(VnMedia) - Hà Nội vừa quyết định sẽ đào tạo 500 công chức nguồn chất lượng cao trong giai đoạn 2013 – 2014 để làm việc tại xã, phường, thị trấn và thay thế cán bộ công chức đến tuổi nghỉ hưu.
>>Phát hiện lừa 280 triệu vào công chức Hà Nội
>>Uẩn khúc quanh vụ chạy công chức ở Ứng Hòa
Quyết định trên nằm trong kế hoạch của Đề án “Thí điểm mở lớp đào tạo cho 1.000 công chức nguồn giai đoạn cuối năm 2012-2015” nhằm nâng cao chất lượng công chức Hà Nội.
Hà Nội sẽ đào tạo 500 công chức nguồn chất lượng cao trong giai đoạn 2013 – 2014 |
Theo đó, số lượng 500 công chức chuyên môn sẽ được phân theo đơn vị cấp quận, huyện (trung bình mỗi xã, phường, thị trấn xét chọn 1 công chức nguồn).
500 chỉ tiêu trên sẽ bao gồm 98 chỉ tiêu chức danh văn phòng – Thống kê (Hành chính công, Luật, Quản trị văn phòng, Văn thư lưu trữ, Công nghệ thông tin); 146 chỉ tiêu chức danh Tư pháp – Hộ tịch (Luật, Hành chính công); 85 chỉ tiêu chức danh Địa chính – Xây dựng (Xây dựng, Kiến trúc, Địa chính, Quản lý đất đai, Kinh tế xây dựng); 137 chỉ tiêu chức danh Văn hóa – Xã hội (quản lý Văn hóa thông tin, Lao động xã hội, Báo chí tuyên truyền); 34 chỉ tiêu chức danh Tài chính - Kế toán.
Các học viên phải là công dân Việt Nam, có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, có bằng tốt nghiệp đạihọc công lậphệ chính quy trong nước loại khá trở lên hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học (đúng chuyên ngành đã được đào tạo ở bậc đại học) ở nước ngoài loại giỏi, xuất sắc, ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với chỉ tiêu đào tạo công chức nguồn.
Những học viên này cũng được yêu cầu có trình độ ngoại ngữ B trở lên một trong năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc; Trình độ tin học văn phòng; Tuổi đời tính đến thời điểm nộp hồ sơ không quá 27 tuổi đối với người tốt nghiệp đại học, không quá 30 tuổi đối với người có trình độ thạc sĩ, không quá 35 tuổi đối với người có trình độ tiến sĩ.
Trường hợp không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội thì phải có bằng tốt nghiệp đại học công lập hệ chính quy loại giỏi, đúng ngành đào tạo công chức nguồn hoặc bằng thạc sĩ đúng chuyên ngành được đào tạo ở bậc đại học công lập hệ chính quy, phù hợp với chỉ tiêu đào tạo công chức nguồn.
Nếu là người dân tộc có hộ khẩu thường trú tại xã miền núi của thành phố, đăng ký về làm việc tại xã phải có bằng tốt nghiệp đại học công lập hệ chính quy loại trung bình khá trở lên đúng ngành, chuyên ngành đào tạo công chức nguồn.
Thu hồi học phí nếu vi phạm cam kết
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, các công chức nguồn sẽ được đào tạo các kiến thức chung về quản lý nhà nước tiêu chuẩn ngạch chuyên viên; trung cấp lý luận chính trị; kỹ năng giao tiếp hành chính, dân vận, tổ chức thực hiện công việc, soạn thảo văn bản, xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án và kỹ năng tổ chức thực hiện.
Ngoài các kiến thức, kỹ năng thực thi công vụ theo các chức danh chuyên môn, học viên sẽ phải học chuyên ngành các theo chuyên đề quản lý đô thị Hà Nội, nông thôn Hà Nội, kinh tế - văn hóa – xã hội Hà Nội, thì học viên cũng sẽ được bồi dưỡng các kiến thức cơ bản về Hà Nội.
Các lớp nguồn sẽ được chia theo chức danh công chức cấp xã, đào tạo tập trung 18 tháng bao gồm cả 2 tháng thực tập (không kể thời gian nghỉ hè, lễ, tết) và học tập tại Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.
Đặc biệt, người được cử đi học phải cam kết sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo công chức phải công tác ít nhất 5 năm tại xã, phường, thị trấn được phân công. Học viên sẽ bị thu hồi kinh phí đào tạo và kinh phí hỗ trợ theo quy định.
Mới đây, Hà Nội cũng phê duyệt Đề án “Xây dựng cơ cấu công chức gắn với vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh ở các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố và quận, huyện, thị xã” nhằm tháo gỡ khó khăn kinh tế cho năm 2013 và những năm tiếp theo, Hà Nội đang thực hiện các giải pháp mạnh để tạo sự thông thoáng về cơ chế chính sách.
Ý kiến bạn đọc