Giao thông Thủ đô 2013: Tiếp tục "thăng hoa"?

14:21, 13/02/2013
|

(VnMedia) - Năm 2012, giao thông Thủ đô đã có bước thay đổi đáng kể so với các năm trước đây, từng bước góp phần giảm ùn tắc giao thông. Liệu trong năm 203 này, giao thông Thủ đô sẽ có những thay đổi thế nào?

>>Giao thông 2012: Những kỳ tích và biến cố

Hàng thập kỷ nay, ùn tắc giao thông luôn là vấn đề nổi cộm và làm đau đầu những thế hệ lãnh đạo Thủ đô. Trong những năm qua, nhờ thực hiện nhiều giải pháp xung quanh việc tổ chức lại giao thông khác nhau, tình hình ùn tắc giao thông ở Thủ đô đang dần được cải thiện.

Đặc biệt, trong năm 2012 vừa qua, việc đi lại của người tham gia giao thông ở Thủ đô đã đỡ căng thẳng, ít bị kêu ca hơn nhờ việc xây dựng hàng loạt các công trình chống ùn tắc: Đường cao tốc trên cao đầu tiên dài hơn 28km từ cầu Phù Đổng đến cầu Mai Dịch, 5 cầu vượt kết cấu thép cho xe cơ giới tại Chùa Bộc - Tây Sơn, Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Láng - Lê Văn Lương, Láng - Trần Duy Hưng, nút Nam Hồng... Các công trình này, sau khi thông xe và đưa vào sử dụng đã phần nào làm giảm ùn tắc tại các điểm nóng.

Đề cập đến những kết quả đã đạt được của thành phố trong năm qua, tại buổi họp tổng  kết hoạt động của ngành giao thông vận tải Thủ đô năm 2012 mới đây, đánh giá về những kết quả đã đạt được, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng nhận định, trong năm 2012, nhờ thông xe và đưa vào sử dụng nhiều công trình cầu vượt nhẹ chống ùn tắc, giao thông thành phố đã có bước cải thiện đáng kể. Số vụ ùn tắc giao thông ở Thu đô trong năm 2012 so với 2011 đã giảm gần 1/3.

Ảnh minh họa

Việc xây dựng các cầu vượt nhẹ ở các ngã tư trong năm 2012 đã góp phần giảm ùn tắc giao thông Thủ đô.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, năm 2013 Sở được giao trên 1.600 tỷ đồng dành cho công việc đầu tư xây dựng cơ bản cho các công trình giao thông trọng điểm. Trong quý 1 sẽ sớm hoàn thiện thủ tục, khởi công 16 công trình giao thông để giải quyết ùn tắc.

Theo kế hoạch, các công trình trọng điểm trên sẽ được triển khai ngay trong quý 1 gồm: đường Trần Phú - Kim Mã, đoạn còn lại của đường 23B, đường gom Cầu Giẽ - Phú Yên - Vân Từ, cầu Hạ Dục, cầu Gốm, cầu Đầm Mơ, cầu Hồng Phú, cầu 361, cầu Quảng Tái, cầu Bầu, cầu Phú Thứ, cầu Rồng, cầu nối khu đô thị Pháp Vân với khu đô thị Tứ Hiệp, cầu Zét, cầu Thuần Lương, cầu Yên Trình, cầu Mọc.

Ngoài ra, ngành giao thông Thủ đô sẽ tiếp tục triển khai các dự án phát triển giao thông đô thị theo đúng tiến độ cam kết như thông xe dự án cầu Yến Vĩ, hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công đường vành đai II để có thể đấu thầu, khởi công trong năm. Đồng thời, tập trung đấu thầu khởi công dự án nâng cao năng lực quản lý, điều hành giao thông, thông minh như dự án nâng cấp trung tâm điều khiển tín hiệu giao thông...

Đầu tháng 2 vừa qua, nhân rộng thành công của các cây cầu vượt nhẹ lắp ghép bằng thép tại các ngã tư trong việc chống ùn tắc, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tiến hành khởi công thêm 2 cầu vượt tại nút giao Daewoo và Bạch Mai - Đại Cồ Việt. Đây đều là nút giao cùng mức có mật độ phương tiện qua lại lớn, thường xuyên ùn ứ. Hy vọng sau khi thông xe, hai cầu vượt nhẹ này sẽ phát huy tác dụng trong việc chống ùn tắc.

Ngoài ra, theo kế hoạch, trong năm 2013 này, hàng loạt cầu vượt cho người đi bộ cũng sẽ được triển khai trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Xuân Thủy, Giải Phóng, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Thái Học - Lê Duẩn, Huỳnh Thúc Kháng, Lạc Long Quân... để tạo thuận lợi cho người đi bộ trong bối cảnh tai nạn giao thông với người đi bộ còn phổ biến.

Để xóa các bãi đỗ xe trên lòng đường, UBND Hà Nội đã phê duyệt nhiều dự án xây dựng bãi đỗ xe cao tầng tại phố Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Hoan, giàn đỗ xe cao tầng tại hè phố Nguyễn Đình Chiểu và công viên Thống Nhất do Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội làm chủ đầu tư, năm 2013 triển khai. Ngoài ra, các bãi đỗ xe ngầm tại công viên Thống Nhất, chợ Hàng Da... sẽ được xây dựng nhằm tận dụng đất. Sau khi hoàn thành, các dự án này giải quyết phần nào nhu cầu đỗ xe của chủ phương tiện, xóa bỏ tình trạng xe đỗ tràn lan tại lòng đường, vỉa hè như hiện nay.

Ít thay đổi ở những con đường là "điểm đen" về ùn tắc?
 
Nhìn vào kế hoạch mở mang cơ sở hạ tầng giao thông của Hà Nội trong năm 2013, một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải nhận định, trong năm nay giao thông Thủ đô ít có sự bứt phá mạnh để có thể giải quyết được căn bản vấn đề ùn tắc giao thông đang kéo dài và diễn ra dai dẳng cả thập kỷ nay trên địa bàn Thủ đô.
 
Theo các chuyên gia, hầu hết các dự án ngành giao thông sẽ triển khai trong năm đều là những dự án nhỏ, lẻ nên rất khó để tạo một sự thay đổi mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng giao thông.

Ảnh minh họa

Nhiều chuyên gia nhận định, với các giải pháp sẽ được triển khai trong năm, giao thông Thủ đô năm 2013 sẽ ít có sự thay đổi mạnh về chất.

Hơn nữa, các giải pháp Sở Giao thông vận tải đang triển khai cũng chỉ là hình thức giải quyết tạm thời ùn tắc giao thông tại từng điểm vì khi cơ sở vật chất hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thì việc thông xe nhanh tại điểm ùn tắc này sẽ khiến các điểm tiếp theo bị ùn ứ. Vì thế, cách giải quyết ùn tắc giao thông của Hà Nội hiện nay cũng chỉ là đùn điểm ùn tắc này sang điểm khác. 
 
Dẫn chứng cho lập luận trên, một chuyên gia phân tích, việc thông xe các cầu vượt nhẹ được cho là đang góp phần giảm ùn tắc tại các ngã tư thì sau khi thông xe cầu vượt nhẹ nút Thái Hà – Chùa Bộc và Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh, các tuyến phố ở phía trên như Nguyễn Lương Bằng và Nguyễn Chí Thanh thường xuyên rơi vào ùn ứ do các phương tiện lưu thông qua nút ngã tư quá nhanh dẫn đến ùn ứ lại phía đường trước mặt.
 
Hơn nữa, các biện pháp Sở Giao thông đang triển khai cũng không thể giúp những con đường vốn là các "điểm đen" về ùn tắc giao thông: Trường Chinh, Đê La Thành, Minh Khai, Chùa Bộc, Nguyễn Thái Học… giảm ùn tắc giao thông. Đây toàn là những con đường có lòng đường nhỏ, hẹp, chạy dài 3-4 cây số, ít giao cắt và là những con đường chính, gần như độc đạo, toả đi khắp nơi...cho nên nếu không có biện pháp cải tạo, mở rộng những con đường này thì Hà Nội sẽ mãi không thể xử lý được ùn tắc.
 
Nhìn về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, những kỳ vọng về giao thông của Thủ đô vẫn đang được đặt cả vào tuyến đường trên cao ở tuyến vành đai 2 sắp được khởi công xây dựng và 3 tuyến đường sắt nội đô đang được xây dựng dang dở, theo kế hoạch đến 2016 mới xong tuyến đầu tiên từ ga Hà Nội - Nhổn. Sau đó vào năm 2017, nếu đúng tiến độ sẽ có thêm một tuyến tàu điện ngầm nữa được hoàn thành. Như vậy, phải mất 5-6 năm nữa, giao thông Thủ đô may ra mới có bộ cánh mới tương đối hoàn chỉnh.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc