Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân bằng gì?

12:24, 04/02/2013
|

Có địa phương, HĐND tỉnh tổ chức đánh giá việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề đã ban hành để đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng ban hành và hiệu lực, hiệu quả thực hiện. Về nội dung đánh giá, theo một số ý kiến cần bám vào nội dung nghị quyết; ý kiến khác lại cho rằng nên đánh giá toàn diện, bao gồm quá trình thực hiện đến sửa đổi, bổ sung và hiệu quả thực hiện các nghị quyết. Đây là vấn đề cần được trao đổi để thống nhất.

Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định HĐND có hai chức năng cơ bản là quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương và giám sát việc tuân theo pháp luật, nghị quyết HĐND của cơ quan nhà nước, tổ chức KT - XH, đơn vị vũ trang, nhân dân và công dân địa phương. Theo từ điển tiếng việt và từ điển luật học, “đánh giá là ước tính giá tiền, nhận định giá trị”, “Giám sát là sự theo dõi quan sát hoạt động mang tính chủ động thường xuyên, liên tục và sẵn sàng tác động bằng các biện pháp tích cực để buộc và hướng hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát đi đúng quỹ đạo, quy chế nhằm đạt được mục đích, hiệu quả đã được xác định từ trước, bảo đảm  cho pháp luật được tuân theo nghiêm chỉnh”. Thực tiễn cho thấy, hoạt động giám sát của cơ quan dân cử là hoạt động theo dõi, kiểm tra, xem xét, đánh giá hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện hiến pháp, pháp luật, các nghị quyết HĐND cấp mình ở địa phương. Do vậy, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của HĐND phải nhìn nhận một cách toàn diện từ quá trình triển khai, sửa đổi, bổ sung nội dung nghị quyết đến kết quả thực hiện.

Thực tế, HĐND đánh giá các nghị quyết chuyên đề đã ban hành đang có hiệu lực với số lượng rất lớn. Nếu đánh giá chi tiết từng nội dung nghị quyết thì báo cáo chưa đạt được tính khái quát. Hơn nữa, các nghị quyết đang có hiệu lực, đang được các cơ quan liên quan triển khai thực hiện, chưa đến thời kỳ đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết (mang tính tổng kết) để xem xét ban hành nghị quyết mới. Do vậy, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề nên có tiêu thức cơ bản để làm nổi bật được nội dung đánh giá, đáp ứng mục đích, yêu cầu đề ra.

Theo quy định, các nghị quyết chuyên đề đa số thuộc văn bản QPPL. Nội dung, thể thức văn bản có những vấn đề chung về quy trình sửa đổi, bổ sung nghị quyết, về cơ quan triển khai thực hiện là UBND cùng cấp, đối tượng thực hiện nghị quyết là các cơ quan, tổ chức và công dân trên địa bàn liên quan đến nội dung nghị quyết. Việc thực hiện nghị quyết có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp trên địa bàn, và đều chịu sự giám sát của HĐND, các tổ chức HĐND tỉnh và hệ thống chính trị, công dân trên địa bàn. Từ những điểm chung nhất về các nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh có thể khái quát thành những tiêu chí đánh giá việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề của HĐND đang còn hiệu lực. Đó là: đánh giá về sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng đối với việc thực hiện nghị quyết; việc tổ chức thực hiện nghị quyết của UBND và cơ quan chuyên môn UBND cùng cấp, của cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở; hoạt động giám sát của HĐND, các tổ chức HĐND tỉnh và các cơ quan, công dân trên địa bàn và kết quả đạt được khi thực hiện nghị quyết chuyên đề của HĐND.

Lựa chọn được tiêu chí chung như vậy sẽ có tác dụng: đánh giá việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề cho biết rõ bức tranh tổng thể kết quả thực hiện; xác định rõ kết quả đạt được trong từng công đoạn của quá trình thực hiện nghị quyết, đồng thời cũng làm rõ được kết quả thực hiện của từng nghị quyết. Qua đó, xác định được rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan đến việc triển khai thực hiện nghị quyết. Từ đó có giải pháp cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân trong việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề của HĐND đang có hiệu lực.

Mặt khác, từ tiêu chí chung sẽ giúp chúng ta xác định được nội dung thực hiện nghị quyết đạt, chưa đạt mục tiêu mang tính cá biệt để nhóm thành từng lĩnh vực, từ đó phân tích, làm rõ nguyên nhân của hạn chế và giải pháp khắc phục. Thực hiện được như vậy sẽ khắc phục được việc đánh giá các nghị quyết HĐND dàn trải, kể lể kết quả đạt được và chưa đạt được, nhưng lại không khái quát được để xác định nguyên nhân của các hạn chế trong việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề để có giải pháp khắc phục hiệu quả.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc