(VnMedia)- Chương trình tham vấn các nhóm yếu thế, bao gồm người khuyết tật, người có H, lao động di cư, người đồng tính, song tính và chuyển giới, phụ nữ và thanh niên... về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được tiến hành trong 3 tháng (từ tháng 1 - 3/2013), sau đó tiếp tục được duy trì cho đến cuối năm 2013 khi dự thảo Hiến pháp sửa đổi dự kiến sẽ được xem xét thông qua. Đây là lần đầu tiên một kênh tham vấn chính sách rộng rãi với sự tham gia của nhiều tổ chức dân sự xã hội dành cho nhóm đối tượng trên về Hiến pháp – một khế ước xã hội.
Đối tượng dễ bị lãng quên
Đóng vai trò trung tâm của chương trình tham vấn là 7 nhóm công dân được coi là thiệt thòi hơn hoặc yếu thế hơn, bao gồm người khuyết tật, người có H, lao động di cư, người đồng tính, song tính và chuyển giới, phụ nữ và thanh niên... Do nhiều nguyên nhân xã hội khác nhau, đây là những nhóm công dân cần được sự bảo vệ đặc biệt của Hiến pháp, tuy nhiên cũng là những nhóm ít cơ hội tham gia vào quá trình tham vấn chính sách nói chung. Chương trình là sáng kiến của một mạng lưới các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì quyền con người, hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân tham gia góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Bộ Chính trị. Chương trình sẽ được thực hiện dưới dạng điều tra xã hội học với những câu hỏi có tính chất mở như, vấn đề quyền trong quy định này là gì? Anh (chị) có thấy quyền của mình được nhắc đến trong điều này hay không?... Nội dung tham vấn sẽ tập trung vào việc đưa các quyền và tự do cơ bản của con người theo tiêu chuẩn nhân quyền của quốc tế đã được Việt Nam công nhận và cam kết kết thực hiện vào Hiến pháp 1992 sửa đổi và củng cố việc bảo vệ và thực thi các quyền đó, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền. Công cụ hỗ trợ tham vấn được xây dựng trên cơ sở Hướng dẫn của VPQH về tổng hợp ý kiến góp ý tham vấn Hiến pháp sửa đổi, Bảng tham chiếu so sánh và giải trình các nội dung sửa đổi, bổ sung với Hiến pháp 1992 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các tài liệu nghiên cứu khoa học về Hiến pháp và quyền con người.
Nhận xét về chương trình tham vấn có ý nghĩa chính trị - xã hội đặc biệt này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp QH, Ts Đinh Xuân Thảo cho rằng, việc lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp không loại trừ bất cứ đối tượng nào, mọi công dân đều có quyền tham gia vào sinh hoạt chính trị đặc biệt này. Nhưng trong xã hội có những đối tượng thiệt thòi, khó có điều kiện nêu lên ý kiến của mình. Việc các tổ chức phi chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhóm yếu thế trong xã hội là việc làm thiết thực, góp phần quan trọng trong việc tạo nhiều hơn nữa cơ hội để người dân ở mọi tầng lớp, mọi điều kiện có thể tham gia vào quá trình góp ý cho dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Ở góc độ khác, có thể thấy rằng, những người yếu thế đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp không chỉ thể hiện trách nhiệm của một công dân, mà hơn ai hết họ hiểu được những vấn đề của mình để đưa ra những ý kiến đóng góp bảo đảm các quyền được sống tốt hơn, bảo đảm được những quyền cơ bản của con người. Từ góc độ này, có thể thấy sự có mặt của họ góp phần làm cho Hiến pháp mang đầy đủ hơi thở cuộc sống.
Tiếp thu ý kiến như thế nào
Việc tiếp thu ý kiến như thế nào là băn khoăn lớn nhất của người dân, đặc biệt đối với nhóm nằm trong chương trình tham vấn này. Đáp ứng băn khoăn này, Thường trực Ban sửa đổi Hiến pháp, Ts Nguyễn Văn Thuận khẳng định, đã lấy ý kiến nhân dân thì phải lắng nghe; tinh thần chung là tránh hình thức, đi vào những nội dung chính, có sự phản hồi các ý kiến qua nhiều kênh khác nhau. Hiện, có 11 kênh lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, đối với nhóm yếu thế thì chủ yếu thông qua tổ chức MTTQ, đoàn ĐBQH tiếp xúc cử tri, tổ chức phi chính phủ.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) Lê Quang Bình cho rằng, Hiến pháp với tư cách là một khế ước xã hội, để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và nhân văn, nơi các nhóm công dân dù đa số hay thiểu số, thuận lợi hay thiệt thòi đều được bảo vệ, thì rất cần xây dựng được bản Hiến pháp thể hiện ý chí và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân. Chính vì vậy, việc hỗ trợ các nhóm yếu thế tham gia góp ý cho Hiến pháp không chỉ quan trọng đối với chính các nhóm này mà còn cần thiết cho mục tiêu chung của cả xã hội.
Nguyện vọng chung của các nhóm tham gia tham vấn đối với Hiến pháp, những mong muốn chung; những nguyên tắc đề nghị Hiến pháp cần có, và quá trình thực hiện áp dụng Hiến pháp cần thể hiện; những khuyến nghị cần bổ sung, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh là sản phẩm cuối cùng của chương trình tham vấn này. Và ý nghĩa của nó chỉ có thể trở thành hiện thực khi và chỉ khi những kết quả tham vấn được xử lý một cách có khoa học, trên tinh thần tiếp thu, dân chủ. Tuy nhiên, chất lượng của tham vấn chính sách là nhân tố quyết định tiếng nói chương trình tham vấn này. Để có được điều này, thiết nghĩ chương trình tham vấn chính sách cũng cần đi vào thực chất của vấn đề, bảo đảm đó chính là tiếng nói thiết thực của người hưởng thụ chính sách.
Ý kiến bạn đọc