Những thách thức của thị trường lao động năm 2013

09:16, 31/01/2013
|

Năm 2013 mở ra với những thông tin không mấy sáng sủa cho thị trường lao động. Các ngành được coi là nóng như ngân hàng, tài chính giờ cũng đứng trước nguy cơ sa thải nhân lực. Vì vậy, thách thức đối với thị trường lao động năm 2013 sẽ rất lớn.

Giảm lương, thưởng, các chế độ, giảm công việc… là một trong những khó khăn mà người lao động sẽ tiếp tục gặp phải trong năm 2013 này. Vì theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2013 khó khăn đối với kinh tế thế giới còn lớn hơn, và Việt Nam cũng không ngoài quy luật chung đó. Để góp phần giảm gánh nặng lo toan cho người lao động, Chủ tịch Viện công nhân và công đoàn Việt Nam Đặng Quang Điều cho rằng, trong hoàn cảnh này, người lao động cần hết sức linh hoạt để có thể duy trì việc làm, học thêm nghề hoặc tự xây dựng việc làm mới cho mình, nếu không, cơ hội việc làm sẽ vô cùng khó khăn vì bản thân doanh nghiệp cũng gặp khó.

Cùng với đó, nguy cơ mất việc làm cũng sẽ gia tăng. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2012 đã có 55.000 doanh nghiệp thông báo giải thể hoặc phá sản. Tất nhiên cũng có thêm 60.000 doanh nghiệp mới thành lập, nhưng trong số đó có không ít doanh nghiệp là thành lập lại, thành lập để “giữ chỗ” và chờ đợi sự hỗ trợ của Chính phủ nên số lượng công việc thực tế được tạo thêm ra cho người lao động không nhiều. Trong khi đó, những doanh nghiệp vẫn duy trì được sự sống thì cũng đang hoạt động cầm chừng với lĩnh vực đầu tư hạn hẹp, do đó cũng phải cắt giảm nhân sự. Đây là thực tế có thể sẽ diễn ra trên toàn cầu. Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cảnh báo tình trạng thất nghiệp toàn cầu có thể xấu đi trong năm 2013, với khoảng 200 triệu người không có việc làm. Mặc dù vậy, mỗi năm ILO đều cho điều chỉnh lại số người thất nghiệp bởi nhiều người thất nghiệp có thể tìm được việc hoặc quay trở lại làm việc, có nghĩa họ không được xếp vào nhóm thất nghiệp. Ví dụ năm 2007, ILO ban đầu dự báo số người thất nghiệp là 189,9 triệu người, sau đó lại hạ xuống 169 triệu người, giảm 11% so với ước tính ban đầu.

Tuy nhiên, mất việc làm vẫn là nguy cơ có thật đối với nhiều người lao động. Vấn đề giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động sẽ là một thách thức rất lớn đối với ngành bảo hiểm xã hội, làm sao để vừa bảo đảm quyền lợi cho người lao động, vừa tránh tình trạng trục lợi trên trợ cấp thất nghiệp đã diễn ra thời gian qua. Phó giám đốc BHXH Đồng Nai Phạm Minh Thành cho biết, tình trạng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp thực chất đã diễn ra trong thời gian qua với việc lao động nhảy việc sau khi đã đủ thời gian để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, vì luật quy định cứ đóng BHXH đủ 12 tháng đến 36 tháng là được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Để tránh tình trạng này, nên quy định rõ đóng bảo hiểm xã hội đủ 12 tháng thì được hưởng bao nhiêu, 24 tháng bao nhiêu.

Theo ý kiến của các chuyên gia lao động, năm 2013 có nhiều khó khăn đối với người lao động, do vậy bản thân từng người lao động cần đầu tư nhiều hơn cho việc nâng cao tay nghề, kỹ năng mềm để có thể thích nghi với những điều kiện làm việc khó khăn hơn, tính cạnh tranh cao hơn. Đây cũng là một cơ hội để người lao động tích lũy kinh nghiệm, sẵn sàng đón cơ hội việc làm mới khi kinh tế đã vượt qua cơn khủng hoảng.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc