An cư trên vùng đất mới

10:44, 25/02/2013
|

Cuộc sống du canh, du cư theo từng mùa rẫy giờ đã lùi xa, thay vào đó là sự an cư trên vùng đất mới, với những ngôi nhà khang trang, những nương chè, ruộng lúa xanh tốt... Đó là cảm nhận của chúng tôi khi đến khu tái định cư của đồng bào dân tộc Mông tại xã Mỹ Bằng, Yên Sơn, Tuyên Quang vào những ngày đầu năm 2013...

Dân đã an cư

Tiếp chúng tôi tại trụ sở xã, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng Nguyễn Đình Vượng cho biết: xã Mỹ Bằng nằm ở phía tây nam huyện Yên Sơn, giáp ranh 2 tỉnh, Yên bái, Phú Thọ; với dân số khoảng gần 12 nghìn người, gồm 5 dân tộc anh em sinh sống: dân tộc Kinh, Cao Lan, Dao, Mông và Tày. Trong những năm qua, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường trạm và trụ sở làm việc của xã, nhà văn hóa các thôn, xóm đã được quy hoạch và xây dựng; hiện 25/25 thôn trong xã đều có nhà văn hóa cộng đồng; 100% hộ có điện sinh hoạt.

Năm 2003, UBND xã nhận được chỉ đạo từ cấp trên giao chuẩn bị đất để tiếp nhận các hộ TĐC. Gần 3 năm sau, khu TĐC Mỹ Hoa hoàn thành và tiếp nhận người dân đến ở, theo đó thôn Mỹ Hoa được thành lập. Toàn thôn hiện có 56 hộ dân với 396 khẩu là đồng bào dân tộc Mông từ huyện Na Hang chuyển về. Trước đây đồng bào sống du canh, du cư, nay về bản mới, cuộc sống của bà con đã dần ổn định. Trưởng Thôn Mĩ Hoa Hòa A Di hồ hởi nói: “cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, giúp đỡ đồng bào mình có đất để làm ăn, có nhà đẹp để ở chúng mình phấn khởi lắm...”.

Trong căn nhà khang trang, anh Hòa A Páo là một trong những hộ đầu tiên đến đây lập nghiệp cho biết: tôi đến đây ở được 7 năm rồi, nhà có 6 người, được giao trên 1ha đất để trồng chè và các cây trồng khác. Năm vừa rồi, thu hoạch được trên 40 lứa chè, tổng thu nhập hơn 50 triệu đồng. Anh Páo khoe, trừ các khoản chi phí, mỗi vụ dư ra được hơn 20 triệu đồng để mua sắm vật dụng và phát triển kinh tế gia đình. Khi được hỏi, cuộc sống ở đây so với trước có tốt hơn không, có nhớ nơi ở cũ không? Thay lời chồng, vợ anh Páo nhanh nhảu trả lời: “tốt hơn chứ, không đi đâu nữa, ở đây làm ăn thôi…”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại thôn Mỹ Hoa còn rất nhiều hộ có thu nhập ổn định như gia đình anh Páo. Ông Lý A Cừ, 56 tuổi chia sẻ: cuộc sống bây giờ của chúng tôi so với trước đây ở nơi cũ là rất tốt. Cả đời người lam lũ, nào dám mơ ước có một ngôi nhà tầng, điện, nước sinh hoạt đầy đủ, đường sá sạch đẹp như bây giờ.

Tiếp lời ông Cừ, anh Nguyễn Văn Chiến cho biết thêm, ban đầu mỗi gia đình khi chuyển về được giao đất nông nghiệp (330m2/khẩu), đất rừng (300m2/khẩu), được cung cấp dụng cụ và giống cây trồng để sản xuất; cấp lương thực cho một năm; cấp chăn, màn và một số đồ dùng thiết yếu khác. Cùng với đó, bà con được các cán bộ Sở NN và PTNT hướng dẫn cách trồng trọt và chăn nuôi. Nhờ vậy cuộc sống của đồng bào dần dần ổn định; nhiều hộ vừa có tích luỹ, vừa mua sắm được tivi, xe máy... đời sống vật chất và tinh thần theo đó được nâng lên rõ rệt.

... nhưng còn không ít khó khăn

Mặc dù cuộc sống đã dần ổn định, người dân đã an cư trên vùng đất mới, nhưng nhìn chung cuộc sống đồng bào vẫn còn không ít khó khăn. Trưởng thôn Mỹ Hoa Hòa A Di chia sẻ: về cơ bản nơi ăn chốn ở của 56 hộ dân đã ổn định nhưng cuộc sống của nhiều hộ gia đình vẫn còn nhiều khó khăn; đặc biệt kể từ khi mất “anh 135” (Chương trình phát triển toàn diện đời sống kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa). Đơn cử, trước đây nếu có ốm đau đi bệnh viện không mất tiền vì được Nhà nước hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, còn bây giờ về đây thẻ bảo hiểm y tế bị cắt rồi, nếu bị ốm đau đi bệnh viện mất tiền, lo lắm...

Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch Nguyễn Đình Vượng xác nhận: những trăn trở, lo lắng của người dân là hoàn toàn chính đáng, trước khi bà con chuyển về đây sinh sống thuộc diện vùng 135, vùng được ưu tiên đặc biệt, vùng sâu, vùng xa. Nay về đây thuộc vùng 1, một số chính sách hỗ trợ bị cắt, trong đó có thẻ bảo hiểm y tế. Ông Vượng cho rằng: giá như cùng với việc quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về kinh tế, một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước tiếp tục được duy trì thì cuộc sống của đồng bào khu TĐC sẽ ổn định nhanh hơn.

Về vấn đề này, Phó chánh Văn phòng HĐND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Anh Cương cho biết: trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng nhiều khu TĐC, kinh tế mới. Tuy nhiên, để các xã có hộ dân TĐC phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài, bên cạnh nỗ lực, đồng lòng của đồng bào các dân tộc thì trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp đối với công tác TĐC là rất quan trọng như chuyển đổi ngành nghề, hướng dẫn sản xuất cho người dân... Bên cạnh đó, cần có hoặc tiếp tục duy trì những chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc tại các khu TĐC. Theo đó, tỉnh Tuyên Quang đang xúc tiến xây dựng Đề án Nghiên cứu, hỗ trợ đời sống cho đồng bào vùng TĐC, trong đó tập trung vào những hộ đồng bào dân tộc ít người.

Rời Mỹ Bằng, trong lòng chúng tôi chứa nhiều cảm xúc. Cảm xúc về nghĩa cử nhường đất ông cha cho Nhà nước xây dựng những công trình thủy điện, giao thông - Cảm xúc về cuộc sống của người dân khu TĐC giờ đây đã ổn định hơn nơi ở cũ... Nhưng vẫn còn đó một nỗi niềm: cuộc sống của đồng bào còn không ít khó khăn; họ cần được quan tâm hơn, được chăm lo nhiều hơn nữa - đó là nguyện vọng và là quyền lợi chính đáng của họ...

 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1766/QĐ-TTG, ngày 10.10.2011 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể di dân tái định cư Dự án thủy điện Tuyên Quang giai đoạn 2 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ nay đến năm 2016, dự án được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương với tổng số vốn gần 1.868,935 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư ổn định cuộc sống, hỗ trợ phát triển sản xuất gần 255 tỷ; đầu tư nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng đã đầu tư nhưng chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật hơn 280 tỷ đồng; đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng chưa thực hiện đầu tư gần 167 tỷ đồng; đầu tư bổ sung các công trình cơ sở hạ tầng tái định cư kết hợp với phục vụ đời sống và sản xuất của hộ sở tại bị ảnh hưởng hơn 471 tỷ đồng; đầu tư mới kết cấu hạ tầng liên vùng tái định cư hơn 256 tỷ đồng.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc