(VnMedia) - Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê (CPCP), Vườn quốc gia Cúc Phương vừa tiếp nhận hai cá thể Cầy vằn (Chrotogale owstoni), một loài động vật quý hiếm, từ Vườn thú Newquay, Vương quốc Anh đúng vào hôm 9/2 (tức 30 Tết).
Cày vằn - ảnh thuộc chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê, vườn quốc gia Cúc Phương |
Hai cá thể cầy vằn sinh ra tại Anh Quốc, sau khi vượt 9,000km về Việt Nam sẽ được chăm sóc tỉ mỉ và cách ly trong 30 ngày trước khi cho phối giống vào mùa xuân này. Được biết, CPCP cũng là nơi cứu hộ thành công tê tê đầu tiên, và hiện nay chương trình đang chăm sóc hơn 30 cá thể đều là các loài quý hiếm như mèo rừng, cầy mực, cầy vòi mốc, cầy tai trắng, tê tê…;
Anh Trần Quang Phương, Quản lý Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê nói: “Việc chuyển giao thành công các cá thể Cầy vằn từ Vương quốc Anh về Việt Nam sẽ cải thiện đáng kể tính đa dạng nguồn gen để đáp ứng tốt công tác nhân nuôi sinh sản loài động vật quý hiếm này tại Cúc Phương và cũng là tiềm năng quý báu cho những hoạt động tái thả lại tự nhiên trong tương lai”.
Trước đó vào năm 2004, có 6 cá thể Cầy vằn trưởng thành đã được chuyển đến ba Vườn thú có uy tín của Vương quốc Anh bao gồm Vườn thú Newquay, Vườn thú Thrigby Hall và Vườn thú Shaldon Wildlife Trust trong khuôn khổ Chương trình mượn giống sinh sản bảo tồn loài Cầy vằn.
Một cầy vằn con được sinh ra ở vườn thú New Quay, Anh Quốc từ các con cầy vằn sang từ Việt Nam |
Chương trình được thực hiện giữa Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê, Vườn quốc gia Cúc Phương và các Vườn thú của Vương quốc Anh nhằm thiết lập một quần thể Cầy vằn có nguồn gen khoẻ mạnh trong điều kiện nuôi nhốt, nâng cao nhận thức toàn cầu về bảo vệ loài cầy vằn nói riêng và các loài thú ăn thịt nhỏ ở Việt Nam nói chung. Đồng thời hoạt động này cũng cải thiện công tác quản lý và nhân giống cầy vằn, đây sẽ là kỹ năng nhằm trợ giúp các hoạt động bảo tồn ngoại vi đối với các loài thú ăn thịt nhỏ qúy hiếm khác.
Việt
Ngày nay, ở Việt Nam, mức độ buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã nói chung và các loài thú ăn thịt nhỏ nói riêng đang ngày càng gia tăng do nhu cầu sử dụng tăng. Săn bắt trái phép thú ăn thịt để tiêu thụ ở các nhà hàng đặc sản tuy nhiên cũng được tiêu thụ ở thị trường thuốc đông y, da, lông và làm vật cảnh. Ngoài ra, thú ăn thịt nhỏ còn phải đối mặt với những vấn đề như thiếu hiểu biết về loài và không có thông tin dữ liệu về phân bố cũng như thiếu những hoạt động bảo tồn cần thiết.
Ý kiến bạn đọc