(VnMedia) - Liên quan đến việc xử lý kỷ luật 142 cán bộ có sai phạm trong quản lý trật tự xây dựng tại Hà Nội, Chánh thanh tra Sở Xây dựng cho biết, có 44 trường hợp khiển trách và 30 trường hợp cảnh cáo…
Nhiều trường hợp “nổi cộm” vẫn chưa xử lý xong
Báo cáo tại Hội nghị giao ban Báo chí Thành ủy chiều 8/1, ông Trần Đức Học, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tính tới ngày 31/12/2012, các quận, huyện, thị xã mới xử lý xong 505/788 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng, 283 vụ việc vẫn đang tiếp tục giải quyết gồm 54 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, 229 trường hợp lấn chiếm đất đai. Trong số 597 nhà siêu mỏng, siêu méo, các quận, huyện mới xử lý được 345/597 trường hợp, chiếm 58%, vẫn còn 252 trường hợp đang giải quyết.
Hiện nay, trong số 252 trường hợp còn lại, các quận, huyện đã thực hiện xong việc phân loại, vận động các hộ gia đình ký cam kết thực hiện hợp khối, hợp thửa hoặc phải thu hồi, nhiều trường hợp đã phê duyệt kiến trúc hợp khối công trình, phê duyệt phương án thu hồi.
Cụ thể, có 33 trường hợp sẽ hợp thửa, hợp khối; 33 trường hợp cần chỉnh trang và 186 trường hợp sẽ bị thu hồi.
Một công trình sai phạm tại quận Hai Bà Trưng |
Một vấn đề khá nhức nhối trong vấn đề trật tư xây dựng tại Hà Nội được dư luận hết sức quan tâm, đó là những công trình sai phép mà nổi cộm là những công trình phố Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế (đều thuộc quận Hai Bà Trưng).
Theo ông Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đối với công trình 22 Triệu Việt Vương, theo giấy phép xây dựng là 6 tầng nhưng chủ đầu tư đã xây dựng sai phép thành 10 tầng. Hiện đã tháo dỡ xong tầng 8, 9, 10 và phần lớn tầng 7.Chủ đầu tư đề nghị được giữ lại tum ở tầng 7.
Công trình 19 Triệu Việt Vương GPXD 8 tầng, đã xây lên 12 tầng, hiện phá dỡ được 3 tầng, vẫn còn tầng 9 và tum thang trên mái của tầng này và đang tiếp tục được tháo dỡ.
Công trình 135 - 137 Bùi Thị Xuân được cấp phép 9 tầng cũng xây dựng sai thành 14 tầng. Hiện vẫn tầng 12 mới phá được mái và 1/2 khối lượng dầm thép. Hiện vẫn đang tiếp tục tháo dỡ.
Đặc biệt, công trình 107A Bùi Thị Xuân, GPXD được cấp là 6 tầng+ lửng+ tum, chủ đầu tư xây dựng thành 9 tầng. Ông Học cho biết, trường hợp này là “nan giải” nhất bởi chủ nhà không hợp tác với phường, quận, treo biển đơn vị quân đội, thương bình tại công trình cản trở việc tháo dỡ hạng mục công trình vi phạm và liên tục vắng mặt. Dự kiến, đến 15/1/2013, quận sẽ tiến hành cưỡng chế đối với công trình này.
Trong khi đó, tại Quận Thanh Xuân, công trình tại 53-55 Nhân Hòa, phường Thanh Xuân Trung có GPXD cấp là 8 tầng + 1 tầng hầm với tổng chiều cao là 22,4m. Tuy nhiên, Chủ đầu tư xây dựng lên thành 10 tầng với tổng chiều cao là 33,4m. Tháng 9/2012, tòa án quận Thanh Xuân đã có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đình chỉ việc thi hành quyết định cưỡng chế do quá trình làm thủ tục của các cơ quan chức năng chưa chính xác khiến chủ đầu tư khiếu nại. Ông Học cho biết, đến nay Tòa án đã bác đơn khiếu nại của chủ đầu tư và UBND phường đang thiết lập lại hồ sơ vi p hạm để xử lý.
Đối với việc xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng tại công viên Tuổi trẻ Thủ đô, ông Học cho biết, trong 6 hạng mục sai phạm, hiện còn 3 mặt sân bóng đá mini và 2 sân tennis ngoài trời cùng nhà dịch vụ vẫn đang trong quá trình tháo dỡ. Trong khi đó, các hạng mụcnhà Queen Bee II và 17 hộ tái lấn chiếm cùng trụ sở công ty, quận mới có kế hoạch xử lý dứt điểm trong Quý I/2013.
Phần còn lại là 3 bãi gửi xe không phép, ông Học cho biết “đã giải tỏa xong cơ bản” và 3 bãi gửi xe có phép, phường “đã đề nghị” Sở Giao thông thu hồi. Đối với công trình siêu thị, quận cũng “đã đề nghị” rút đăng ký kinh doanh.
Như vậy, có thể thấy Hà Nội hiện vẫn còn tồn tại nhiều công trình đang xử lý dang dở, chưa dứt điểm.
Kỷ luật cán bộ: Đa số là khiển trách
Trả lời câu hỏi của PV VnMedia về việc xử lý cán bộ liên quan đến các sai phạm, đặc biệt là tại quận Hai Bà Trưng, nơi có rất nhiều vụ việc vi phạm còn tồn tại, ông Học cho biết, Sở Xây dựng và các quận, huyện đã xem xét xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức liên quan buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng. Theo đó, đã xử lý kỷ luật 142 trường hợp cán bộ, trong đó khiển trách 44 trường hợp; cảnh cáo 30 trường hợp; cách chức 4 trường hợp; bãi nhiệm 2 trường hợp; buộc thôi việc 5 trường hợp và xử lý kỷ luật bằng các hình thức khác 57 trường hợp.
"Trong số các cán bộ bị xử lý năm qua, có một số cán bộ là phó chủ tịch phường, xã, còn đa số là lực lượng thanh tra xây dựng" - ông Học nói.
Riêng quận Hai Bà Trưng, địa bàn để xảy ra nhiều vụ việc vi phạm nổi cộm nhất, ông Học cho biết cũng chính là đơn vị xử lý kỷ luật cán bộ chậm nhất. Sau khi xử lý xong các vụ việc vi phạm, quận này mới xem xét trách nhiệm các cán bộ liên quan.
Ý kiến bạn đọc