Giao thông 2012: Những kỳ tích và biến cố

20:28, 11/02/2013
|

(VnMedia) - Năm 2012 giao thông Thủ đô và cả nước nói chung đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, góp phần từng bước cải thiện bộ mặt cơ sở vật chất hạ tầng, giảm ùn tắc. Tuy nhiên, vẫn còn đó những chuyện làm dư luận bức xúc...

>>Giao thông Hà Nội 2012 thay đổi vượt bậc
 

Những kỳ tích
 
Một trong những kỳ tích đầu tiên phải ghi nhận trong lĩnh vực giao thông cả nước năm vừa qua đó là việc hàng loạt các công trình về cơ sở hạ tầng giao thông được hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng hoặc vượt tiến độ đề ra một cách ngoạn mục. Điều mà trước đây rất ít công trình giao thông làm được.
 
Trong năm với sự cán đích của nhiều công trình lớn, trọng điểm của giao thông Thủ đô: đường cao tốc trên cao đầu tiên từ cầu Phù Đổng đến cầu Mai Dịch, dài hơn 23km; xây dựng và thông xe 5 cầu vượt nhẹ tại các nút ngã ba, ngã tư hay ùn tắc của Hà Nội đã góp phần giảm đáng kể số vụ ùn tắc giao thông ở các tuyến đường trên.

                   
  Xem thêm những kỳ tích giao thông Thủ đô tại đây:
                         
Giao thông Hà Nội 2012 thay đổi vượt bậc
 
Với thành phố Hồ Chí Minh, việc khởi công tuyến metro đầu tiên của cả nước, hoàn thành cải tạo dòng kênh bẩn nhất Sài Gòn, khởi công cầu Sài Gòn 2, thông xe cầu Rạch Chiếc... là những kết quả nổi bật của ngành giao thông thành phố trong năm 2012.

Với tổng vốn đầu tư lên đến 2,4 tỷ USD, tuyến metro số 1 được khởi công ngày 28/8 là tuyến metro đầu tiên của TPHCM và cả Việt Nam. Công trình sẽ đưa vào sử dụng đầu năm 2018. Theo thiết kế, tuyến metro số 1 dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).

Ưu điểm nổi bật của metro là khả năng vận chuyển hành khách rất lớn, lên đến hàng trăm nghìn lượt người mỗi ngày. TP HCM đang kỳ vọng metro sẽ giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông do quá tải phương tiện cá nhân hiện nay, trước hết là khu vực phía Đông của thành phố, nơi mỗi ngày có hàng chục nghìn sinh viên đi lại. Và khi hoàn thành metro sẽ là "mạch máu giao thông của TP HCM".

Ảnh minh họa

Việc thông xe toàn tuyến cao tốc trên cao đầu tiên ở Thủ đô vào ngày 21/10 vừa qua thật sự là một kỳ tích của giao thông năm 2012.

Hay việc xây dựng cầu Sài Gòn 2 ở cửa ngõ phía Đông Bắc: Khởi công ngày 14/4 với số vốn gần 1.500 tỷ đồng, cầu Sài Gòn 2 dự kiến hoàn thành vào năm 2014 sẽ góp phần giảm tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu và giải tỏa ùn tắc giao thông tại cửa ngõ đông bắc TP HCM.

Hoặc việc khánh thành cầu Rạch Chiếc sớm 5 tháng vào ngày 10/7, cũng có ý nghĩa to lớn trong việc góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc, hạn chế tai nạn tại khu vực, cùng với nút ngã ba Cát Lái và tuyến xa lộ Hà Nội tạo nên trục mỹ quan thông thoáng tại cửa ngõ Đông Bắc TP HCM.

Bên cạnh đó, hàng loạt các công trình lớn do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư và xây dựng: quốc lộ 1A mới, Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (gói thầu số 1), cầu Nhật Tân, cầu Bến Thuỷ II, cầu Rạch Chiếc, Cảng hàng không Phú Quốc…cũng hoàn thành trước hoặc đúng tiến độ đã góp phần đáng kể vào việc thay đổi từng bước diện mạo cơ sở vật chất hạ tầng giao thông của cả nước.
 
Ngoài ra, trong năm 2012, Bộ Giao thông cũng đã khắc phục được tình trạng các công trình chậm tiến độ ở các dự án: Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên, dự án mở rộng quốc lộ 51…Đây là những kết quả rất đáng mừng của ngành giao thông năm 2012 vừa qua.
 
Và những biến cố
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được góp phần cải thiện rõ rệt bộ mặt giao thông cả nước thì vẫn còn đó những việc làm của ngành giao thông gây bức xúc dư luận. Đầu tiên là việc đề xuất thu phí hạn chế xe cá nhân do Bộ Giao thông vận tải đề xuất.

Đ
ầu tháng 1/2012, cho rằng sự gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông tại 5 thành phố lớn: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm tại các thành phố trên.

Ảnh minh họa

Đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân của Bộ Giao thông đã gặp rất nhiều phản ứng trong năm 2012.

