Choáng váng kiểu nói thách ngày tết

07:38, 08/02/2013
|

(VnMedia) - Chợ ngày Tết, người bán tha hồ nói thách với giá “trên trời”, còn người mua thì hoang mang không biết đâu là giá thật để mặc cả. Nhiều người mua xong mới biết mình bị “hớ”, nhưng cũng có người bị mắng té tát vì trả giá quá thấp…

   

Giá nào cũng bán

 

Sáng 27 Tết, trên đường đi làm, chị Nguyễn Thái Hương (Ba Đình, Hà Nội) thấy một người đứng bên đường bán mấy cây hoa trạng nguyên. Nghĩ là cây này hợp với ngày Tết, chị dừng lại để hỏi mua. Thấy vậy, bà bán hoa mời chào rất đon đả: “Em mua đi, chị bán rẻ rồi đi về. Hoa vừa đánh ở vườn ra, rất tươi, em có thể chơi qua Tết”. Và cái giá “rẻ” mà người bán hoa này cho biết là 70.000 đồng/cây. Nghĩ cũng hơi đắt, chị Hương mặc cả, trả giá 50.000 đồng. Người bán hoa lưỡng lự, nài thêm cố thêm 5.000 đồng nữa và chị Hương đồng ý.

 

Đang loay hoay buộc cây hoa vào xe, chị Hương loáng thoáng nghe thấy tiếng một người khác đến hỏi mua. Người bán hoa lại “hô” 70.000 đồng, nhưng lần này, người khách mới bĩu môi nói: Cái gì mà 70.000. Mẹ tôi vừa mua ở đây có 25.000, về nhà bảo tôi ra mua thêm cây nữa. Bà nhìn mặt tôi hiền mà bắt nạt à?

 

Lúc này, chị Hương mới ngớ người biết là mình vừa bị mua hớ. Đến cơ quan, nghe chị phàn nàn thì mấy chị đồng nghiệp cười xòa nói: Ngày Tết, mua cứ phải mặc cả. Trả giá 1/3 thôi!

 

Ngày Tết, những người mua hớ như chị Hương không phải là ít, bởi những mặt hàng này cả năm có khi chỉ mua một lần, không mấy ai biết giá thật của nó là bao nhiêu. Đặc biệt là đối với những mặt hàng như đào, quất, chuối xanh… thì giá cứ gọi là nhảy múa hết cỡ.


 Ảnh minh họa

 Sáng 28 Tết, những cành đào nhỏ xíu này đượt "hét" với giá 120.000 đến 130.000 đồng, cao gấp đôi giá của ngày 27 Tết. Có người mạnh dạn trả 60.000 đồng một cành, trong khi đó nhiều người móc ví trả tới 100.000


Tại chợ Ngọc Khánh (Ba Đình) sáng 28 Tết, bà Thoa (Tập thể Bộ Thủy sản) khấp khởi mừng vì vừa mua được nải chuối xanh thắp hướng Tết với giá hời. “Hôm qua tôi thấy mọi người mua nải chuối tương tự như thế này mà tận trăm tư, thế mà sáng nay tôi chỉ mua có 100. Nải to, quả đẹp lại là số lẻ” - bà Thoa hân hoan khoe. Nghe vậy, chị Chi (hàng xóm nhà bà Thoa) giật mình xuýt xoa: Ôi trời, thế mà cháu vừa mua ở cuối chợ những trăm rưởi. Người ta nói thách, bảo cháu là hai trăm hai, cháu mặc cả còn trăm rưởi đã tưởng rẻ. Không ngờ vẫn bị mua đắt. Ai mà biết họ nói thách tới cỡ ấy?” - chị Chi than thở.

 

Nói thách và bán giá cao “ngất ngưởng” phải nói đến chợ Thành Công (Hà Nội). Hôm lễ ông Công ông Táo vừa rồi, trong khi các chợ khác chỉ bán khoảng 30.000 đến 40.000 đồng 3 con cá chép thì chị Thu Hằng (Láng Hạ) khi ra chợ Thành Công mua cá đã bị hét giá lên tới… 150.000 đồng. “Tôi nghe thấy nói 150.000 đồng thì giật mình chạy thẳng. Thôi thì về đốt cá giấy vậy. Mình thành tâm là chính, các “cụ” chắc cũng không trách con cháu vì tội tiết kiệm” - chị Hằng nói.


Mua bán kiểu "ăn may"
 

Ai cũng biết chợ ngày Tết thường bị nói thách, nhưng đối với những bà nội trợ biết giá, đã quen mặc cả hoặc bạo dạn thì không sao, còn đối với những người ít đi chợ thì việc nói thách quá cao khiến họ hoang mang và rất dễ mua hớ. Thậm chí, cả với những người rất “sành sỏi” đôi khi vẫn “ăn quả đắng”.

 

“Với những mặt hàng mình không thạo giá, biết họ nói thách nhưng không thể đoán được giá thật là bao nhiêu, đành mặc cả hú họa. Nhưng trả thấp quá thì sợ bị ăn chửi, thành ra mua bán theo kiểu ăn may. Hôm qua khi mua một cành đào, thấy họ bảo 400, tôi đánh liều trả trăm tư, thế mà anh gật đầu bán ngay lập tức. Mua xong vẫn không biết mình mua được rẻ hay bị đắt” – chị Linh (Linh Đàm) chia sẻ.

 

Trong khi đó, chị Thu (dốc Thọ Lão, Lò Đúc) kể: “Hôm qua trước khi đi chợ, mẹ tôi dặn đi dặn lại là chợ ngày Tết họ nói thách gấp đôi gấp 3. Thế nên, khi nghe chị bán tôm nói 400.000 một cân, tôi liền trả 200.000. Ngay lập tức, chị này chửi tôi như té tát, rằng “cái đồ đã không có tiền còn đòi ăn sang”, khiến tôi rất xấu hổ”.

 

Ngày Tết, nhiều người bán hàng tranh thủ chộp giật, bán mà như lừa. Vì vậy, nhiều bà nội trợ đã có kinh nghiệm sẽ không mua ngay mà chịu khó quan sát, “lượn” vài vòng quanh chợ để khảo giá, hoặc hỏi vài người đã mua trước để biết mà mặc cả. Nhiều người đã chọn giải pháp vào siêu thị để mua hàng. “Giá cả trong siêu thị có thể cao hơn ở ngoài chợ một chút nhưng không bị nói thách, mà chất lượng cũng đảm bảo. Chỉ có điều ngày Tết siêu thị đông khách, thanh toán lâu nên cũng ngại” - chị Thùy Hoa chia sẻ.

 

Nói thách và mặc cả, trả giá vốn là văn hóa của người Việt. Phần lớn các bà nội trợ đều thích có cảm giác được mặc cả và hài lòng với sự thành công sau một hồi “cò kè”, coi đó như là một nghệ thuật đi chợ. Nắm bắt được tâm lý này, những người bán hàng thường nói thách một chút để người mua mặc cả là vừa. Tương tự, họ có thể điều chỉnh cân, nhưng chỉ một vài “hoa” để khi khách mua thì “cân tươi” lên cho vui vẻ. Tuy nhiên, nhiều người đã lợi dụng văn hóa này để trục lợi, hét giá quá cao hoặc cân điêu quá nhiều khiến cái nét đẹp của văn hóa mặc cả đã ít nhiều bị ảnh hưởng.


Tuệ Khanh - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc