Đất đai sẽ phải được sử dụng hiệu quả hơn

07:44, 13/02/2013
|

(VnMedia) - Đất đai và môi trường đang là những lĩnh vực rất “nóng”, được người dân cả nước quan tâm. Nhân dịp đầu xuân Quý Tỵ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trao đổi với VnMedia về những vấn đề này...


 Ảnh minh họa

 Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang

 

Đất đai: Quy hoạch để sử dụng hiệu quả

 

- Thưa Bộ trưởng, một trong những vấn đề mà trong năm qua dư luận rất quan tâm, đó là sắp hết thời hạn giao đất nông nghiệp. Xin Bộ trưởng cho biết, khi hết thời hạn, đất có được thu hồi và chia lại hay không?

 

Trước hết, tôi xin khẳng định, về chủ trương, người dân sẽ tiếp tục được sử dụng đất sau khi hết thời hạn 20 năm (1993 - 2013). Chủ trương này trong các luật 1993 và 2003 đều đã được khẳng định, đó là sau khi hết thời hạn giao đất thì người dân có nhu cầu sẽ vẫn tiếp tục được sử dụng đất và cũng sẽ không chia lại ruộng đất.

 

Những quy định này cũng đã được Hội nghị Trung ương khẳng định trong Nghị quyết 19. Hội nghị này đã khẳng định không chia lại ruộng đất nhưng Nhà nước sẽ có chính sách để người dân sử dụng đất một cách hiệu quả hơn.

 

Tới đây, theo Luật đất đai 2003 sửa đổi thì thời hạn sử dụng đất nông nghiệp sẽ được kéo dài hơn. Tuy nhiên, cụ thể là bao nhiêu năm thì còn tùy vào Quốc hội quyết định. Vừa rồi, chúng tôi đề nghị trong Dự thảo đang trình Quốc hội hạn sử dụng đất là 50 năm chung cho tất cả các loại đất (cây dài ngày, cây ngắn ngày, thủy sản, nông nghiệp…)

 

Vấn đề đặt ra hiện nay ở nông thôn là có những người mất đi, có những người sinh ra sau năm 1993, nếu không chia lại ruộng đất thì xử lý thế nào? Thứ nhất, với những người không có nhu cầu sử dụng đất nữa thì nhà nước sẽ thu hồi lại hoặc sẽ điều chỉnh cho người khác, nhưng phải với tính chất tự nguyện. Thứ hai, khuyến khích chuyển nhượng đất nông nghiệp, ví dụ như những người chuyển sang làm việc khác thì chuyển nhượng đất đó cho người chưa có đất… Nhưng những việc này cần phải bàn cụ thể, thấu đáo trên tinh thần rất tự nguyện.

 

- Liên quan đến những dự án còn dang dở hay còn gọi là dự án treo, lãng phí tài nguyên đất, trong năm 2013, Bộ sẽ có những giải pháp như thế nào để sử dụngnguồn tài nguyên đất đai một cách hiệu quả hơn?

 

Vừa qua, tình trạng đất bị bỏ hoang sau khi nhà đầu tư được giao hoặc cho thuê là tương đối nhiều. Đây là bài học trong quản lý. Trong thời gian qua, chúng tôi đã chỉ đạo các tỉnh, thành trong cả nước kiểm tra đối với những dự án treo, dự án đã nhận quá thời hạn theo quy định của pháp luật (sau 12 tháng không đưa vào sử dụng) thì nhà nước sẽ thu hồi).

 

Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị 132, trên tinh thần của Chỉ thị này, Bộ TN&MT đã chỉ đạo,hướng dẫn các địa phương kiểm tra, xử lý. Vừa rồi, cũng có một số địa phương làm tương đối tốt như Long An, Tây Ninh, Quảng Ninh, kể cả TP. HCM và Hà Nội, nhưng tất nhiên, TP HCM và Hà Nội thì diện này tương đối lớn.

 

Trong tình hình phát triển kinh tế tương đối nóng như giai đoạn vừa qua, vấn đề quy hoạch sử dụng đất chưa thực sự được quan tâm nhiều. Thời gian tới đây, vấn đề quy hoạch sử dụng đất này cần phải được các địa phương rà soát lại, làm thế nào để sử dụngmột cách hiệu quả và tiết kiệm. Nước ta là một nước nông nghiệp, vấn đề đất cho nông dân đảm bảo cuộc sống và ổn định xã hội hết sức quan trọng. Cùng với sự phát triển đô thị và công nghiệp hóa thì vấn đề thu hồi đất là rất cần thiết. Nhưng chúng ta thu hồi như thế nào để sử dụng cho hiệu quả là vấn đề cần đặt ra.

 

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định, các nhà đầu tư muốn sử dụng đất phải có những điều kiện tài chính để tránh tình trạng “tay không bắt giặc” như thời gian vừa qua, vốn liếng không có, dựa hoàn toàn vào vốn vay ngân hàng… hoặc một số điều kiện khác như trước đây đã tham gia, thực hiện một số dự án như thế nào… hay nói cách khác là cần có những cơ sở pháp lý để xem xét.

 

Vấn đề thứ hai, hướng tới sẽ quy định là nhà đầu tư đã nhận đất vào mà chậm đưa vào sử dụng sẽ bị thu hồi mà không được trả lại tiền đất cũng như tiền đầu tư vào các công trình trên đó.

 

Ô nhiễm môi trường: Cương quyết xử lý

 

- Thưa Bộ trưởng, ngoài vấn đề đang rất “nóng” là đất đai thì ô nhiễm môi trường cũng đang rất bức xúc. Trong thời gian tới, Bộ sẽ có các chương trình hành động như thế nào để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường?

 

Đúng là vấn đề môi trường cũng là vấn đề nóng bỏng, bức xúc hiện nay. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng vấn đề môi trường luôn đi song song cùng sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong một chừng mực nào đó, nhất là giai đoạn trước, chúng ta phát triển kinh tế nóng như vậy, thì ô nhiễm môi trường xảy ra khá nghiêm trọng. Trong năm 2012 và trước đó, cả xã hội, các tỉnh thành và Bộ TN&MT, các bộ ngành liên quan đã có nhiều cố gắng để giảm ô nhiễm môi trường nhưng tình hình còn hết sức khó khăn.

 

Bộ TN &MT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành chiến lược bảo vệ môi trường từ nay đến 2020 và tầm nhìn đến 2030. Vừa rồi Quốc hội cũng đã thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về xử lý môi trường. Thêm vào đó, tại một cuộc họp của Chính phủ trong tháng 1 vừa qua, chúng tôi đã trình và Chính phủ đã thông qua Nghị quyết về giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách. Với những căn cứ này, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo, trước hết là hoàn thiện những văn bản pháp luật, Luật Môi trường tới đây sẽ sửa đổi, hy vọng 2014 sẽ thông qua được. Hiện nay Luật Môi trường còn nhiều vấn đề cần bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp để có hiệu lực tốt hơn.

 

Ngoài ra, cần phải trang bị những cơ sở để quản lý môi trường, ví dụ như quan trắc môi trường ở khu công nghiệp rất quan trọng, cần phải đầu tư để giám sát. Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra và kiểm tra, cần phải làm thường xuyên. Đối với doanh nghiệp, chỉ cần ngơi thanh tra kiểm tra là họ có thể xả thải ra môi trường ngay. Việcnày rất tế nhị, nhưng về thái độ của chúng tôi là phải cương quyết theo đúng pháp luật. Tất nhiên, có những vấn đề nhà nước cần hỗ trợ như làng nghề.

 

- Vậy, trong 7 vấn đề mà Bộ đang quản lý, trong năm 2013, vấn đề nào sẽ được ưu tiên giải quyết, thưa Bộ trưởng?

 

Nhiệm vụ năm 2013 của Bộ TN &MT rất nặng nề. Trước mắt, nhiệm vụ trọng tâm vẫn là công tác thể chế, xây dựng các văn bản pháp luật. 2013 chúng tôi vẫn tiếp tục hoàn thiện, trình Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Đây là luật rất quan trọng, đã được chuẩn bị trong thời gian tương đối dài (2 năm). Luật này sẽ trình Quốc hội lần 2 vào tháng 6/2013 và hiện chúng tôi đang tập trung cao độ cho chương trình này.

 

Thứ 2 là xây dựng Nghị quyết ứng phó biến đổi khí hậu, đẩy mạnh bảo vệ tài nguyên và môi trường. Đây là một Nghị quyết khá toàn diện với ngành tài nguyên môi trường, là cơ sở để xây dựng các văn bản pháp luật khác. Chúng tôi đang tập trung và sẽ hoàn thiện, sau Tết sẽ báo cáo Bộ Chính trị, cuối tháng 4, đầu tháng 5 Trung ương có thể thông qua đề án này.

 

Vấn đề thứ 3 chúng tôi cũng rất quan tâm, đó là Nghị quyết 30 của Quốc hội và Chỉ thị 1474 của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nghị quyết 30 của Quốc hội giao là đến năm 2013, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu phải cơ bản hoàn thành, đảm bảo ít nhất 85%. Vừa qua chúng tôi đã bàn kỹ với các địa phương, quyết tâm trong năm 2013 phải tập trung đạt bằng được mục tiêu này. Đồng thời, công tác thanh tra cũng phải tập trung cao độ hơn nữa, cả trong lĩnh vực môi trường cũng như lĩnh vực khoáng sản và đất đai.

 

- Xin cảm ơn Bộ trưởng. Chúc Bộ trưởng cùng ngành Tài nguyên và Môi trường một năm mới an khang, thịnh vượng.


Tuệ Khanh - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc