Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Sẽ áp dụng mức xử phạt cao nhất trên 100 triệu đồng với cơ sở vi phạm.
An toàn thực phẩm, đang là mối quan tâm của người dân, đặc biệt thời điểm này, khi Tết Nguyên đán Quý Tỵ đang đến gần, nhu cầu thực phẩm càng tăng cao, nguy cơ mất an toàn thực phẩm cũng gia tăng. Người dân đang trông chờ các ngành chức năng có những giải pháp hữu hiệu. Về vấn đề an toàn thực phẩm, trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 13/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có những giải đáp phần nào khúc mắc về vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay.
“Chúng ta ra chợ không biết sản phẩm nào là sạch, sản phẩm nào là an toàn, thì nói gì đến người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói. Cho nên, trước đợt thực hiện cao điểm về an toàn thực phẩm trong dịp Tết, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có chuyến đi thị sát thực tế tại các cơ sở kinh doanh và chợ Đồng Xuân vào ngày 5/1 vừa qua.
Nói về kết quả chuyến khảo sát, Bộ trưởng Kim Tiến nhận xét: “Nhìn chung các chỉ tiêu về phát hiện nhanh và chất cấm vẫn chưa phát hiện ra. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng, thực trạng an toàn thực phẩm của chúng ta đã tốt. Đây không thể đại diện. Chúng ta phải khảo sát hàng trăm cửa hàng, lấy hàng trăm ngàn mẫu thì mới có thể phản ánh được thực trạng của vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định: Chuyến khảo sát này sẽ mở đầu cho một cuộc thanh tra, kiểm tra toàn diện từ Trung ương đến địa phương.
Nói về tháng cao điểm về an toàn thực phẩm, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, Bộ Y tế cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị lập kế hoạch cho tháng cao điểm an toàn thực phẩm phục vụ Tết nguyên đán với chủ đề “Bữa ăn an toàn”.
Theo đó các cơ quan sẽ lập 8 đoàn kiểm tra của Trung ương đi kiểm tra 24 tỉnh thành phố có nguy cơ cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời các tỉnh thành phố sẽ tổ chức thanh, kiểm tra từ thành phố cho đến xã phường về tất cả các khâu chế biến sản xuất kinh doanh cho đến sử dụng.
Tại cuộc đối thoại, khi bàn về Thông tư 30 của Bộ Y tế về các quy định an toàn thức ăn đường phố có hiệu lực từ ngày 20/1 tới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Thông tư ra đời không có nghĩa là sẽ cấm kinh doanh trên đường phố. Đây sẽ là hành lang cơ bản để chúng ta tiến tới việc thức ăn đường phố phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân.
Bên cạnh đó, trong đợt này, sẽ áp dụng Nghị định xử phạt hành chính mới, với hình thức nghiêm khắc hơn nhiều với mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng. “Nếu mức xử phạt ấy chưa đúng mức thì sẽ thực hiện xử phạt cao gấp 7 lần số hàng hóa vi phạm. Ngoài ra có thể rút giấy phép kinh doanh, đồng thời công bố trên thông tin đại chúng những cơ sở, mặt hàng không đạt tiêu chuẩn để người dân quay lưng lại với sản phẩm đó”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, để người dân có thể lựa chọn những sản phẩm tốt, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sắp tới sẽ có sự phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ phát động phong trào, kết hợp với các Bộ, ngành để đưa ra thị trường những thương hiệu, những sản phẩm có nhãn mác, tem an toàn, như vậy sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh. Ngoài ra những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn qua chọn lọc tự nhiên sẽ bị đào thải.
Nói về kế hoạch lâu dài trong vấn đề an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành y tế mong muốn có một đề án về bữa ăn an toàn. Quá trình an toàn thực phẩm phải từ trang trại cho đến bàn ăn. Các khâu từ nuôi trồng sản xuất kinh doanh, phân phối, mâm cơm phải được kiểm soát chặt chẽ.
“Đây là kế hoạch, quá trình lâu dài, cần sự phối hợp của các cơ quan ban ngành”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh./.
(Theo VOV)
Ý kiến bạn đọc