(VnMedia)- Kể từ khi được ban hành năm 1999, Bộ luật Hình sự (BLHS) đã trở thành công cụ hữu hiệu trong việc quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của nhà nước, của các tổ chức và công dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc từ các quy định của bộ luật trong đó có các quy định về khung hình phạt.
Thứ nhất, trong BLHS có nhiều quy định quá rộng giữa mức tối thiểu và mức tối đa trong mỗi khung hình phạt.
Điều 93 của BLHS về Tội giết người quy định khung hình phạt từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Hay tại khoản 3 Điều 104 của BLHS về Tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác quy định: phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm. Khoản 3 điều 113 về Tội cưỡng dâm quy định: phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; làm nạn nhân chết hoặc tự sát thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười tám năm…
Các quy định trên cho thấy, có sự quy định quá rộng giữa mức tối thiểu và mức tối đa trong mỗi khung hình phạt. Khoảng cách giữa mức khởi điểm của khung hình phạt với mức tối đa của hình phạt trong nhiều khoản của các điều luật chênh nhau quá lớn đã gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng hình phạt. Chính việc quy định này đã dẫn đến việc áp dụng không thống nhất, tùy tiện, không bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng trong việc quyết định hình phạt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra những tiêu cực trong quá trình xét xử.
Thứ hai, trong BLHS có nhiều quy định bất hợp lý về khung hình phạt cho các hành vi nguy hiểm cho xã hội tương ứng giữa các tội khác nhau.
Điều 95 về Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh tại Khoản 1 quy định: người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Trong khi đó khoản 2, Điều 105 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh quy định: phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Quy định này là bất hợp lý. Lý giải cho sự bất hợp lý này, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nguy hiểm hơn so với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Hay tại Điều 111 về Tội hiếp dâm, khoản 1 Điều này quy định: người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Trong khi đó Khoản 1 Điều 254 Tội chứa mại dâm quy định: người nào chứa mại dâm thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm. Với việc cùng quy định mức khung cao nhất là 7 năm tù cho các hành vi phạm tội như trên đang được coi là quy định chưa phù hợp, tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng hành vi phạm tội, thể hiện sự bất hợp lý. Thực tế cho thấy, hành vi hiếp dâm có tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn so với hành vi chứa mại dâm.
Thứ ba, một số điều luật quy định về mức hình phạt còn thấp, chưa thể hiện được tính răn đe.
Tại khoản 1 điều 161 BLHS về Tội trốn thuế quy định: người nào trốn thuế với số tiền từ năm mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.
Hiện nay, với mặt trái của nền kinh tế thị trường đã làm gia tăng số vụ vi phạm pháp luật kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế đất nước trong đó có hành vi trốn thuế. Với quy định như trên vô hình trung đã tạo cho đối tượng vi phạm sẵn sàng chấp nhận vi phạm pháp luật vì những lợi ích lớn trước mắt để trốn thuế. Vì thực tế, chế tài này chưa thực sự đủ mạnh, chưa tạo được tính răn đe, giáo dục nhằm hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về thuế.
Từ những bất cập như trên, việc sửa đổi BLHS trong thời gian tới cần phải khắc phục được những tồn tại theo hướng thu hẹp khoảng cách khung hình phạt giữa mức tối thiểu và tối đa trong một số điều luật để tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng dễ dàng, chính xác, tránh những tiêu cực đáng tiếc xảy ra. Theo đó, mức tối thiểu và tối đa của khung hình phạt có thể từ 2 đến 3 năm tù. Đồng thời, nâng mức hình phạt đối với một số tội danh trong đó có Tội trốn thuế… nhằm tạo được tính răn đe, giáo dục trong xã hội.
Ý kiến bạn đọc