Có nên nhân rộng mô hình 141 ra các ngành khác?

10:26, 22/02/2013
|

(VnMedia)Sau hơn một năm thành lập, các tổ 141 của Công an Hà Nội đã giúp lập lại trật tự trên đường phố Thủ đô và được nhân rộng ra nhiều tỉnh. Trước thành công này của Công an Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, nên nhân rộng mô hình 141 ra các ngành khác.

>>Thu giữ hàng trăm hung khí “giết người” từ kiểm tra GT
>>Lập tổ công tác "đặc biệt", Tướng Nhanh được khen
 

Đường phố Thủ đô bình yên nhờ… 141
 
Còn nhớ cách đây hơn 1 năm, khi cảnh sát giao thông chỉ trực xử phạt vi phạm giao thông ở các vị trí chốt trực, đường phố Hà Nội khi đó có thể nói là khá “bạo lực” với những người tham gia giao thông, chủ yếu là lớp thanh niên đi xe máy, ô tô mang theo hung khí nóng, hễ cứ động va chạm là sẵn sàng nhảy xuống "giải quyết" bằng nắm đấm, thậm chí không ít trường hợp lao vào đâm chém nhau để xả giận. 
 
Thời gian đó, trong khoảng vài ba tháng, các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí liên tiếp đăng những thông tin về đâm chém nhau trên đường phố. Có những tuần, chỉ trong 3 ngày xảy ra hai vụ án mạng từ những va chạm giao thông. Những thông tin người tham gia giao thông mang theo hung khí nóng và những vụ đâm chém nhau trên đường phố từ những vụ va chạm giao thông đã thật sự là mối lo của những người tham gia giao thông ở Thủ đô khi đó.
 
Trước tình hình đó, cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2011, 5 tổ công tác đặc biệt, hay còn gọi là phản ứng nhanh 141 Công an Hà Nội, gồm: Cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông đã được thành lập nhằm lập lại trật tự kỷ cương trên đường phố.
 
Chỉ sau 2 tháng triển khai kế hoạch chuyên đề 14
1, các tổ công tác đặc biệt đã bàn giao 472 trường hợp có dấu hiệu phạm tội cùng 366 tang vật gồm các loại vũ khí, “hàng nóng": dao, súng, lựu đạn, ráo, lưỡi lê.... lưu thông trên đường phố cho tổ xử lý để phân loại, xác minh.

Cái hay của tổ đặc nhiệm này là mặc dù trực tiếp trấn áp những đối tượng có dấu hiệu phạm pháp ngay trên đường phố đông đúc người qua lại nhưng thành công nhất trong khi triển khai kế hoạch này là tội phạm, đối tượng có tính chất côn đồ hung hãn vi phạm pháp luật không xảy ra thương tích, thương vong đối tượng được kiểm tra và không gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.
 

 Ảnh minh họa

Lực lượng 141 Hà Nội chặn xử lý xe vi phạm giao thông. Ảnh: Khánh Công


Sau 2 tháng triển khai lực lượng trên, các vụ "thanh toán" nhau do va chạm giao thông gần như giảm hẳn. Tình trạng thanh thiếu niên mang hung khi khi tham gia giao thông cũng giảm đáng kể. Tiếp nối thàn công của 5 tổ đặc nhiệm trên, khoảng nửa năm sau, Hà Nội thành lập thêm nhiều tổ đặc nhiệm khác. Đến nay, sau một năm thực hiện, 15 tổ công tác 141 của Công an Hà Nội đã đã kiểm tra, xử lý 35.564 trường hợp. Tạm giữ 22.647 phương tiện và 6.318 bộ giấy tờ.

Các tổ đặc nhiệm đã thu giữ 81 khẩu súng (11 khẩu súng quân dụng và 70 súng công cụ hỗ trợ, súng tự chế) và gần 300 viên đạn, 638 dao, kiếm các loại; 147 bình xịt cay, 233 dùi cui các loại, 1368,742gam ma tuý các loại, 34,432g chất nổ, 236 bánh pháo nổ, 130kg rắn hổ mang chúa, 1 cá thể hổ đã bị giết thịt…khi đang lưu thông trên đường.
 
Kết quả kế hoạch 141 không những đã kìm chế được các vụ “thanh toán” nhau do va chạm giao thông trên đường phố mà còn gây tiếng vang, được dư luận quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ. Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo nhân rộng mô hình 141 của Công an Hà Nội với công an các tỉnh, thành.
 
Nhiều lĩnh vực khác cũng cần các tổ đặc nhiệm?
 
Không chỉ ở đường phố, ở Hà Nội hiện nay còn rất nhiều lĩnh vực nóng khác cũng cần được quản lý chặt chẽ và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, các vi phạm trong các lĩnh vực khác trên địa bàn Thủ đô: Xây dựng, Văn hóa xã hội, các tệ nạn xã hội… diễn ra khá phổ biến.
 
Riêng trong lĩnh vực xây dựng, mỗi năm tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra nhan nhản. Mặc dù các quận, huyện của Hà Nội đều có những lực lượng chức năng đi kiểm tra, xử lý nhưng theo thông kê mỗi năm trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra hàng trăm vụ vi phạm.
 
Hay trong lĩnh vực văn hóa xã hội cũng vậy, cũng nhan nhản những vi phạm. Nào là tình trạng móc túi tại các lễ hội, trộm cắp trên xe buýt, xả rác bừa bãi tại các điểm lễ hội, nơi công cộng, rồi xe công “trốn lệnh” đi lễ….Những hình ảnh này đang làm xấu hình ảnh của một Thủ đô thanh lịch nghìn năm văn hiến và vô hình chung đang tạo nên ý thức xấu trong cộng đồng xã hội.

Người Việt ta những ai có dịp sang Singapore đều chầm trồ khen ngợi sự thông thoáng, sạch sẽ của đất nước đảo quốc này. Tại đất nước này, ngoài giao thông thông thoáng, sạch sẽ do được quy hoạch bài bản và những biện pháp hạn chế xe cá nhân thì vấn đề văn hóa nơi công cộng cũng hết sức được đề cao.

Tại các nơi công cộng, mặc dù mỗi ngày đều có hàng trăm đến hàng nghìn người qua lại vui chơi, sinh hoạt nhưng không hề có tình trạng vứt rác, xả rác bừa bãi. Có điều lạ là, trên đường phố, quanh các khu vui chơi, giải trí không hề có bóng dáng của cảnh sát nhưng không ai dám tiện đâu xả đó.

Có được điều đó là do Singapore xử phạt rất nặng và gần ngay như lập tức các trường hợp vi phạm. Tuy không có mặt lực lượng chức năng, nhưng chỉ cần người nào đó xả rác bậy là có người ra nhắc nhở và xử phạt cho nên mọi người đều bảo nhau thực hiện tốt các quy định đã được ban hành.

Trở lại những vấn đề nóng đang tồn tại của Việt Nam, chứng kiến sự hoạt động thành công của mô hình 141 do Công an Hà Nội thành lập trong năm vừa qua, anh Hùng, một người dân sống trên phố Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, không chỉ trong lĩnh vực giao thông, với sự hoạt động hiệu quả của các tổ 141 do Công an Hà Nội thành lập hiện nay, các ngành khác có lẽ cũng nên học tập kinh nghiệm của Công an thành phố trong việc giải quyết các vấn đề nóng của ngành. Mỗi ngành nên thành lập một vài “tổ đặc nhiệm ngành” riêng để giải quyết các vấn đề “đen” của ngành mình.
 
“Với ngành xây dựng chẳng hạn, thành phố đang có chủ trương xóa nhà siêu mỏng siêu méo và lặp lại trật tự trong lĩnh vực xây dựng thì nên nghiên cứu thành lập một “tổ phản ứng nhanh” với các vi phạm. Các tổ này sẽ đi tuần tra thường xuyên trên các tuyến đường, khu dân cư với nhiệm vụ là phát hiện, kiểm tra và xử lý ngay những trường hợp vi phạm. Một khi các vi phạm được phát hiện và xử lý ngay từ đầu thì sẽ không còn đất tái diễn nữa”, anh Hùng kiến nghị.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc