Chủ động phòng chống dịch bệnh

07:06, 27/01/2013
|

Để công tác y tế dự phòng được thực hiện tốt, ngoài nỗ lực của ngành y tế thì rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, chủ động phòng chống dịch bệnh… là phát biểu của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác y tế năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, việc kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm đã được kiểm soát tốt. Cụ thể không ghi nhận trường hợp mắc dịch tả, dịch hạch; tỷ lệ mắc cúm H5N1 ở mức thấp 0,004/100.000 dân, bệnh tay chân miệng giảm tử vong 124 trường hợp, rubella giảm 99,7%...

Tuy nhiên, số người tử vong do bệnh dại lại đứng đầu. Bệnh dại được xếp vào nhóm các bệnh truyền nhiễm tái nổi và đứng thứ 2 trong số các bệnh truyền nhiễm gây tử vong ở nước ta. Nguồn lây bệnh dại chủ yếu do chó nhà (chiếm 96%), sau đó là mèo. Tiếp đến là sự gia tăng của bệnh sốt xuất huyết (SXH). Năm nay bệnh SXH tăng mạnh ở các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Các địa phương có trên 3.000 ca mắc là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, An Giang… Tích luỹ số ca mắc SXH ở các tỉnh miền Trung là 3.593 ca (tăng 130%), Tây Nguyên: 339 ca (tăng 73%) và các tỉnh phía Nam: 35.374 ca (tăng 14%). Cùng với đó, bệnh sốt rét mặc dù đã được khống chế ở tỷ lệ mắc thấp nhưng đang có xu hướng tăng ở một số địa phương. Theo số liệu thống kê trong 9 tháng đầu năm 2012 là gần 58 nghìn ca mắc, trong đó 46 ca tử vong; so với cùng kỳ năm 2011 số ca mắc bệnh tăng đến 19%, tử vong tăng 12%. Thời gian gần đây bệnh sốt rét lại bùng phát ở Đăk Nông với 420 ca, tăng 80%; tỷ lệ xét nghiệm dương tính với ký sinh trùng sốt rét tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước...

Theo Cục trưởng Nguyễn Văn Bình, một số bệnh truyền nhiễm mà nước ta gặp phải cũng đang diễn ra tại các nước trong khu vực như Singapore đứng đầu về bệnh tay chân miệng, 700/100.000 dân; SXH chủ yếu diễn ra mạnh ở Philipines...

Một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay là nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế do công tác tuyên truyền chưa sâu rộng. Bên cạnh đó, chính người dân có lúc cũng còn chủ quan, thiếu phối hợp với ngành y tế để diệt trừ mầm bệnh ngay từ đầu. Đơn cử như bệnh tay chân miệng thường diễn ra ở một số em nhỏ dưới 5 tuổi. Song dường như một số phụ huynh thiếu sự quan tâm đối với con em mình trong việc phòng, chống dịch tay chân miệng. Nhiều gia đình do bận rộn công việc nên khi trẻ bị bệnh sợ các em phải nghỉ học kéo dài không người chăm sóc nên thường dấu bệnh. Khi trẻ mới chỉ bớt bệnh đã đưa các em quay trở lại trường học mà không cách ly theo đúng thời gian quy định, dễ làm cho mầm bệnh lây lan và bùng phát các ổ bệnh mới. Trong khi hiện chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Chính vì vậy biện pháp phòng bệnh chủ yếu là các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ và người nuôi dạy trẻ như thường xuyên rửa tay với xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh...

Bệnh SXH cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo đại diện Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang, địa phương nằm trong số 5 tỉnh, thành có số ca mắc cao nhất, hiện xử lý ổ bệnh chỉ đạt khoảng 40 - 50%, một phần là do ý thức của người dân chưa tốt. Thực tế qua nhiều đợt kiểm tra, giám sát tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang… nhiều hộ dân khi được tuyên truyền phòng chống dịch SXH, như nằm màn, diệt muỗi, loăng quăng… nhưng đều bị bỏ qua, chỉ tới khi chính bản thân và người trong gia đình mắc sốt xuất huyết nặng mới hốt hoảng thực hiện các biện pháp phòng chống thì đã muộn.

Trong công tác y tế dự phòng, quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của người dân. Muốn vậy, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, bằng nhiều hình thức khác nhau: trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi; giám sát, tuyên truyền trực tiếp tới từng hộ gia đình, từng người dân. Nếu người dân hiểu và chủ động phòng bệnh thì có thể giảm được số người mắc. Đối với không ít bệnh truyền nhiễm, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh, do đó ngoài nỗ lực của ngành y tế thì rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng...; đặc biệt, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng phải phát huy vai trò chủ động của mình. Bên cạnh đó, đề xuất thành lập quỹ hay dành số tiền dự phòng đối phó khi dịch bệnh xảy ra cũng là điều cần tính đến đối với công tác y tế dự phòng. Bởi thực tế, do kinh phí đến chậm khi có sự việc xảy ra nên không ít trường hợp tiền về song diễn biến của bệnh đã chuyển sang hướng khác. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần xây dựng kế hoạch y tế dự phòng ngay từ đầu năm; xây dựng các tiêu chí và khả năng sẵn sàng ứng phó...

Theo đó, Bộ Y tế đã đưa ra giải pháp trọng tâm trong năm 2013 và những năm tới là tiến hành kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, duy trì hoạt động của các ban này; tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh; phân bổ kinh phí kịp thời; hoàn thiện các vấn đề về chính sách, văn bản thông tư hướng dẫn liên quan... đến công tác y tế dự phòng.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc