Hàng Tết thị trường Thủ đô: Kiểm soát giá, thêm hàng đặc sản

14:31, 25/01/2013
|

(VnMedia) - Sở Công thương và các doanh nghiệp đã xúc tiến ký kết, thỏa thuận để đưa sản phẩm "gà đồi Yên Thế" về Hà Nội dịp Tết. Ngoài ra, các loại thịt lợn, rau củ quả... cũng được tăng cường đưa về Thành phố...

 

Giá cả Tết dự kiến tiếp tục tăng

 

Trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa sáng 24/1, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu (CPI) dùng tháng 1/2013 ước tính tăng khoảng 0,95% so với tháng 12/2012 và tăng 6,28% so với cùng kỳ.

 

Theo nhận định của Thành phố, nguyên nhân chỉ số CPI tăng cao là do chu kỳ tăng của giá thực phẩm cuối năm phục vụ Tết Nguyên đán và nhu cầu ăn uống ngoài gia đình trong dịp lễ Noel, Tết dương lịch. Ngoài ra, việc tăng giá điện thêm 5% từ ngày 22/12/2012 cũng tạo sức ép tăng giá của các nhóm hàng hoá vào thời điểm trước Tết Nguyên đán. Dự báo, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2013 sẽ tiếp tục tăng khoảng 1%.

 

Những nhóm hàng được dự báo sẽ tăng giá dịp này bao gồm hàng thực phẩm, trong đó đặc biệt là thịt lợn (tăng 5-10%); thịt gà tăng từ 10-20%. Mặt hàng trứng gia cầm trong thời gian qua tăng mạnh, trung bình khoảng 10% - 20%, tuy nhiên nguồn cung vẫn dồi nên trong thời gian tới, giá bán sẽ ổn định trở lại.

 

Theo nhận định của Thành phố, một trong những nhóm hàng cũng được dự kiến sẽ tăng giá khá mạnh là rau củ quả. Hiện nay, giá rau xanh đang bắt đầu tăng với mức trung bình khoảng 15-20% do tình hình thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài. “Trong thời gian tới, vẫn vẫn sẽ có những đợt mưa rét khiến diện tích rau hỏng, chậm phục hồi, đồng thời do tâm lý càng về các tháng cuối năm, dịp Tết Nguyên đán nhu cầu rau của người dân tăng, các tiểu thương sẽ tự động tăn giá bán. Dự báo, rau sẽ tiếp tục tăng giá, đặc biệt là dịp sát Tết Nguyên Đán Quý Tỵ 2013” - đại diện UBND Thành phố nhận định.


 Ảnh minh họa

 Sản phẩm "gà đồi Yên Thế" sẽ được cung cấp cho thị trường Hà Nội dịp Tết Nguyên Đán này

 

Tết này có gà đồi Yên Thế

 

Để đảm bảo lượng hàng hoá phục vụ thị trường Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán 2013, Sở Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiến hành khảo sát, ký kết hợp đồng khai thác hàng hoá từ các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ.

 

Theo Sở Công thương Hà Nội, hiện nay nguồn thịt lợn của các doanh nghiệp lấy từ các trang trại trên địa bàn Hà Nội chỉ chiếm khoảng 60%; 40% lượng hàng còn lại được liên kết và khai thác từ các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Bắc Ninh, một số tỉnh ở khu vực phía Nam.

 

Đối với mặt hàng thịt gà, các doanh nghiệp chủ yếu khai thác từ các trang trại thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang. Trong tháng 12 vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội đã cùng với Sở Công Thương Bắc Giang ký biên bản thoả thuận về tạo lập thị trường tiệu thụ sản phẩm mang thương hiệu “gà đồi Yên Thế”. Các doanh nghiệp đã trực tiếp khảo sát thực tế tại các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang để đánh giá tình hình, khả năng cung ứng nguồn hàng cho doanh nghiệp, đồng thời ký kết thoả thuận và hợp đồng thu mua để đưa về Hà Nội tiêu thụ, trung bình một ngày khoảng 7-8 tấn.

 

Trong khi đó, mặt hàng rau, củ, quả sẽ được khai thác thêm từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Đà Lạt, Hải Dương để bổ sung thêm lượng hàng hoá đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

 

Đối với mặt hàng trứng gà, các doanh nghiệp hiện đang tìm kiếm thêm nguồn hàng từ các tỉnh như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Theo Sở Công thương, hiện nay, công ty cổ phần An Việt đã liên kết với công ty TNHH Ba Huân đưa mặt hàng trứng gà từ Miền Nam ra, trung bình 3-4 ngày/chuyến khoảng 100.000 quả.


Trao đổi tại Hội nghị, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa gợi ý, theo kinh nghiệm, ngày mùng 2 Tết người dân đã bắt đầu mua bán đầu năm, nhưng lúc này giá cả thường bị đẩy lên rất cao. “Hà Nội nên chỉ đạo nghiên cứu, có thể mở cửa bán hàng bình ổn sớm hơn” Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nói.
 
Theo bà Thoa, bán hàng vào những ngày đó tuy hiệu quả doanh thu không cao nhưng lại có tác dụng bình ổn giá. “Làm chương trình bình ổn là dẫn dắt thị trường, làm sao phải rẻ hơn thị trường từ 5-10%. Chương trình bình ổn nhờ vậy sẽ dập tắt các nguy cơ đẩy giá cao những mặt hàng được “găm” từ trước” – bà Thoa nhận định.
 
Liên quan đến trường hợp trứng gà của công ty CP tăng giá bất hợp lý tại thị trường phía Nam trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, qua kiểm tra, CP đã nhận là có tăng giá bất hợp lý. Hiện nay, Cục cạnh tranh Bộ Công thương đang tiếp tục tranh tra. Theo Luật cạnh tranh, nếu doanh nghiệp có thị phần trên 30% mà tăng giá bất hợp lý thì sẽ bị xử phạt. 
 

Để phục vụ mua sắm dịp Tết Nguyên Đán, Hà Nội sẽ tổ chức 5 phiên chợ Tết tại các huyện Sóc Sơn, Thạch Thất, Đan Phượng, Đông Anh, Từ Liêm, dự kiến tổ chức 1/2 đến 5/2 (tức ngày 21-25/12 âm lịch. Ngoài ra, Tổng công ty Thương mại Hà Nội còn mở thêm 300 điểm bán hàng, trong đó có 150 điểm được tổ chức ở các khu vực thoáng, rộng của mặt phố hoặc gần các khu chung cư, cao tầng.

 

Thành phố cũng sẽ tổ chức 4 hội chợ xuân tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam; khu hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại Hoàng Quốc Việt; Cung văn hoá Hữu Nghị 91 Trần Hưng Đạo và Công viên Hoà Bình.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc