(VnMedia)- Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) vừa được Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức mới đây. Tuy nhiên, điều mà nhiều ý kiến quan tâm chính là phải làm rõ khái niệm thế nào là văn bản quy phạm pháp luật?
Xây dựng dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) trên cơ sở của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 là một nội dung được đưa ra trao đổi tại tọa đàm về sự cần thiết, mục đích, quan điểm chỉ đạo và định hướng lớn trong việc xây dựng dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) vừa được Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức mới đây. Tuy nhiên, điều mà nhiều ý kiến quan tâm chính là phải làm rõ khái niệm thế nào là văn bản quy phạm pháp luật?
Vì sao cần hợp nhất Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ?
Trước yêu cầu cần có một đạo luật nhằm nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, QH đã ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004. Đây được đánh giá là hoàn thiện một bước cơ bản của hoạt động xây dựng pháp luật.
Năm 2008 QH đã ban hành Luật mới về hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật thay thế Luật năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2002). Sự ra đời của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 đã trực tiếp góp phần xác lập trật tự, kỷ cương trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thời gian qua, các cơ quan nhà nước đã ban hành được một số lượng các văn bản quy phạm pháp luật. Có thể nói, chất lượng các văn bản ngày càng được nâng cao, nội dung các văn bản ngày càng phong phú, đa dạng bao quát được hầu hết các lĩnh vực cơ bản, quan trọng của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi cũng bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của hoàn thiện thể chế.
Hiện nay, pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta đang phân tách thành hai cấp: cấp trung ương và cấp địa phương, tương ứng là 2 luật khác nhau. Việc tồn tại hai luật song song cùng điều chỉnh một hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật bộc lộ những hạn chế, bất cập và mâu thuẫn làm ảnh hưởng đến tính khả thi và hiệu lực trong quá trình áp dụng. Lý giải về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, việc tồn tại hai luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương là không bảo đảm tính thống nhất trong việc tạo cơ sở pháp lý để xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất. Với việc quy định các hình thức văn bản quy phạm pháp luật trong hai luật không làm rõ tính thứ bậc của hệ thống pháp luật.
Điều đáng chú ý là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 đang có những quy định mâu thuẫn về loại văn bản quy phạm và thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số quy định của hai luật chưa phù hợp, tương thích ở mức độ cần thiết. Việc thiếu thống nhất giữa hai luật gây ra không ít khó khăn cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc ban hành các văn bản dưới luật để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao như soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, tự kiểm tra, rà soát văn bản pháp luật. Một điểm bất cập nữa là các quy định của hai luật chưa thể hiện rõ tính đặc thù trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành ở Trung ương và các cơ quan địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã. Do vậy, để nâng cao kỷ cương trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì việc củng cố cơ sở pháp lý về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật là điều cần thiết.
Cần phải làm rõ khái niệm văn bản quy phạm pháp luật
Thực tế cho thấy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 đều đưa ra khái niệm văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, các tiêu chí được đưa ra chỉ mới dừng lại ở các tiêu chí chung nhất, nặng về lý luận, việc sắp xếp các tiêu chí cũng chưa nhấn mạnh vào tiêu chí chính của văn bản quy phạm pháp luật là “có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung”. Mặt khác, việc hiểu thế nào là chứa đựng quy tắc xử sự chung cũng chưa được làm rõ, dẫn đến sự lúng túng trong việc xác định văn bản nào là văn bản quy phạm pháp luật, gây khó khăn cho việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật. Về vấn đề này, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ cho rằng, ngay cả khái niệm thế nào là văn bản quy phạm pháp luật cũng vẫn chưa có sự thống nhất, giữa mô hình lý thuyết, luật thực định và thực tiễn có sự khác nhau rất nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xác định lại về sự cần thiết và ý nghĩa thực tế của việc định nghĩa về văn bản quy phạm pháp luật. Và chỉ khi khái niệm được làm rõ, được hiểu thống nhất thì các vấn đề khác như nội dung, thẩm quyền… mới bảo đảm đúng pháp luật.
Ông Sỹ cũng chỉ ra một thực tế rằng, hiện đang có sự lồng ghép hai quy trình, đó là quy trình xây dựng chính sách với quy trình làm luật. Hiện nay, khi đưa các dự án luật vào chương trình, lúc đó các cơ quan soạn thảo nghiên cứu xây dựng chính sách. Vừa nghiên cứu chính sách vừa làm luật, vì thế tạo nên sự lúng túng trong quá trình soạn thảo. Để khắc phục được tình trạng này, có ý kiến đề nghị cần phải tách quy trình xây dựng đề án chính sách ra khỏi quy trình làm luật. Khi ấy, quy trình làm luật là những luật sư, những người làm luật chuyên nghiệp. Còn cơ quan quản lý nhà nước muốn làm luật thì phải xây dựng một đề án chính sách. Đề án chính sách ấy sau khi được phê duyệt rồi thì lúc đó mới đưa vào chương trình xây dựng pháp luật. Khi đưa chương trình xây dựng luật thì phải có đề án chính sách của tất cả các luật đó. Có như vậy, làm luật mới nhanh và bảo đảm chất lượng.
Lênin đã từng nói: cuộc sống là cha đẻ của pháp luật, văn bản pháp luật được ban hành phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Việc khắc phục tình trạng văn bản pháp luật được ban hành cho đúng chương trình, kế hoạch đã đặt ra mà bất chấp phản hồi của dư luận xã hội là điều hết sức cần thiết. Điều đặc biệt lưu ý là việc ban hành, sửa đổi, hợp nhất trên cơ sở các văn bản luật nào đó trước hết phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, vì lợi ích của người dân, của cộng đồng, của toàn xã hội.
Ý kiến bạn đọc