Băn khoăn việc làm ga đường sắt cạnh Bờ Hồ

18:34, 26/02/2013
|

(VnMedia) - Như VnMedia đã đưa tin, ga đường sắt đô thị C9 vừa được UBND TP Hà Nội duyệt phương án nằm ngay trên đường Đinh Tiên Hoàng. Vì sao có sự lựa chọn này?
 

 Ảnh minh họa


Theo giải thích của Sở Quy hoạch & Kiến trúc, việc thẩm định, lựa chọn địa điểm quy hoạch ga C9 đã bắt đầu được tiến hành từ năm 1010. Khi đó, đoàn nghiên cứu Haimud đã phân tích 3 phương án đề xuất, trong đó có phương án A đặt tại vườn hoa trước Đền Ngọc Sơn gần khu vực đền Bà Kiệu, phương án B cách vị trí phương án A 60m về phía Nam, nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước EVN Hà Nội và phương án cách vị trí A 185m, nằm dưới khu phố cổ, bao gồm cả Nhà hát múa rối Thăng Long.

 

Lúc đầu, phương án được lựa chọn là phương án A (đặt tại vườn hoa trước Đền Ngọc Sơn gần khu vực đền Bà Kiệu), tuy nhiên, sau đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã đề xuất điều chỉnh sang địa điểm trước khu đất của Tổng Công ty điện lực TP Hà Nội.

 

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, dựa trên kết quả so sánh, đánh giá các phương án và kiến nghị của đoàn nghiên cứu Haimud, Ban chỉ đạo dự án Haimud đã để xuất lựa chọn phương án nói trên bởi đây là phương án hợp lý nhất: Giảm thiểu tác động và bảo tồn khu vực di tích của Hò Hoàn Kiếm (Tháp Bút, đền Bà Kiệu); có khả năng tiếp cận thuận tiện tới vườn hoa Lý Thái Tổ, Bưu điện TP và khu phố thương mại Tràng Tiền; cự ly giữa các ga C8, C9, C10 là hợp lý và không phải di dời nhiều hộ dân trong khu vực phố cổ.

 

Ngoài ra, địa điểm này cũng phù hợp với định hướng quy hoạch của tuyến đường sắt đô thị số 2, khu vực phố cổ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận liên quan.

 

Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt đã xác định hướng tuyến của tuyến đường sắt đô thị số 2 và cũng định hướng sẽ di dời một số văn phòng, trụ sở các cơ quan cấp bộ, trụ sở cơ quan thuộc chính phủ, các công ty, tổng công ty nhà nước. Quỹ đất sau khi di dời, ngoài việc khai thác để xây dựng trụ sở của các cơ quan đầu não về chính trị - hành chính của UBND TP Hà Nội tại Hồ Gươm và phụ cần thì còn dành để làm các công trình công cộng như công viên, công trình văn hoá hoặc các tiện ích đô thịnhư bãi đỗ xe, bến tàu điện, quảng trường, trục đi bộ...

 

Ngoài ra, đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng xác định, khu phố cổ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận xác định là khu vực đặc thù, được tạo lập những không gian cây xanh, vườn hoa; bảo tồn tôn tạo các công trình di tích có giá trị, trên các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Hàng Khay, Tràng Tiền, Tràng Thi và xung quanh các quảng trường công cộng như quảng trường Đông kinh Nghĩa Thục, quảng trường Lý Thái Tổ, quảng trường cách mạng 19/8, quảng trường Nhà thờ lớn.

 

Song song với việc bảo tồn, tôn tạo không gian kiến trúc cảnh quan các công trình có giá trị về lịch sử, văn hoá, cách mạng như đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, Bưu điện Hà Nội, Trung tâm thương mại Tràng Tiền, khu vực tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh... tăng cường các điểm nghỉ ngơi, vui chơi và mua sắm thích hợp với không gian truyền thống của khu phố cổ, phố cũ và được kết nối bởi các tuyến phố đi bộ như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Khay.

 

Việc không bố trí ga C9 tại vị trí trước khu đất của Tổng Công ty điện lực Hà Nội hoặc điều chỉnh vị trí khác làm ảnh hưởng đến hướng tuyến đã được phê duyệt theo đồ án Quy hoạch chung sẽ làm thay đổi hướng tuyến của tuyến đường sắt số 2, khoảng cách giữa hai ga C8 và C10 quá lớn (2500m) không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, cũng như phải nghiên cứu trình duyệt lại dự án đầu tư” - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Dương Đức Tuấn cho biết.


 Ảnh minh họa

 Bản đồ  4 tuyến đường sắt đô thị do JICA đề xuất 2007. Tuyến số 2 đang được triển khai đoạn 11,5km trong tổng số 35 Km. Một hình minh họa công bố là khu vực EVN

 

Chưa phải là phương án tối ưu

 

Trao đổi với VnMedia về địa điểm đặt ga tại khu vực đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước EVN Hà Nội, KTS Trần Trọng Hanh cho biết, đó chưa phải là phương án tối ưu.

 

Theo KTS Trần Trọng Hanh, ga đặt tại khu vực Hồ Gươm là cần thiết vì đây là khu vực hội tụ số người đông, gắn kết giữa trung tâm Hồ Gươm với một loạt các khu vực mới phía Tây Bắc của Thành phố, trong tương lai có thể kết nối sang cả sân bay Nội Bài. Tuy nhiên, phương án tối ưu phải là ngay tại khu vực Tổng Công ty điện lực TP Hà Nội .

 

“Theo tôi, phương án tối ưu phải là khu vực ngay tại vị trí toà nhà EVN. Tuy nhiên, sau một thời gian dài thương lượng rất khó khăn nhưng không thành nên đành phải lựa chọn phương án hiện tại.”- ông Trần Trọng Hanh cho biết.

 

Về quan ngại ga sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực, KTS Trần Trọng Hanh cho rằng, phía đối tác Nhật hoàn toàn có thể xử lý được vì họ rất có kinh nghiệm, các nước khác trên thế giới cũng thường bố trí ga tàu điện ngầm tại các khu vực trung tâm như vậy.

 

“Phía Hồ Gươm chỉ đi ngầm, lối ra vẫn sẽ được điều tiết phía khu vực EVN. Nếu sau này có điều kiện cải tạo khu vực EVN thì sẽ là một sự gắn kết tốt” - ông Trần Trọng Hanh nhận định.

Với những ý kiến e ngại về di sản trong lòng đất khu vực Hồ Gươm, ông Hanh thừa nhận, khu vực này trước đây chùa chiền khá nhiều, nếu làm ngầm thì cũng không thể nói chắc chắn không có vấn đề.

“Về nguyên tắc, khi làm vẫn phải có 2 khảo sát, một là về bom mìn, hai là di sản. Nếu thấy di sản lớn có thể sẽ phải có quyết định khác đi, còn về công năng thì nếu chuyển về được khu vực EVN sẽ tốt hơn nhiều. Phía trên có thể xây trung tâm thương mại, ga sẽ đi ngầm phái dưới” - KTS Trần Trọng Hanh nói.

Trong khi đó, KTS Trần Huy Ánh thì cho rằng, đối với các đô thị có đường sắt đô thị, việc xuất hiện ga ngầm ở các vị trí tương tự sẽ làm thay đổi đáng kể hạ tầng kỹ thuật, không gian ngầm và mặt đấtcũng như giá trị kinh tế đô thị, văn hóa, giao dịch và mô hình dịch vụ thương mại. Điều quan trọng nhất trước nhữngdự án loại này là, nếu được cung cấp đầy đủ thông tin, có sự đóng góp của đông đảo các chuyên gia, thảo luận rộng rãi của các bên liên quan sẽ tạo động lực lớn và cơ hội phát triển đô thị. "Hy vọng thành phố Hà Nội sẽ không bỏ lỡ cơ hội này" - KTS Trần Huy Ánh nói.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc