(VnMedia) - “Trong Thông tư 197 đã nêu rất rõ, thu phí đối với xe máy là để lại cho địa phương thì địa phương phải trực tiếp thu. Khi chúng tôi nghiên cứu vấn đề này đã tính đến quyền lợi cho các tổ chức thu.”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường trao đổi.
>>Chi tiết mức “thuế đường” phải nộp từ 1/1/2013
- Ông có thể cho biết, việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy hiện nay như thế nào?.
Thông tư 197 của Bộ Tài chính triển khai Nghị định 18 về Quỹ bảo trì đường bộ đã nêu rõ, đối với xe máy giao cho Uỷ ban Nhân dân các phường, xã trực tiếp thu. Toàn bộ nguồn thu này sẽ để lại cho địa phương sử dụng duy tu, bảo dưỡng đường bộ của địa phương.
Tuy nhiên, việc thu phí với xe máy hiện nay có thể chậm hơn do phải đợi mức thu từ Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành. Song, thời điểm thu vẫn tính từ ngày 1/1/2013.
- Có một thực tế là hiện nay, chính quyền phường, xã dường như không mặn mà lắm đối với việc thu phí này. Nhiều nơi cho rằng, Bộ thu phí ôtô qua đăng kiểm và đẩy phần khó thu phí xe máy về cho địa phương, ông nói sao về điều này?.
Hiểu như vậy là không đúng. Trong Thông tư 197 đã nêu rất rõ, thu phí đối với xe máy là để lại cho địa phương thì địa phương phải trực tiếp thu. Khi chúng tôi nghiên cứu vấn đề này đã tính đến quyền lợi cho các tổ chức thu. Uỷ ban Nhân dân cấp phường được để lại 10%, cấp xã là 20%. Đây là điều động viên, khuyến khích để tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy.
- Nhiều người lo ngại, lượng xe máy trên một địa bàn không cố định, khó kiểm soát và thống kê chính xác số xe của từng hộ dân. Vậy làm thế nào để có thể thu đủ?.
Việc thu phí phải dựa vào tinh thần tự giác của người dân đồng thời có sự kiểm soát của Nhà nước. Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ có cách kiểm soát toàn bộ số xe máy, sẽ phối hợp thông qua các hệ thống đăng ký để nắm được xe đó của chủ xe nào, đã đóng phí chưa nhưng cơ bản vẫn dựa trên tinh thần tự khai và tự giác của người dân.
|
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, trong năm 2013 chỉ có thể thu được từ 50-70% phí bảo trì đường bộ với xe máy. Ảnh: Tùng Nguyễn |
- Bộ có tính toán sẽ thất thu khoảng bao nhiêu phần trăm đối với xe máy?.
Chúng tôi đánh giá, khả năng trong 2013, chúng ta chỉ thu được khoảng 50-70% đối với xe máy.
- Việc thất thu cũng đồng nghĩa sẽ không đảm bảo công bằng đối với tất cả người sử dụng xe máy?
Đối với bất kỳ xe máy nào nếu chưa đóng phí sử dụng đường bộ thì vẫn bị truy thu từ ngày 1/1/2013 sau khi phát hiện ra chưa nộp phí.
- Xin hỏi tới đây các cơ quan chức năng có chế tài nào để bắt buộc người đi xe máy phải đóng phí?.
Chúng tôi sẽ từng bước nghiên cứu để đưa ra chế tài. Trước mắt vẫn để người dân tự giác. Cùng với đó có sự kiểm soát lẫn nhau đối với các hộ dân. Thời gian đầu có thể lúng túng, nhưng tin chắc rằng vài ba tháng nữa, phí thu qua xe máy sẽ thực hiện tốt đẹp và ý thức tự giác của người dân sẽ được nâng lên.
- Trong một số lần trả lời phỏng vấn, Thứ trưởng có nói, nếu tai nạn xảy ra nguyên nhân do bên nào thì bên đó chịu trách nhiệm. Phải chăng có thể hiểu, nếu tai nạn do đường xấu thì Quỹ bảo trì sẽ đền bù thiệt hại, nhưng tại sao Thông tư liên tịch 230 vừa ban hành về sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ không có quy định khoản chi để đền bù?.
Lâu nay, bất kể tai nạn nào xảy ra đều phải phân tích nguyên nhân xảy ra, trên cơ sở các nguyên nhân đó tìm rõ được trách nhiệm của bên nào.
Hiện nay chúng ta đều có bồi thường trách nhiệm dân sự thông qua các cơ quan bảo hiểm. Cho nên, khi tai nạn xảy ra các cơ quan bảo hiểm sẽ đền bù cho các phương tiện cũng như đối tượng bị tai nạn.
Chất lượng đường là một trong các yếu tố gây ra các vụ tai nạn nhưng như chúng ta đã biết, trong phân tích nguyên nhân tai nạn, thứ nhất phải bắt đầu từ ý thức người tham gia giao thông, sau đến xét lỗi người điều khiển phương tiện và thứ ba là chất lượng đường.
3 yếu tố đó sẽ được xem xét kỹ để tìm xem là nguyên nhân nào, nhưng đối với nước ta và các nước trên thế giới cũng vậy, người ta đều phải mua báo hiểm trách nhiệm dân sự, khi xảy ra tai nạn cơ quan bảo hiểm sẽ tìm giải pháp, đồng thời bảo hiểm sẽ chi trả cho người bị tai nạn.
- Nhiều gia đình vùng sâu, vùng xa… đường không tốt vẫn phải đóng phí, việc sửa chữa còn hạn chế, ông nói sao về điều này?.
Chúng ta biết rằng, bất kể một người dân nào trong cuộc đời sẽ phải đi rất nhiều tuyến đường, cho nên việc đóng phí không chỉ cho bản thân mình sử dụng, mà còn có thể đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cho nên, không có một giải pháp nào công bằng được cho tất cả đối với người dân.
Chúng ta tính tới lợi ích của người dân và đồng thời người dân cũng phải có trách nhiệm trong đóng góp cho phí này.
- Vậy sau khi thu Quỹ Bảo trì đường bộ của người dân ở đó, ngành giao thông có hứa hẹn về một lộ trình nâng cấp hạ tầng, đường sá ở những khu vực đó tốt hơn?.
Để phát triển hạ tầng giao thông Chính phủ đưa ra rất nhiều chương trình. Ví như chương trình 30a ở các huyện nghèo hay ưu tiên phát triển các vùng kinh tế ở những khu vực khó khăn. Vì vậy, việc ưu tiên nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng là một mục tiêu trước mắt và lâu dài. Còn Quỹ bảo trì đường bộ chỉ thực hiện bảo trì, sửa chữa khi đã có đường sá rồi để đảm bảo đi lại êm thuận, tốt hơn.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi!.
Ý kiến bạn đọc