(VnMedia) - Ban Quản lý Dự án giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất phương án xây cầu vượt vĩnh cửu tại khu vực nút giao đường Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Sơn.
Theo đó, cầu vượt trực thông sẽ được bố trí theo hướng Nguyễn Văn Cừ với quy mô chiều dài là 250m, bề rộng mặt cắt ngang đề xuất B = 12m… lan can sẽ được sử dụng ống thép dạng hìnhhộp, đèn đường sử dụng cột đèn rời có chiều cao 10 chiếu sáng trên cầu.
Gầm cầu sử dụng đèn chuyên dụng chống chói lóa. Đèn trang trí sử dụng đèn LED dạng thanh hoặc điểm chiếu sáng vào mặt bên của dầm; đèn pha LED chiếu sáng từng trụ cầu tạo các vệt sáng làm nổi bật kiến trúc thân trụ.
Ngoài ra, sẽ bố trí trồng cây, hoa dưới gầm cầu, xung quanh các trụ và chân tường chắn để tạo không gian xanh.
Những chiếc cầu vượt được kỳ vọng giúp giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội, tuy nhiên không phải chỗ nào xây cầu vượt cũng có tác dụng này |
Làm thêm cầu vượt, tắc cầu Chương Dương?
Theo Ban Quản lý Dự án giao thông đô thị, việc xây dựng cây cầu này nhằm hạn chế ùn tắc giao thông tại quận Long Biên. Tuy nhiên, theo ông Dương Đức Tuấn, Phó GĐ Sở Quy hoạch Kiến trúc,, theo Đồ án quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 đang trong giai đoạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nút giao giữa đường Nguyễn Văn Cừ và đường Nguyễn Sơn chỉ tổ chức giao bằng, không bố trí cầu vượt.
Về chủ trương, ông Tuấn cho rằng đề xuất này phù hợp với chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2012 - 1015, và về nguyên tắc, Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng thống nhất với các đề xuất phương án kiến trúc sơ bộ. Tuy nhiên, Sở Quy hoạch Kiến trúc đề nghị Ban Quản lý Dự án giao thông đô thị điều tra khảo sát cụ thể lưu lượng giao thông trên tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, tình hình ùn tắc giao thông tại khu vực nút này để có cơ sở xem xét sự cần thiết phải đầu tư xây dựng cầu vượt ở thời điểm hiện tại.
Theo phân tích của Sở Quy hoạch Kiến trúc, đường Nguyễn Văn Cừ là tuyến giao thông chính nối khu vực đô thị phía Đông Bắc Sông Hồng với trung tâm Thủ đô thông qua cầu Chương Dương. Theo quy hoạch, tuyến có cấp hạng là đường liên khu vực với 6 làn xe chạy. Tuyến đường đấu nối trực tiếp vào cầu Chương Dương là cầu có bề rộng mặt cắt ngang nhỏ (với 2 làn xe ô tô chính và hai làn phụ ô tô con kết hợp xe máy), khả năng thông xe thấp, hiện đã quá tải, thường xuyên ùn tắc.
Sở Quy hoạch Kiến trúc e ngại rằng, việc xây dựng cầu vượt trực thông tại nút giao giữa đường Nguyễn Văn Cừ với đường Nguyễn Sơn làm tăng khả năng thông xe trên tuyến Nguyễn Văn Cừ nhưng đồng thời cũng làm tăng thêm tình trạng ùn tắc giao thông qua cầu Chương Dương.
Mới đây, UBND quận Long Biên cũng có công văn kiến nghị chưa nên đầu tư xây dựng cầu vượt tại nút giao Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Sơn. Theo ý kiến của UBND quận Long Biên thì các tuyến đường trong khu vực nút giao là đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Sơn, Ngô Gia Khám mới được đầu tư xây dựng cải tạo, đáp ứng đủ khả năng thông xe.
Để giảm ùn tắc giao thông, UBND quận Long Biên đề xuất đầu tư xây dựng một số tuyến đường để phân luồng cho tuyến Nguyễn Văn Cừ như tuyến 40m nối từ đường Thạch Bàn đến càu Vĩnh Tuy và đường Vành đai 3; tuyến đường 22m nối từ đường Nguyễn Văn Cừ qua đường Nguyễn Sơn đên đường 40m từ Thạch Bàn đến Ngọc Thụy. Mặt khác, hiện tại UBND quận Long Biên đang tiến hành chỉnh trang mở rộng nút giao Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Sơn, sẽ nâng cao năng lực thông xe qua nút.
Hồi tháng 5 vừa qua, sau khi Hà Nội tiến hành thông xe những câu cầu vượt đầu tiên, TS Hồ Tuấn Sỹ, một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng đã e ngại nói rằng, việc xây bao nhiêu cây cầu vượt, xây tại các nút giao nào, cần phải được tính toán dựa trên bài toán qui hoạch giao thông tổng thể cho Thủ đô, chứ nhất quyết không thể thấy nút nào tắc, có đủ không gian là làm.
Ý kiến bạn đọc