(VnMedia) - Hà Nội sẽ không cấm học thêm, dạy thêm mà chỉ quản lý bằng cách, giáo viên muốn dạy thêm phải có đơn đăng ký, cam kết… và ngược lại, phụ huynh cũng phải ký đơn xin cho con học thêm…
Những giáo viên muốn dạy thêm phải đăng ký - ảnh minh họa |
Quy định quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP Hà Nội vừa được Sở GD-ĐT Hà Nội trình lên UBND Thành phố. Như vậy, ngay từ tên của Quy định cũng nói lên rằng, việc dạy thêm, học thêm sẽ được Hà Nội quản lý chặt chẽ chứ không theo kiểu "không quản được thì cấm".
Theo Dự thảo quy định về quản lý dạy thêm học thêm, học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học gửi đến nhà trường. Trong đơn, phải có chữ ký của cha mẹ hoặc người giám hộ và hiệu trưởng nhà trường là người trực tiếp nhận đơn, tổ chức phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học và tổ chức dạy thêm theo nhóm học lực của học sinh.
Để quản lý việc dạy thêm, Dự thảo yêu cầu giáo viên có nguyện vọng dạy thêm cũng phải có đơn đăng ký, cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên theo quy định, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
Đối với tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Sở GD-ĐT quy định, các tổ chức phải cam kết với UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm, học thêm.
Các thông tin như giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm; danh sách người dạy thêm; thời khóa biểu; mức thu tiền học thêm... phải được công khai tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước và trong khi thực hiện dạy thêm.
Theo đề xuất của Dự thảo, nhà trường sẽ thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm, chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm. Mức thu tiền sẽ do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường. Việc quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo Nghị định số 43 của Chính phủ và các văn bản quy định hiện hành trong lĩnh vực tài chính.
Tương tự, đối với tổ chức ngoài nhà trường, mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm và các tổ chức này thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính.
Theo Dự thảo, Chủ tịch UBND TP sẽ ủy quyền cho Giám đốc Sở GD-ĐT cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình THPT hoặc nội dung thuộc nhiều chương trình nhưng cao nhất là chương trình THPT. Chủ tịch UBND cấp quận, huyện cấp hoặc ủy quyền cho Trưởng phòng GD-ĐT cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc THCS.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ yêu cầu đối với người dạy thêm; cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm; hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép; trách nhiệm quản lý; thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về dạy thêm, học thêm...
Nếu được triển khai, quy định mới này có thể là hướng mở, đáp ứng nhu cầu thực tế của cuộc sống. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định nghiêm túc như thế nào và cách thức kiểm tra, giám sát ra sao mới là điều quan trọng. Trong thực tế, có rất nhiều loại giấy phép được cấp một cách tràn lan, lấy lệ và tạo kẽ hở để một số người thu lợi bất chính.
Dạy thêm, học thêm: Nhiều ý kiến trái chiều
Nhiều năm qua, việc dạy thêm, học thêm tại Hà Nội đã trở thành một vấn đề nóng gây nhiều ý kiến trái chiều.
Trước hết, đối tượng học sinh tiểu học có lẽ là những người phản đối chuyện học thêm nhiều nhất bởi với chúng, việc phải học ở lớp cả ngày rồi lại phải đi học thêm buổi tối và ngày cuối tuần đã lấy đi những khoảng thời gian quý báu mà chúng có thể vui chơi.
"Cháu cảm thấy cực kỳ mệt mỏi vì phải đi học thêm. Cô giáo cháu rất nghiêm khắc. Cháu phải gặp cô cả ngày đã quá chán, thế mà đến cuối buổi chiều, cháu lại phải theo cô đến lớp học thêm nằm sâu trong ngõ gần trường. Nhưng cháu không thể phản đối bởi mẹ cháu bắt phải đi" - bé Thảo, một học sinh tiểu học tại Hà Nội than thở.
Tâm trạng của bé Thảo cũng là tâm trạng của đa số học sinh tiểu học. Tuy nhiên, với học sinh Trung học cơ sở thì lại khác. Do đầu vào của nhiều trường công lập và các trường chuyên rất hẹp nên nhu cầu được đi học thêm để "thi đấu" đối với các em và gia đình là điều rất hiển nhiên.
"Việc học thêm của các con là nhu cầu thực tế và chúng tôi chủ động tìm địa chỉ uy tín để cho con học thêm chứ không ai bắt buộc. Tuy nhiên, đó chỉ là với những kiến thức nâng cao để thi vào các trường chuyên. Còn đối với trường công lập bình thường, cần có biện pháp quản lý và xử lý những trường hợp giáo viên cố tình dạy qua loa kiến thức ở trên lớp để ép học sinh đi học thêm" - một phụ huynh có con học lớp 9 THPT cho biết.
Ngoài ra, theo một số phụ huynh, kiến thức dạy ở trường là kiến thức chung và nếu không có dạy thêm, học thêm, các trường sẽ có khả năng tìm được học sinh giỏi, thông minh thực sự. Hiện nay, do học thêm quá nhiều, ai đi học thêm thì biết cách làm các dạng bài "lạ", "độc" thì sẽ đỗ, còn những học sinh khác dù thông minh đến mấy nhưng không học sẽ không biết cách làm và không bao giờ có cơ hội đỗ vào các trường chuyên.
Ý kiến bạn đọc