Thủy điện sông Tranh chưa được tích nước

10:38, 16/01/2013
|

(VnMedia)Xung quanh việc động đất liên tiếp xảy ra tại thủy điện sông Tranh 2, Thủ tướng vừa yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng thủy điện; đồng thời nhấn mạnh, Chính phủ rất chia sẻ với lo lắng của người dân.

>>“Sẽ còn động đất ở thủy điện sông Tranh 2!”

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hữu Vũ vừa ký văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về các giải pháp bảo đảm an toàn cho công trình và người dân khu vực thủy điện sông Tranh 2.
 
Theo đó, tại văn bản trên, khi kết luận về sự an toàn của thủy điện sông Tranh 2, người đứng đầu Chính phủ cho biết, công tác chuẩn bị đầu tư đã thực hiện đúng quy định, dự án nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; theo đánh giá của tư vấn độc lập quốc tế, các thông số đầu vào sử dụng tính toán là có cơ sở.

Tuy nhiên, trong xây dựng có sơ xuất để xảy ra thấm nước ở mặt hạ lưu đập, gây dư luận không tốt, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiêm túc rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

"Khi hồ thủy điện sông Tranh 2 tích nước, đã gây nên động đất kích thích, tuy không gây mất an toàn cho công trình nhưng đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhiều nhà dân bị hư hỏng, Chính phủ rất chia sẻ với lo lắng của người dân", văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, khi xảy ra sự cố tại thủy điện sông Tranh 2, các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương đã vào cuộc kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao, đã khắc phục thấm nước thành công, Đến thời điểm hiện tại các chuyên gia hàng đầu của Thụy Sỹ, Nhật Bản cũng báo cáo là đập thủy điện sông Tranh 2 bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, để chắc chắn hơn với mục tiêu đảm bảo an toàn cao nhất cho tính mạng nhân dân, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, chưa được tích nước phát điện thủy điện sông Tranh 2 để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ thêm về tác động của động đất. Đồng thời, phải thuê chuyên gia tư vấn hàng đầu của quốc tế: Nga, Nhật Bản, Ấn Độ... để khảo sát, đánh giá về động đất kích thích liên quan đến an toàn của đập.

 Ảnh minh họa

Các trận động đất đã từng làm sườn bên trái của thủy điện sông Tranh 2 bị sạt lở. Ảnh: Vne

Xây dựng nhiều kịch bản ứng phó với động đất khác nhau

Đề cập tới nhiệm vụ trong thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẩn trương lập đề cương, dự toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai lắp đặt 5 trạm địa chấn tại khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2.

Đồng thời, phải cử các chuyên gia theo dõi thường xuyên tình hình hoạt động động đất, đánh giá xu thế hoạt động động đất kích thích trong khu vực, phục vụ việc đánh giá an toàn đập thuỷ điện sông Tranh 2. Tổ chức ngay việc nghiên cứu, đánh giá chi tiết về điều kiện địa chất, địa động lực học và hoạt động địa chất khu vực Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam để đánh giá nguyên nhân, xu hướng của động đất kích thích khu vực hồ chứa thủy điện sông Tranh 2.

Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan lập tổ công tác thường xuyên túc trực tại thủy điện sông Tranh 2 để theo dõi tất cả các diễn biến của động đất để kịp thời tính toán phương án ứng phó với mục tiêu an toàn là cao nhất.

Bộ Công Thương chỉ đạo EVN quản lý vận hành Nhà máy thủy điện sông Tranh 2, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ du; đồng thời chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng phương án ứng phó trong các trường hợp sự cố đập thủy điện với các kịch bản khác nhau. Rà soát, hỗ trợ cho hộ dân, khu tái định cư, trường học, công trình bị ảnh hưởng do động đất

Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu biết rõ về động đất kích thích để nhân dân an tâm, ổn định sinh hoạt và làm việc bình thường, không hoang mang dao động, thận trọng trước những thông tin liên quan đến ổn định nền đập.

Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ thành lập đoàn công tác, phối hợp với địa phương để khảo sát, hướng dẫn sửa chữa, gia cường nhà ở và công trình công cộng trong khu vực để ứng phó với tác động của động đất; đề xuất các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ nhân dân địa phương trong việc sửa chữa, gia cường nhà ở.

UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện rà soát, hỗ trợ kinh phí cho hộ dân, khu tái định cư, trường học, các công trình xây dựng bị ảnh hưởng do động đất.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc