(VnMedia) - Tết đang sầm sập đến. Thế nhưng, trong tình hình kinh tế đang hết sức khó khăn, chẳng thấy đâu không khí mua sắm tấp nập như mọi năm mà ngược lại, sự trầm lắng biểu hiện từ tinh thần cho đến thị trường…
Chỉ còn già một tháng nữa là Tết đến. Như mọi năm, không khí đã rộn rịp lắm rồi. Nào là sửa nhà sửa cửa, nào là thay đồ cũ, sắm đồ mới. Nhẹ thì thay rèm cửa, sơn lại tường, thay thảm trải nhà, rủng rỉnh hơn thì đổi tivi loại “xịn” hơn hay mua tủ lạnh to hơn để Tết trữ đồ ăn cho thoải mái. Đặc biệt, chị em phụ nữ sẽ tấp nập mua sắm quần áo, đồ gia dụng mới và ngấp nghé, hỏi han những món mới cho một cái Tết vui vẻ, ngon lành.
Thế nhưng, do tình hình kinh tế khó khăn, tiền thưởng Tết vẫn chưa thấy “tăm hơi” đâu nên không khí Tết vẫn rất ảm đạm.
Chị Thu, một nhân viên ngân hàng cho biết, mọi năm giờ này nhà chị đã bắt đầu rục rịch sắm sửa. Đầu năm, chị định bụng để cuối năm sẽ sơn lại tường nhà và thay nền gạch bằng sàn gỗ, nhân thể thay luôn một số nội thật đã không còn mới. Thế nhưng, năm vừa rồi ngành ngân hàng điêu đứng, thưởng các tháng, quý đã không còn như trước và đến nay, bằng mọinguồn tin mà chị “thám thính” được, cũng sẽ chẳng có chút tiền thưởng nào cho dịp Tết này. Vì vậy, chị đã dừng ngay kế hoạch sửa sang nhà cửa và mua sắm đồ mới.
“Tất nhiên là tiền chưa đến nỗi cạn kiệt, nhưng tình hình kinh tế như thế này, ai biết sang năm còn khó khăn đến đâu. Vợ chồng tôi bàn nhau, tốt nhất là án binh bất động, cái gì còn dùng được thì dùng tạm, chờ qua cơn khó rồi tính tiếp. Chứ vung tiền ra bây giờ, sang năm nhỡ… thất nghiệp thì lấy gì mà nuôi con” - chị Thu chia sẻ.
Không tiền thưởng Tết, lại lo sang năm sẽ khó khăn hơn nên nhiều người không dám đi sắm Tết |
Trong khi đó, chị Kim Oanh, nhân viên một công ty bảo hiểm cũng than thở: “Kinh tế khó khăn, nhìn lịch nghỉ Tết vừa buồn vừa lo”.
Chị Oanh tâm sự, nếu kinh tế không khủng hoảng, tiền lương tháng thứ 13 cộng với tiền thưởng Tết thành một khoản kha khá thì việc mua sắm Tết sẽ là một hoạt động “cực kỳ thư giãn”. Mọi năm, cứ còn cách Tết khoảng hơn 1 tháng, những ngày cuối tuần hầu như chị dành cho công việc mua sắm. Hết siêu thị lại đến chợ, hết cửa hàng lại đến shop, ngày nào chị cũng kìn kìn khuân khuân vác vác đủ thứ.
Chưa hết, gần Tết là lúc chị Oanh lên kế hoạch ăn chơi, nào là ngày nào đi đâu, ngày nào tiếp khách nào, nào là sắm gì về quê biếu bố mẹ chồng, nào là chọn quà gì đi Tết sếp… nhưng năm nay, chị đang lên kế hoạch… đóng cửa ở nhà nhưng lại thông báo với bạn bè là… về quê.
“Năm nay không có thưởng là chắc rồi, tháng lương thứ 13 cũng còn chưa biết thế nào. Đã vậy, có bao nhiêu tiền dành dụm đem đổ vào trả góp mua một căn chung cư, cứ tưởng sớm bán đi kiếm tí tiền lãi. Ai dè thị trường đóng băng, mình cũng… chết cứng. Tết nhất đến nơi lại còn đang bị giục nộp nốt tiền mà chưa biết kiếm ở đâu. Tết càng dài càng lo…” - chị Oanh than thở.
Nhưng buồn nhất có lẽ là những bà mẹ trẻ. Tết là dịp các bà mẹ háo hức mua sắm quần áo, dày dép mới cho con. Năm nay kinh tế khó khăn, sở thích này của các mẹ bị “đánh” đầu tiên. “Đi qua các hàng quần áo trẻ em, cái nào cũng thấy đẹp, thấy thích, nhưng cứ phải dằn lòng lại. Đành ưu tiên cho những nhu cầu thiết yếu. Quà Tết biếu ông bà nội ngoại không thể thiếu dù có “mỏng” hơn mọi năm. Rồi thì còn quà biếu sếp. Kinh tế khó khăn thì khó khăn, thưởng dù không có nhưng không thể “lờ” chuyện đó được” - chị Hà, một nhân viên văn phòng chia sẻ.
Người thì khó khăn thực sự, người thì sợ… sẽ khó khăn trong năm tới, ai cũng lo lắng chẳng dám mua sắm gì nhiều. Chính điều đó càng khiến cho tình hình ảm đạm và người thất thu lại chính là những người buôn bán.
Bà Châm, một người bán hàng thảm trải nhà trên phố cổ cho biết, mọi năm giờ này bà bán hàng tấp nập, thu tiền mỏi tay và thường phải thuê thêm 2 người bán phụ. Thế nhưng năm nay kinh tế khó khăn, người mua thưa thớt mà giá thì lại không thể bán cao, bà Châm tự mình vừa buôn vừa bán mà vẫn nhàn như chơi. “Bán hàng cả năm chỉ trông chờ vào cái Tết, nhưng năm nay thì buồn rồi. Tiền thuê nhà có khi còn không trả nổi…” - bà Châm “rên”.
Đáng lo nhất là những người buôn bán hàng khô. Giờ này, trong kho của họ đã tích trữ sẵn nào măng nào miến, nào thịt trâu gác bếp, rồi thì rượu dân tộc… để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết. Nhưng trong tình hình này, việc tiêu thụ hàng Tết chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. “Không biết đến sát Tết thì thế nào, chứ giờ này vẫn im ắng quá, im ắng đến phát sợ lên được. Cả bán buôn lẫn bán lẻ đều chẳng thấy rục rịch gì” - chị Thoa, một người có cửa hàng bán đồ khô cho biết.
Kinh tế khó khăn cũng làm cho một số người làm công chức nhà nước, mọi năm vẫn tranh thủ kiếm thêm bằng cách bán các món đặc sản Tết như giò bê, thịt trâu gác bếp, thịt lợn xông khói... thất nghiệp. "Mọi năm giờ này chị em bạn bè đua nhau đặt hàng, còn năm nay mọi người toàn lắc đầu nguây nguẩy, bảo là... đợi xem có tiền gì không đã. Mấy tạ hàng mình đặt trước không biết có bán nổi không" - chị Minh, nhân viên của một công ty trong ngành viễn thông lo lắng.
Ý kiến bạn đọc