Sắm Tết, cẩn thận mang chất độc về nhà

09:21, 14/01/2013
|

(VnMedia) - Tết sắp đến, khi mà các ông chồng “dòm ngó” hàng điện tử như Tivi, tủ lạnh hay một bộ dàn nghe nhạc mới thì các bà nội trợ lại thích chăm chút cho căn bếp của mình được ấm cúng, đặc biệt là mua sắm những đồ gia dụng.

 

Những thứ đồ mà các bà nội trợ đặc biệt quan tâm dịp Tết, ngoài những món ăn cổ truyền hoặc những món mới lạ, thì những bộ bát đĩa, ấm chén mới luôn được ưu tiên. Tết đến, đồ ăn được chuẩn bị chu đáo, nhưng nếu được đựng trong những bộ bát đĩa mới, sáng bóng lịch sự sẽ làm cho bà chủ cảm thấy tự hào hơn rất nhiều.

 

Tuy nhiên, để mua được những bộ đồ sứ đẹp mắt nhưng lại an toàn cho sức khỏe không phải là dễ.

 

Lâu nay, người tiêu dùng thường được tư vấn là đồ sứ có in nhiều hoa văn sặc sỡ thì dễ bị nhiễm chì, có hại cho sức khỏe. Điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là đồ sứ trắng, không có hoa văn tức là an toàn.

 

“Tôi là người rất thích đồ sứ có kiểu cách đẹp, trang nhã nhưng quan trọng vẫn phải là chất lượng. Nhưng khi tôi đi chọn mua các sản phẩm này thì rất khó phân biệt đâu là loại an toàn cho sức khỏe, đâu là loại độc hại” - chị Kim Oanh (Thanh Xuân, Hà Nội) băn khoăn.

 

Theo PGS, TS Nguyễn Anh Dũng - Viện Kỹ thuật, đại học Bách khoa Hà Nội. trong kỹ thuật sản xuất đồ sứ, nếu sản phẩm được nung ở nhiệt độ rất cao (trên 1000 độ C) thì phản ứng hóa học xảy ra tốt, chất độc hại đã bay đi. Để có được sản phẩm có chất lượng, nhà sản xuất thường chọn những nguyên tố chịu được nhiệt độ cao, khi phản ứng sẽ liên kết với nhau chắc hơn, sản phẩm đem ra dùng nước sẽ trơ và ít phản ứng, ít bung chất độc hại ra để đi vào thức ăn.

 

Nhưng nếu nung sản phẩm ở nhiệt độ thấp, chưa đạt đến độ có thể liên kết chặt chẽ thì các chất hóa học có thể tiếp tục phản ứng với nước. Khi đó, nếu người dùng đun nấu hoặc dùng ở nhiệt độ tương đối cao và thời gian dài sẽ giải phóng chất độc, ngấm vào thức ăn.

 

Rất khó chọn nếu nhìn bằng mắt thường

 

Để phân biệt sản phẩm nung ở nhiệt độ cao hay ở nhiệt độ thấp lại không phải là điều dễ dàng bởi ngày nay, những người sản xuất muốn có lợi nhuận sẵn sàng dùng những loại hóa chất dù là lượng rất nhỏ nhưng lại có tác hại lớn cho sức khỏe con người (ví dụ như chì) để chỉ cần nung ở nhiệt độ thấp nhưng sản phẩm vẫn đẹp, bóng, bắt mắt. Điều này khiến cho người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn.

 

“Muốn biết chính xác sản phẩm có an toàn hay không thì phải có phương pháp đo, mà điều này thì người tiêu dùng không thể tự làm được và vì vậy, rất khó đánh giá được chính xác. Thường thì người tiêu dùng chỉ nhìn vào những biểu hiện chung nhất, như là nguồn gốc của sản phẩm là từ nhà máy nào” - TS Nguyễn Anh Dũng cho biết.


 Ảnh minh họa

 Những chiếc bát trắng bóng như thế này, n hưng vì được nung ở nhiệt độ thấp nên thường có chì. Chúng cũng có độ bền thấp, dễ xước ...

 

Theo ông, cũng là đồ sứ Trung Quốc nhưng cũng có rất nhiều loại. Sản phẩm của Thượng Hải, Bắc Kinh với những thương hiệu có tiếng thì rất yên tâm, nhưng nếu là những sản phẩm từ huyện, xã… thì không thể biết được chất lượng như thế nào. Đồ sứ của Việt Nam cũng vậy. Với đồ sản xuất từ các hợp tác xã thủ công, chắc chắn họ sẽ phải tiết kiệm tiền, và thiết bị máy móc sẽ không tốt, dễ bị nung ở nhiệt độ thấp, dùng chất màu cấm…

 

Đặc biệt, khi dùng đồ sứ trong lò vi sóng phải rất cẩn thận, bởi nếu là viền kim loại thì gây nổ nguy hiểm và điều này nhiều người đã biết. Nhưng gần đây, nhiều nhà người sản xuất đã thay kim loại này bằng những chất hữu cơ hoặc vô cơ ánh vàng nhưng không phải là kim loại, khi dùng vào lò vi sóng sẽ không thấy phát nổ. Điều này chưa chắc đã an toàn bởi khi đun nóng bằng lò ở nhiệt độ cao, lớp men của chiếc bát đó nếu không tốt sẽ thôi chất độc ra rất nguy hiểm.

 

Kinh nghiệm chọn đồ sứ an toàn

 

Trong khi đồ giả, đồ nhái, đồ kém chất lượng nhập nhèm khiến người tiêu dùng khó phân biệt thì cách tốt nhất, theo lời khuyên của TS Nguyễn Anh Dũng, là chọn những sản phẩm có xuất xứ từ các thương hiệu đã được khẳng định trên thị trường.

 

Một số hãng đang có uy tín về đồ sứ sản xuất trong nước như sứ Thanh Trì, sứ Minh Long. Nếu bà nội trợ thích sứ màu trắng thì có sứ CK Chuan Kuo… Tuy nhiên, sản phẩm này không nhiều mẫu mã và đồ tương đối nặng.

 

Hiện nay, trên thị trường mới xuất hiện một nhãn hàng mới là sứ Wilmax England, được nhập vào Việt Nam chủ yếu để cung cấp cho các khách sạn lớn vì chất lượng rất tốt, mẫu mã đẹp, đa dạng, nhẹ và đặc biệt là giá cả lại không hề cao.



 Ảnh minh họa

Một mẹo nhỏ cho các bà nội trợ là tìm mua đồ sứ theo các nhãn hàng thường được cung cấp cho các khách sạn để đảm bảo chất lượng.

 

Còn nếu nhìn bề ngoài để lựa chọn, TS Nguyễn Anh Dũng khuyên bà nội trợ, ngoài việc tránh đồ có màu lòe loẹt (nếu dùng thì chỉ đựng đồ khô) thì đối với người sành, có thể nhìn vào nét tinh xảo trên sản phẩm. Nếu tinh ý, các bà nội trợ có thể thấy sứ không tốt thường rất bóng nhưng dễ xước men, dễ sứt. Còn sứ cao cấp thường có độ trong, được làm cẩn thận từ lòng bát đĩa cho tới cho tới phần đế của nó và dù va đập mạnh vẫn khó vỡ và không bị sứt.

 

“Với những loại chuyên cung cấp cho các khách sạn thì có thể yên tâm bởi họ sẽ có kiểm tra, đúng là hàng của hãng nào… đây là một cái mẹo để mua hàng tốt” - TS Dũng khuyên.


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc