"... Tôi nghĩ người như ông Trần Trọng Dực dám nói ra sự thật cũng rất là hiếm rồi. Ở đây, cần có sự đánh giá khách quan. Thế giới có nhiều tổ chức đánh giá, điều tra một cách nghiêm túc, có bài bản. Nếu chúng ta mạnh dạn để cho họ khảo sát thì có lẽ sẽ không khó để có câu trả lời".
LTS: Sau khi Sở Nội vụ Hà Nội công bố kết quả thanh tra việc tuyển dụng công chức ở các quận, huyện trên địa bàn Thành phố, dường như dư luận vẫn chưa thỏa mãn với kết quả này. Giáo dục Việt Nam đã có một cuộc phỏng vấn Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc về vấn đề này.
Có hay không chuyện chạy công chức hàng trăm triệu?
PV: Vừa qua Sở Nội vụ Hà Nội đã có kết luận về việc chạy công chức 100 triệu. Ông đánh giá thế nào về kết quả này khi dư luận vẫn đặt ra nghi vấn có chuyện chạy công chức?
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc |
Ông Dương Trung Quốc: Câu chuyện ấy hiện nay vẫn là một ẩn số. Dưới góc độ pháp luật hỏi là có hay không nhưng dưới góc độ xã hội chính là vấn đề tại sao không trả lời được câu hỏi đó. Chúng ta quản lý cả một xã hội, cả một bộ máy mà chúng ta để cho tình trạng ấy kéo dài đến ngày hôm nay mà chúng ta vẫn phải trả lời có hay không thì đó là điều rất đáng tiếc.
Còn theo trải nghiệm của mỗi người, ai cũng có con có cháu, cũng phải lo học hành; bản thân mình cũng phải lo một giấy tờ nào đó, thủ tục nào đó… thì chắc mọi người cũng đã có được câu trả lời rồi. Còn định lượng như thế nào thì chắc phải để cho những nhà chuyên môn, có trách nhiệm làm rõ.
PV: Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, dường như dư luận chưa thỏa mãn và có vẻ không tin vào kết luận này…?
Ông Dương Trung Quốc: Vấn đề là kết luận căn cứ vào đâu. Một thí dụ đơn giản là một vị Bộ trưởng nói trước Quốc hội rằng ai chụp ảnh được nhân viên trong ngành vị đó nhận phong bì thì báo và nhân viên đó sẽ bị xử lý. Đó là cách đặt vấn đề đánh đố. Tôi thấy rằng kết luận của Hà Nội cần phải thể hiện căn cứ vào đâu, phương pháp nào, cách nào để đánh giá.
Ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội |
Còn tại sao người dân chưa chấp nhận là vì trải nghiệm của họ ở cuộc sống thường ngày. Họ không thể chấp nhận kết luận ấy được bởi họ là những người hoặc đã trực tiếp hoặc chứng kiến việc xin cho mà phải chạy.
PV: Phải chăng, cơ chế người đứng đầu khiến cho công tác, thanh kiểm tra tiêu cực không đạt được kết quả như nhiều người mong đợi, thưa ông?
Ông Dương Trung Quốc: Đó là một cách tiếp cận, là một cách giải thích và tôi cho là đúng. Tôi cho là trong sâu xa, chúng ta đã đánh mất một phẩm chất rất lớn của con người nói chung và đặc biệt của những người gánh vác việc công là liêm sỉ. Cho nên việc nói dối, chối tội là việc rất đơn giản và cảm giác như cơm bữa. Thậm chí người nào thật thà quá thì thiệt thòi như người ta vẫn thường nói…
Lương công chức thấp mà vẫn chạy công chức
PV: Thưa ông, tại sao vẫn có nhiều người chạy công chức dù biết lương công chức thấp?
Ông Dương Trung Quốc: Điều này dễ giải thích thôi. Vì hệ thống giá trị của chúng ta nếu không nói là khủng hoảng thì chính là bị đảo lộn. Và chúng ta luôn lấy thực tế làm thước đo: người nào khôn ngoan, luồn lách giỏi thì thấy ngay người đó tạo ra được những thành công trong đời sống…
Cho nên việc có các bằng cấp hay trúng tuyển qua nhưng kỳ tuyển dụng thực ra chỉ là vỏ bề ngoài mà quan trọng nhất là người giữ được liêm sỉ. Điều này, chúng ta nói nhưng rất đơn giản, nếu chúng ta đặt hệ thống công chức bên cạnh hệ thống quản lý của những tổ chức tư nhân thì mới thấy rõ.
Tại sao các tổ chức tư nhân không xảy ra việc này là vì họ không sử dụng công quỹ, vì họ luôn tìm lợi ích trong thực tiễn chứ không có quan hệ xin cho. Ở đây, quan hệ lợi ích thực sự thể hiện ở chỗ: anh mang lại cho tôi nhiều điều tốt thì anh được thụ hưởng nhiều; nếu anh được tuyển dụng được những người tài giỏi thì chính anh cũng được hưởng lợi...
PV: Liệu lo ngại hàng loạt tiêu cực mới sẽ xuất hiện khi những người chạy công chức được tuyển dụng vào bộ máy nhà nước có trở thành hiện thực khi người cán bộ sẽ tìm cách thu hồi “vốn” và “sinh lời”, thưa ông?
Ông Dương Trung Quốc: Đó là một tư duy đương nhiên. Nếu lấy lợi ích về tiền bạc trong việc này thì bài toán thu hồi vốn và sinh lời là đương nhiên, không có gì lạ.
Bộ máy Nhà nước sẽ yếu đi vì nếu cứ vận hành theo hướng này thì những người thực tài, những người có liêm sỉ sẽ dần tìm đến mô hình, môi trường tốt hơn. Bây giờ có hiện tượng “chảy máu chất xám”, trước là ra nước ngoài còn bây giờ là trong nước rất phổ biến.
PV: Thưa ông, có phải vì lương công chức hiện nay còn thấp dẫn đến việc những cán bộ có quyền hạn trong tuyển dụng đã phải nhận tiền “chạy” công chức? Và làm thế nào để hạn chế “nạn” chạy công chức?
Ông Dương Trung Quốc: Nếu hệ thống lương bổng thế này thì không có tiêu cực mới là lạ. Việc duy trì hệ thống lương bổng thế này chính là nguyên nhân tạo ra môi trường cho con người vượt qua liêm sỉ của mình để họ thực sự giành được những lợi ích cá nhân.
Theo tôi, việc chi trả lương cho công chức xứng đáng thì sẽ có hiệu quả tích cực. Biên chế nhà nước đang trong tình trạng quá lớn, quá tải với nguồn lực của quốc gia. Nhưng ngay trong thời điểm này, nhiều người đang hưởng những đặc lợi, chính sách ưu đãi trong khi xã hội còn rất nhiều sự thiếu thốn.
Ở đây cái chính là việc ai là người gương mẫu, ai là người đứng mũi chịu sào, ai là người tiên phong thì tôi nghĩ, những người lãnh đạo phải là những người tiên phong. Không phải tự nhiên Hồ Chủ tịch với tính gương mẫu của mình đã tạo ra sức mạnh rất lớn. Người dân có thể không nói ra nhưng người dân quan sát và hoàn toàn có quyền quyết định ứng xử của họ đối với xã hội nói chung và với cán bộ nói riêng.
PV: Ông có nghĩ lòng tin của nhân dân đang được thử thách khi kết luận không tìm ra việc chạy công chức 100 triệu của Sở Nội vụ Hà Nội được ban hành?
Ông Dương Trung Quốc: Vấn đề này hết sức khó đánh giá. Nếu giao việc đánh giá lòng tin này cho một cơ quan nào đó vẫn nằm trong cơ chế hoặc là những người vẫn nằm trong cơ chế này thì tôi nghĩ người như ông Trần Trọng Dực dám nói ra sự thật cũng rất là hiếm rồi. Ở đây, cần có sự đánh giá khách quan. Thế giới có nhiều tổ chức đánh giá, điều tra một cách nghiêm túc, có bài bản. Nếu chúng ta mạnh dạn để cho họ khảo sát thì có lẽ sẽ không khó để có câu trả lời.
PV: Là một đại biểu Quốc hội, trong kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIII tới đây, ông có sẵn sàng đưa vấn đề này ra nghị trường không?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ đây là một vấn đề bức xúc chung nhưng lại có cơ hội để chúng ta tập trung giải quyết như việc hoàn thiện Luật phòng, chống tham nhũng. Chắc chắn không riêng cá nhân tôi mà nhiều đại biểu quốc hội và dư luận cũng sẽ phải đề cập tới.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
Ý kiến bạn đọc