(VnMedia) - Thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuần tra xử lý vi phạm song tình trạng xe khách dừng đỗ đón trả khách sai quy định, đặc biệt là các xe “dù” và bến "cóc" vẫn không giảm. Một số ý kiến cho rằng, chính các bến xe đang vô tình đẩy xe khách ra đường chạy dù.
>>Bất chấp cao điểm, xe khách vẫn…“bò” trên đường
Có lẽ đến bây giờ nhiều người tham gia giao thông ở Thủ đô không còn lạ gì cảnh các xe khách cứ xuất bến ra đường là chạy như rùa bò. Đã thành thông lệ, khoảng 6 giờ sáng đến 6h chiều hàng ngày, tại cổng ra của Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát... luôn bị ùn ứ bởi lượng xe khách xuất bến dày đặc. Hầu hết các xe xuất bến đều cố nấn ná quanh cổng từ 5 - 10 phút để bắt khách. Hết giờ thì cho xe chạy chầm chậm, lòng vòng để tiếp tục đón các "thượng đế".
Do lượng xe tập trung trong bến quá đông trong khi khách đi thưa thớt cho nên mỗi chuyến xe khi xuất bến chỉ có chưa đầy một nửa số ghế có khách. Tình trạng này khiến nhiều nhà xe đã buộc lái xe chạy như rùa bò tại các tuyến đường quanh bến để “vớt” khách.
Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội, thực tế, mỗi khi có đợt ra quân kiểm tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông, thì hoạt động của xe "dù" giảm rõ rệt, nhưng khi vắng bóng cơ quan quản lý, đâu lại vào đó.
Ông Đội trưởng Đội CSGT số 6 cho biết, chỉ trong vòng 2 tháng vừa qua, 400 trường hợp xe khách đã bị xử lý với các lỗi dừng, đỗ bắt khách dọc đường....Tuy các cơ quan chức năng đã tăng nặng hình thức xử phạt với các trường hợp vi phạm, thậm chí giữ xe nhưng các vi phạm xe khách vẫn diễn ra khi vắng bóng cảnh sát giao thông.
Theo Trung tá Mẽ, để có thể giải quyết dứt điểm xe dừng đỗ bắt khách, xe “dù” bến “cóc” dọc đường, điều phải làm trước tiên là trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quy hoạch bến xe.
Xe khách chạy từ bến xe Giáp Bát ra, sau khi ra đường Giải Phòng thì chạy rùa bò với lơ xe đứng ở cửa chèo kéo khách. Ảnh: Tùng Nguyễn |
Chứng minh cho vấn đề này, Trung tá Mẽ cho biết, Bến xe Mỹ Đình theo thiết kế công suất tiêu chuẩn năm 2004 là 600 lượt xe/ngày nhưng từ năm 2009 đến nay lưu lượng xe xuất bến cao hơn gấp hai lần. Diện tích bến không đủ chứa xe nên thời gian xe đỗ ít vì thế, lệnh xe xuất bến sẽ phải giãn đều và có sự điều chỉnh phù hợp với số lượng có trong bến.
“Một xe vào bến trước kia được “nằm” lại 20 phút bắt khách ở bến nhưng giờ đông xe đã phải rút ngắn còn 5 - 10 phút trong khi nhu cầu đi lại không cao. Số xe này sẽ “đùn” hết ra đường lại cộng với ý thức hành khách vẫn đứng dọc đường “vẫy” xe thì không thể chấm dứt được thực tế xe bắt khách dọc đường”, Đội trưởng Đội CSGT số 6 lý giải
Dẹp xe dù bến cóc: Vẫn chỉ trông chờ vào ý thức
Trao đổi xung quanh vấn đề xử lý xe khách chạy dù, ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty quản lý Bến xe Hà Nội cho biết, mặc dù đã chấn chỉnh từ nhiều năm, nhưng việc dừng đón khách hiện vẫn chỉ trông chờ phần lớn vào ý thức của nhà xe và hành khách!
“Mỗi khi nhận được thông báo của lực lượng chức năng về vi phạm của nhà xe gửi về bến thì nhà xe và lái xe đều bị xử lý đình tài. Tuy nhiên, doanh nghiệp khoán quản doanh thu cho lái phụ xe nên vì lợi ích kinh tế, tình trạng bắt khách dọc đường dường của xe khách dường như chưa có bài toán giải quyết,” ông Trung cho biết
Theo ông Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, chính hình thức vận tải khách của nước ta bao gồm nhiều thành phần kinh doanh tham gia đa dạng như doanh nghiệp, hợp tác xã, cá thể hộ gia đình vì thế chênh lệch cung - cầu đã dẫn đến số lượng xe ở các bến đã vượt “ngưỡng”.
Thống kê của Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội, trong địa bàn Thủ đô hiện có 5 bến xe gồm: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Lương Yên. Tuy nhiên, bộ mặt bến xe Hà Nội không mấy thay đổi. Bến mới xây “trăm tỷ” thì nằm ế khách. Những bến cũ, bến thì chuyển đổi mục đích sử dụng để xây cao ốc, số khác thì hoặc quá tải, hoặc cũng ngấp nghé vượt ngưỡng.
Hiện nay, Bến xe Giáp Bát xuất bến 800 lượt xe, bến xe Gia Lâm có 400 lượt xe ra vào trong khi nếu xếp khéo thì bến cũng có thể nhận thêm khoảng 200 lượt xe. Với Bến xe Mỹ Đình có tần suất 1.300 lượt xe/ngày mặc dù mới xây dựng năm 2004, song bến này đã không còn sức để “gánh” thêm xe nữa.
“Cơ sở hạ tầng, vận tải đã phát triển như thế nào để xe tiếp cận được, hành khách sẽ không chấp nhận đi lại nhiều lần do tổng chi phí tăng. Đây chính là lý do vì sao lưu lượng xe nhỏ lẻ, nhiều tuyến trong cùng hành trình đi lại của một tỉnh lại tập trung ở các bến ở Hà Nội lại cao như vậy,” ông Trung phân tích.
Nhằm khắc phục thực trạng bến xe vượt quá năng lực lực vận tải, công suất thiết kế, ông Trung cho biết, sau Tết Nguyên đán tới, Công ty sẽ tính toán quản lý bến xe như thế nào, đánh giá để có phương án quản lý thích hợp hơn, hạn chế tình trạng xe dù bến cóc.
Tuy nhiên, ông Hoành Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, xe "dù" tồn tại được chính là một phần do lỗi của hành khách. Hành khách ngại vào bến mua vé, hay đứng dọc đường bắt khách hoặc hẹn xe ở một địa điểm gần nhà... đã vô hình chung tạo "đất" cho xe "dù" hoạt động. Tuyến có nhiều xe "dù" vi phạm nhất là các tuyến cự ly ngắn.
Theo ông Mạnh, hiện nay, chưa có chế tài xử phạt với hành khách vi phạm, thậm chí, nếu có luật thì cũng rất khó xử lý những đối tượng này bởi không đủ công cụ và lực lượng.
Ý kiến bạn đọc