị thu hồi, dẫn đến bất ổn xã hội, khiếu nại và kiện cáo.

 

Góp ý với Dự thảo sửa đổi Luật Đất, bạn Nguyễn Trần Minh Huy cho rằng, cưỡng chế thu hồi đất chỉ nên được thực hiện trong trường hợp vì mục đích: phòng chống thiên tai, mục đích an ninh quốc phòng. “Đối với trường hợp, cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án này, dự án kia là không nên. Đây là vấn đề thỏa thuận dân sự giữa người dân và chủ đầu tư. Khi người dân không đồng ý giao đất cho chủ đầu tư cũng là do bồi thường không thỏa đáng, việc tái định cư không đảm bảo được đời sống nhân dân. Nếu người dân giao đất cho chủ đầu tư thì sau này cuộc sống của người dân sẽ gặp khó khăn vì chưa được bồi thường thích đáng” – bạn Minh Huy viết.

 

Cùng quan điểm này, bạn Nguyên cho rằng, người dân cần phải có luôn cả quyền định đoạt về đất đai bên cạnh quyền sử dụng và Dự thảo Luật cần bổ sung quy định này.


 Ảnh minh họa

 Chỉ nên thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh - ảnh minh họa

 

Chỉ nên thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh

 

Trong khi đó, các ý kiến từ nhóm các nhà tài trợ cũng cho rằng, thu hồi đất nên giới hạn ở các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích công, bởi quy định như vậy sẽ làm cho Luật Đất đai phù hợp với thông lệ quốc tế và Hiến pháp năm 1992.

 

Như vậy, ngay cả việc thu hồi đất cho các dự án đầu tư kinh tế, kể cả sử dụng cho mục đích công nghiệp và dân sự, cũng như các trường đại học, phổ thông và các cơ sở y tế có lợi nhuận, cần được tiến hành thông qua thương lượng và thỏa thuận không bắt buộc của người sử dụng đất. “Vì những lý do tương tự, quỹ đất chỉ sử dụng cho các mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích công” - các nhà tài trợ nhấn mạnh.

 

Ngoài ra, các nhà tài trợ đánh giá, hiện nay, người nông dân không có tiếng nói trọng lượng trong quy trình thu hồi đất và họ là người cuối cùng được biết thông tin về những gì sẽ làm với đất của họ. Không có một yêu cầu nào bắt buộc tham vấn người sử dụng đất trước khi quyết định thu hồi; không chờ kết quả giải quyết các khiếu kiện trước khi thu hồi đất.

 

Do vậy, nhóm các nhà tài trợ kiến nghị, quy trình thu hồi đất nên tuân theo các thủ tục minh bạch, bao gồm việc thông báo công khai kế hoạch thu hồi, cơ hội để đưa ra các ý kiến phản hồi, họp nghe ý kiến của các bên bị ảnh hưởng trước hội đồng nhân dân địa phương hoặc các cơ quan đại diện khác, cũng như quyền khởi kiện đối với quyết định thu hồi đất và tiền đề bù lên tòa án với quyền được trợ giúp pháp lý không mất tiền và không phải trả các loại phí. Đất sẽ chỉ được thu hồi sau khi giải quyết xong các thủ tục này và không có bất kỳ sự phản đối nào.

 

Các nhà tài trợ cho rằng, trong các trường hợp mà các quyền sử dụng đất buộc phải thu hồi vì lợi ích công, nên theo nguyên tắc là người sử dụng có đất bị thu hồi không bị ảnh hưởng xấu hơn. Họ cần được đền bù đầy đủ không chỉ theo giá trị đất bị thu hồi mà còn cả các chi phí tái định cư nơi ở mới cũng như được đền bù về bất kỳ tổn thất sinh kế nào.

 

Cùng với đó, các quyền sử dụng đất cần được đối xử như các quyền về tài sản theo quy định ở Điều 181, Bộ Luật Dân sự.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc