>>Uẩn khúc quanh vụ chạy công chức ở Ứng Hoà
Sau khi có thông tin phản ánh về hiện tượng tiêu cực liên quan đến thi tuyển công chức, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và công văn của Bộ Nội vụ, UBND TP đã giao Giám đốc Sở Nội vụ kiểm tra, rà soát việc thi tuyển công chức tại quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.
Ngay sau đó, Sở Nội vụ thành lập 3 đoàn kiểm tra do Phó Giám đốc Sở Nội vụ làm trưởng đoàn, có sự tham gia của đại diện Bộ Nội vụ, tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 3 đơn vị là huyện Thanh Trì, Ứng Hòa và quận Hà Đông.
Kết quả cho thấy, các đơn vị được kiểm tra đã cơ bản thực hiện đúng nội dung, quy định, đúng hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đoàn đã tiến hành phỏng vấn những thí sinh trúng tuyển và không trúng tuyển, qua đó phát hiện 1 trường hợp sai sót trong tổng hợp điểm xét tuyển của thí sinh dự thi khối Mầm non tại huyện Thanh Trì. Ngoài huyện Ứng Hòa, đoàn kiểm tra chưa phát hiện có hồ sơ, tài liệu. chứng cứ thể hiện việc cán bộ, công chức tham gia công tác tuyển dụng vi phạm các quy định.
Từ những kết quả trên, UBND TP Hà Nội đánh giá, công tác công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục các quận, huyện, thị xã năm 2012 đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội nhận định, trong quá trình kiểm tra và tự kiểm tra đã phát hiện khâu dễ xảy ra sai sót là khi lên điểm, vào điểm nếu không có biện pháp kiểm tra chéo, kiểm tra nhiều lần. Khâu dễ xảy ra tiêu cực là khi thực hành bài giảng nên cần phải lắp đặt camera, ghi âm để giám sát; vẫn còn một số ít cán bộ, công chức, viên chức thiếu ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương và đạo đức nghề nghiệp, nể nang trong thực thi công vụ như tại huyện Ứng Hoà; vẫn còn nhiều trường hợp thí sinh dùng Bằng trung học phổ thông giả để đi học chuyên nghiệp hoặc dùng bằng chuyên nghiệp giả để tham gia tuyển dụng như tại các huyện: Mỹ Đức, Thanh Oai, Sơn Tây...
Có trường hợp bị các đối tượng xấu mạo danh, lừa đảo, hứa hẹn giúp "chạy vào công chức, viên chức" để chiếm đoạt tài sản...
Cụ thể, đoàn kiểm tra phát hiện đối tượng Nguyễn Thu Hằng ở xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, người đã có tiền án về lừa đảo (đang bị Công an Hà Nội hoàn thiện hồ sơ để đưa ra xét xử), mạo danh là cán bộ Sở Nội vụ, nhận 280 triệu đồng của chị Phạm Thị Thơ (quận Hoàng Mai), và một số người khác để “chạy quyết định vào làm giáo viên trường THPT Nguyễn Gia Thiều”.
“Đây là trường hợp điển hình, nhưng cũng phần nào đã làm cho dư luận đồn đại, hiểu sai lệch về công tác tuyển dụng” - báo cáo nêu rõ
Trên cơ sở đó kết quả kiểm tra, UBND TP đề nghị Bộ Nội vụ sớm cùng các địa phương đánh giá, tổng kết, tiếp tục hoàn thiện các quy định về tuyển dụng công chức, viên chức để phòng chống tiêu cực.
Thành phố cũng đề nghị Bộ GD&ĐT quản lý các hình thức đào tạo và số lượng in phôi bằng của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; thống nhất các chuyên ngành đào tạo và cách tính điểm học tập trung bình toàn khóa để đảm bảo sự công bằng.
Liên quan đến vụ chạy công chức 100 triệu đồng, mới đây, Bí thư huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Văn Xuyên cũng cho biết, sau khi báo chí phản ảnh, quá trình kiểm tra tại huyện Ứng Hòa đã phát hiện việc thi tuyển có tình trạng nâng điểm phần thi thực hành giảng bài của 16 thí sinh dự tuyển chỉ tiêu giáo viên khối tiểu học. Huyện cũng đã yêu cầu làm rõ xem có liên quan gì đến vật chất và tiền bạc hay không, nhưng cũng chưa phát hiện ra. Vì vậy. chỉ dừng lại là vi phạm quy chế thi.
Theo mức độ vi phạm này, hàng loạt các hiệu trưởng các trường phổ thông trong huyện sẽ bị xem xét kỷ luật như, tiểu học Kim Đường, Lũng Lô, Cao Thành…đồng thời, hàng loạt lãnh đạo phòng Giáo dục, phòng Nội vụ cũng bị xem xét kỷ luật.
Ý kiến bạn đọc