Ảnh: Minh họa |
Bà Nguyễn Thị Huệ, trưởng phòng can thiệp giảm tác hại Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM, cho biết hiện có ít nhất 15.000 nữ bán dâm có mặt khắp TP.HCM. Đại diện các quận huyện đã nêu ra hàng loạt giải pháp như: tuyên truyền, tăng cường kiểm tra xử phạt, kiểm tra thường xuyên cơ sở dịch vụ nhạy cảm khiến khách hàng ngại lui tới, vận động chủ nhà không cho những chủ kinh doanh vi phạm thuê nhà, vận động quán xá tại các “điểm nóng” không bán hàng cho người bán dâm...
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Huệ nhắc lại một đề xuất táo bạo từng được nêu ra tại các hội thảo về quản lý vấn nạn mại dâm trước đây, đó là việc thí điểm quy hoạch một “khu đèn đỏ” để quản lý hiệu quả. Bà cung cấp một thông tin đáng lưu ý: các “khu đèn đỏ” tại Thái Lan tuy “sáng đèn” nhưng quốc gia này không chính thức công nhận nghề mại dâm. Không thấy có ý kiến phản ứng khi bà Huệ gợi nhắc lại đề xuất này.
Nhưng thực tế cho thấy các giải pháp này đã không mang lại hiệu quả cao. Theo đại diện quận Bình Thạnh, nhiều chủ cơ sở dịch vụ nhạy cảm khi vi phạm bị lập biên bản thì ung dung mở cơ sở khác và không thèm đóng phạt, còn “các chị” liên tục thay đổi địa bàn hoạt động, khi bị rượt đuổi thì dạt sang địa bàn giáp ranh để thoát thân.
Ông Lê Văn Quý, phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM, cho biết hoạt động mại dâm trên địa bàn TP tiếp tục diễn biến phức tạp dưới các hình thức ngày càng tinh vi. Hoạt động này không chỉ diễn ra tại các khách sạn, nhà hàng, vũ trường, quán karaoke... mà còn tại các quán cà phê, tiệm hớt tóc, gội đầu, cơ sở xông hơi xoa bóp, spa săn sóc da...
Theo ông Quý, khác với mại dâm công khai trên đường phố, rất khó kiểm soát hoạt động mua bán dâm qua điện thoại, Internet hay xuất cảnh bán dâm, chưa kể các đường dây gái gọi hạng sang với những cô xưng danh người mẫu, diễn viên.
LĐ-TB&XH các quận huyện có mặt tại hội thảo đều cho rằng hoạt động mại dâm diễn ra nhiều hơn, phức tạp hơn sau khi nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 2-7-2012 (theo đó, không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm). Theo các vị này, mặc dù quy định nói trên có tính nhân đạo khi theo kết quả khảo sát, phần lớn “các chị” tham gia bán dâm đều vì hoàn cảnh khó khăn, nhưng cũng tỏ ra lo lắng vì “các chị” nay hoạt động “dạn dĩ” hơn trước.
Giải pháp: giảm tần suất bán dâm
Đồng cảm việc phần lớn “các chị” bán dâm vì hoàn cảnh khó khăn, đại diện Công an quận 4 cho rằng chỉ nên xử lý người mua dâm, nhưng nếu gửi thông báo về địa phương hay gia đình người mua dâm có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn khác. Ở góc độ khác, vị này cho rằng cảnh sát khu vực “biết tuốt”, vấn đề còn lại là có bao che hay không. Nhưng ý kiến khác cho rằng dẹp chỗ này chủ cơ sở sẽ mở chỗ khác, như vậy cũng không giải quyết được vấn nạn chung.
Một số ý kiến khác đề xuất hỗ trợ sinh kế bền vững cho người bán dâm hướng đến chuyển đổi cách mưu sinh. Theo ông Lê Văn Quý, hiện Sở LĐ-TB&XH, Hội Liên hiệp phụ nữ và Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM đang thí điểm mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho các chị có nhu cầu hoàn lương.
Ông Quý cho biết mô hình này không bắt buộc người bán dâm ngay tức khắc bỏ bán dâm, nhưng phải giảm tần suất bán dâm để đầu tư học nghề nghiêm túc và hướng đến việc kiếm sống bằng nghề được học. Đến nay mô hình này đã hỗ trợ 21 chị học các nghề cắt tóc, trang điểm, làm móng, nấu ăn... Ngoài ra còn kết hợp hỗ trợ tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng kinh doanh và chăm sóc y tế.
Ý kiến bạn đọc