Cụ thể, theo phương án thu phí lưu hành được Bộ Giao thông trình Chính phủ khi đó, chủ sở hữu  xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi chở xuống (kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng), có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống mức phí 20 triệu đồng/năm. Dung tích trên 2.000 - 3.000 cm3 mức phí 30 triệu đồng/năm, dung tích trên 3.000 cm3 mức phí 50 triệu đồng/năm.

Với xe máy Bộ Giao thông cũng đề xuất thu loại xe có dung tích dưới 175 cm3 mức phí 500.000 đồng/năm, loại dung tích từ 175 cm3 trở lên mức phí 1 triệu đồng/năm.
 Lý giải cho đề xuất trên, đơn vị đầu ngành giao thông cho rằng, làm vậy là để lấy quỹ để đầu tư lại xây dựng đường bộ.
 
Đề xuất thu phí này cùng với Quỹ Bảo trì đường bộ đã được trình Chính phủ trước đó và sắp đến thời điểm thu đã thật sự gây bức xúc cho dư luận. Trong suốt một thời gian dài, nhiều ý kiến bạn đọc, các chuyên gia, thậm chí cả các đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng phản ứng về “đòi hỏi" này của Bộ Giao thông vận tải. Sau đó, đến giữa tháng 10 đề xuất này mới bị “để lại” do muốn "hoãn sức dân" do các chủ một phương tiện ô tô, xe máy đã phải gánh đến cả 9-10 loại thuế.
 
Tiếp theo là việc, Hà Nội dù đã 4-5 lần thất bại trong kế hoạch phân làn, tách dòng phương tiện nhưng lãnh đạo thành phố vẫn chi ra hàng chục tỷ đồng để làm việc biết trước sẽ không có kết quả.
 
Từ cuối 2011, rút kinh nghiệm của những lần phân làn đường thất bại trước, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho cắm cọc sắt, đặt barie cứng giữa đường để phân làn, tách dòng phương tiện nhưng kết quả cũng duy trì không được bao lâu.

Thế nhưng, sang đầu năm mới, cho rằng, giải pháp phân làn vẫn đúng và cần thiết phải làm, Hà Nội tiếp tục phân làn đường hàng loạt tuyến đường khác. Kết quả là sau đó vài tháng, ít ai tham gia giao thông ở Thủ đô còn phân biệt được đó có phải là tuyến phân làn hay không.
 
Đáng tiếc là việc làm này của Hà Nội cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia vì cho rằng việc phân làn chỉ phù hợp với những tuyến đường đủ điều kiện nhưng dường như Hà Nội vẫn phớt lờ tất cả. Kết quả là bao nhiêu lần phân làn là bấy nhiêu lần Hà Nội phải nhận “trái đắng”.

Ảnh minh họa

Hầm vượt sông Sài Gòn nứt đi nứt lại trong năm 2012.

Sáng 21/12, hầm Thủ Thiêm - hạng mục quan trọng nhất trong dự án xây dựng đại lộ Đông Tây của TP HCM. Công trình hầm vượt sông Sài Gòn này có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á với chiều dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m, với 6 làn xe lưu thông, mỗi bên 3 làn cho cả ôtô và xe máy... một lần nữa nền hầm xuất hiện nhiều vết trám dọc ngang ở làn xe máy, ôtô, chiều từ quận 1 sang quận 2 và ngược lại. Vết trám xuất hiện khá dày, có vết chỉ vài chục cm, nhưng cũng có đoạn dài cả mét.

Ngoài các vết trám mới có màu trắng dễ dàng nhận thấy, trên nền hầm Thủ Thiêm còn nhiều vết trám cũ màu tối hơn. Theo một chuyên gia cầu đường, có thể đó là vết nứt đã xuất hiện trước đây và trong đợt bảo trì đường hầm vừa qua, nhà thầu Obayashi trám lại. Trong khi đó, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP HCM (chủ đầu tư) cho biết sẽ kiểm tra và có thông tin trả lời sớm nhất.

Hồi đầu tháng 8, trên nóc đốt giữa hầm Thủ Thiêm đã xuất hiện nhiều vết ố đen và vết trám kéo dài theo nóc hầm ở cả 2 chiều từ quận 1 sang quận 2. Các vết trám hình xương cá dài từ vài cm đến vài mét. Ngoài ra, tại vị trí trám bằng keo này còn có những miếng nhựa vàng được gắn vào nóc hầm.

Cùng với việc hầm xe cơ giới Kim Liên của Hà Nội sau nhiều lần rò rỉ nước đã được khắc phục trong năm qua cũng bị rò rỉ nước trở lại ở các khe co giãn, nhất là công trình sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) sửa đi vá lại đến 5-6 lần vẫn hư hỏng… đã khiến dư luận không khỏi lo lắng cho chất lượng các công trình xây dựng của ngành giao thông.

Tuy vẫn còn những tồn tại, nhưng nhìn chung giao thông cả nước năm 2012 đã có những chuyển biến đáng kể, đáng ghi nhận. Hy vọng, năm 2013 này, ngành giao thông cả nước sẽ nỗ lực hơn nữa để ngày càng có nhiều công trình giao thông mang tính đột phá về cơ sở vật chất hạ tầng được người dân khen ngợi, góp phần cải thiện bộ mặt giao thông cả nước. 


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc