Giao thông Hà Nội 2012 thay đổi vượt bậc

18:33, 06/01/2013
|

(VnMedia) - Hàng loạt những công trình giao thông tầm cỡ và quy mô lớn đều phăng phăng cán đích trước thời hạn từ 6-14 tháng đang góp phần từng bước làm thay đổi diện mạo Thủ đô trong năm qua.

>>21/10: Thông xe toàn tuyến đường trên cao đầu tiên ở Thủ đô

>>"Xây cầu vượt nhẹ cũng giống bịt ngã tư"
 

Năm 2012 vừa qua, với việc đưa một loạt các công trình giao thông vào sử dụng, việc đi lại của người Thủ đô đã phần nào dễ dàng hơn. Trên các tuyến phố tình trạng ùn tắc giao thông đã giảm đáng kể. Tuy còn chưa được như kỳ vọng về một thành phố không tắc đường nhưng đã phần nào giúp người tham gia giao thông vơi đi nỗi sợ hãi khi phải ra đường. Có được điều đó là nhờ những kỳ tích khó tin của ngành giao thông trong năm qua với việc một loạt các công trình giao thông được thông xe và đưa vào sử dụng trước thời hạn từ 6-14 tháng.
 
Một trong những công trình như thế phải kể đến đầu tiên, đó là việc thông xe và đưa vào sử dụng toàn tuyến đường cao tốc trên cao dài 9km đầu tiên kéo dài từ phía Bắc hồ Linh Đàm đến cầu vượt Mai Dịch (Hà Nội).
 
Được khởi công xây dựng từ tháng 6/2010, dự án đường Vành đai 3 Hà Nội,  (giai đoạn 2 - xây dựng đường trên cao) với tổng chiều dài khoảng 8.912m từ Bắc hồ Linh Đàm – Mai Dịch. Dự án được xây dựng theo cấp đường cao tốc đô thị, tốc độ thiết kế 100km/giờ, với mặt cắt ngang 4 làn xe. Dự án có vốn đầu tư 5.547 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chia thành 3 gói thầu xây lắp chính.

Ảnh minh họa

Việc thông xe toàn tuyến cao tốc trên cao đầu tiên ở Thủ đô vào ngày 21/10 vừa qua thật sự là một kỳ tích của giao thông Thủ đô năm 2012.

Sau gần 2 năm, với hàng trăm công nhân miệt mài thi công bất kể thời tiết, trong năm qua, cả 3 gói thầu xây dựng tuyến đường cao tốc trên cao đầu tiên ở Hà Nội đều vượt tiến độ từ 7-14 tháng đã thật sự là công trình tạo nên kỳ tích cho giao thông Thủ đô trong năm qua.
 
Lần đầu Việt Nam có tuyến đường cao tốc trên cao dài 21 km dành riêng cho ôtô chạy suốt với tốc độ đến 100 km một giờ từ cầu Phù Đổng – Mai Dịch. Tuyến đường cao tốc trên cao đầu tiên này, sau khi thông xe toàn tuyến vào ngày 21/10 đã góp phần làm giảm rõ rệt ùn tắc trên các tuyến Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng vốn thường xuyên khiến người đi đường mỏi mệt.
 
Hay ngay như ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến vốn là điểm đen ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm thì sau đó khi tuyến đường trên cao đầu tiên được thông xe, khu vực này trở nên thông thoáng hơn ngay cả giờ tan tầm.
 
Song song với việc thông xe và đưa công trình đường cao tốc trên cao đầu tiên ở Thủ đô vào sử dụng, năm qua, việc Hà Nội mạnh dạn xây dựng và đưa vào sử dụng 4 – 5 cây cầu vượt nhẹ chống ùn tắc tại các ngã ba, ngã tư cũng đã góp phần giải toả áp lực giao thông cho Thủ đô và góp thêm một kỳ tích nữa cho ngành giao thông của Thủ đô trong năm 2012
 
Các cây cầu vượt nhẹ đều được lắp ghép bằng thép, dễ xây dựng và tháo rời khi cần thiết, giá cả cũng phải chăng, chỉ từ 50-350 tỷ đồng/cầu đã thật sự là một "nút cởi" với giao thông Thủ đô trong năm qua.

Ảnh minh họa

Các cầu vượt nhẹ được lắp ghép nhanh gọn, dễ tháo ra khi cần thiết và giá cả rẻ cũng đã tạo nên điểm nhấn cho giao thông Thủ đô trong năm 2012.

Mặc dù ban đầu khi Hà Nội tiến hành xây dựng những cây cầu vượt nhẹ kiểu này, không ít chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đã bày tỏ những ý kiến quan ngại về việc lạm dụng xây cầu vượt nhẹ sẽ làm phá vỡ cảnh quan tại các ngã ba, ngã tư…

Tuy nhiên, với tính năng ưu việt: dễ xây dựng, thời gian thi công nhanh, thuận tiện, giá cả phải chăng…. 4-5 cây cầu vượt nhẹ được Hà Nội thông xe và đưa vào sử dụng tại các ngã ba, ngã tư hay xảy ra ùn tắc giao thông trong năm qua đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Điều đáng nói nữa là các công trình này đều được thi công hết sức chóng vánh và công trình nào cũng về đích trước thời hạn từ 3-6 tháng.
 
Có thể thấy với việc Hà Nội thông xe và đưa các cây cầu vượt nhẹ vào sử dụng mặc dù xe thô sơ, xe buýt, xe khách trên 9 chỗ ngồi, ôtô tải trọng trên 3 tấn... không được qua cầu nhưng giao thông khu vực các cây cầu bắc qua đã được cải thiện rõ rệt. Sau khi thông các cây cầu vượt nhẹ này, gần như ngay lập tức đã giúp giải toả áp lực giao thông cho các ngã ba, ngã tư tại điểm được xây cầu.
 
Trước đây, ngã tư Tây Sơn - Chùa Bộc vốn thường xuyên ùn ứ nhưng từ khi cầu vượt Tây Sơn - Chùa Bộc được khánh thành, tuyến đường đã trở nên thông thoáng. Người dân gần đây cho biết, từ hơn nửa năm qua, khu vực này chưa hề xảy ra ùn tắc.
 
Giống như vậy, các ngã tư khác: Láng - Nguyễn Chí Thanh, Thái Hà - Láng Hạ, Láng - Lê Văn Lương... trước đây giao thông cũng thường xuyên ùn ứ vào các giờ cao điểm.  Tuy nhiên, sau khi thông cầu vượt nhẹ lắp ghép bằng thép, các điểm này việc đi lại của người tham gia giao thông khá thuận tiện.

Hy vọng trong năm 2013 này, Hà Nội sẽ có thêm nhiều công trình giao thông kỳ tích nữa để việc ra đường của người tham gia giao thông ở Thủ đô không còn là nỗi sợ hãi nữa.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc