(VnMedia) - Chia sẻ về sự vô cảm trong xã hội hiện đại, nhà thơ - nhà báo Hồng Thanh Quang, NSND Thanh Hoa và Hoa hậu Thân thiện Dương Thùy Linh đều cho rằng, sự vô cảm trong xã hội hiện nay đang có chiều hướng gia tăng cùng với sự phát triển của kinh tế, đặc biệt là khoa học công nghệ. Tuy nhiên, các khách mời cũng cho rằng, vô cảm chỉ là hiện tượng chứ không phải là bản chất của xã hội chúng ta.
Các khách mời đang chia sẻ, giao lưu với khán giả
Con người đang ngày càng trở nên thờ ơ trước sự khốn khó của người khác. Thấy người tai nạn, chỉ tò mò dòm ngó rồi bỏ đi. Thậm chí có người sẵn sàng quay lại clip để tung lên mạng. Nam sinh thấy nữ sinh bị đánh hội đồng không bảo vệ, còn vô tư quay clip rồi phát tán như một "chiến tích".
Dư luận vừa qua còn phẫn uất vì câu chuyện “cánh tay nữ sinh và sự vô cảm của cánh tài xế” diễn ra hồi đầu tháng 12. Chiếc xe tải hàng chục tấn chẹt chặt lên cánh tay của một bé gái. Tài xế hoảng hốt bỏ chạy khỏi hiện trường trong khi đứa bé chới với kêu cứu. Những tài xế khác khi được người dân nhờ để di chuyển chiếc xe để cứu bé gái thì cũng lặng lẽ lắc đầu. Suốt 1 tiếng, đứa bé khóc ngất vì những đau đớn mà không một ai đủ tình thương để cứu giúp một sinh linh đang kiệt sức.
Sự vô cảm đang trở thành một vấn nạn và nó đang là tiếng chuông cảnh tỉnh cho sự suy đồi của đạo đức con người.
Truyền thống Việt
Mời độc giả theo dõi những chia sẻ, bình luận của nhà thơ - nhà báo Hồng Thanh Quang, NSND Thanh Hoa và Hoa hậu Thân thiện Dương Thùy Linh về chủ đề này trong cuộc trò chuyện do Báo điện tử VnMedia tổ chức được truyền hình trực tuyến lúc lúc 10 giờ sáng nay (14/12):
Thưa NSND Thanh Hoa, khi nghe được những câu chuyện về sự vô cảm, chị có cảm nghĩ như thế nào?
NSND Thanh Hoa: Bây giờ dường như mọi người "lãnh cảm" với nhau nhiều quá. Tôi là người được sống "lâu" nhất trong những diễn giả ở đây. Có lẽ càng sống lâu thì càng có nhiều lý do để thất vọng. Tôi thất vọng bởi một lẽ cái thời của tôi không thế. Dường như ông cha ta cứ quá lo lắng cho con cái, nên cũng đã gây ra sự ỷ lại, ích kỷ. Sự vô cảm bắt nguồn từ sự ích kỷ. Tôi rất lo lắng và thấy hụt hẫng vì điều này.
Là một nghệ sĩ gạo cội và rất có trách nhiệm xã hội, NSND Thanh Hoa đã chia sẻ
rất nhiều câu chuyện về sự vô cảm trong xã hội
Còn nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang, những câu chuyện trên đây phản ánh một bộ phận nhỏ, nhưng nó lại có tác động khá mạnh đến cộng đồng. Anh có suy nghĩ gì, với tư cách là một nhá báo?
Tôi rất mừng vì báo điện tử VnMedia đã nhạy cảm vấn chủ đề này. Tôi hi vọng sau chương trình do VnMedia tổ chức chúng ta sẽ đỡ vô cảm hơn.
Tôi muốn bổ sung, không nên đổ hết cho giới trẻ về chuyện vô cảm hay không. Bởi sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy. Trong mỗi con người chúng ta đều ẩn chứa cái xấu và cái tốt, do hoàn cảnh tác động mà chúng ta bộc lộ mặt nào.
Hoa hậu Dương Thùy Linh thuộc thế hệ @, bạn chắc chắn sẽ có sự suy nghĩ đồng thế hệ, với những hành động vô cảm, là một người trẻ, bạn có cảm nhận như thế nào?
Hoa hậu Dương Thùy Linh: Em nghĩ rằng các bạn trẻ đều biết suy nghĩ, biết tư duy, bản thân em buồn và có cảm giác hơi sợ hãi cho tương lai, không phải cho bản thân mình mà lo sợ cho thế hệ sau của mình, không biết con mình sẽ sống như thế nào trong một xã hội vô cảm như thế.
Tình trạng này không phải diễn ra riêng ở Việt Nam mà ở khắp nơi trên thế giới này. Và em nghĩ rằng chúng ta phải tìm được một giải pháp để ngăn chặn tình trạng này.
Bạn Hoàng Đỗ Quyên (Đội Cấn – Hà Nội) hỏi: Vừa là một nhà báo, vừa là nhà thơ, anh đã từng gặp trường hợp vô cảm nào gây xúc động mạnh cho mình và khiến anh không thể quên hay không? Nếu có xin anh chia sẻ?
Nhà báo - nhà thơ Hồng Thanh Quang: Thực ra tôi gặp không ít trường hợp vô cảm ở ngay Hà Nội, tôi cũng bức xúc về những hiện tượng vô cảm như chị Thanh Hoa, nhưng tôi có thể lý giải được. Đôi khi vô cảm đang là phương tiện để tự bảo vệ chúng ta. Đây là những điều rất đáng lo lắng. Tôi là một sỹ quan trong lực lượng công an, nhưng chính chúng tôi cũng cảm thấy mọi cố gắng trong việc trấn áp tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự của chúng tôi vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Chúng ta đang dường như bất lực trước những hiện tượng như thế, đôi khi chúng ta đang bị đánh lừa bởi chính những nhạy cảm của chúng ta.
Dù rất bức xúc vì những câu chuyện vô cảm mà mình đã từng chứng kiến, nhưng nhà thơ - nhà báo Hồng Thanh Quang vẫn lạc quan vì xã hội còn rất nhiều câu chuyện đầy tình người, trong đó có câu chuyện về chính bản thân anh.
Tôi đã từng là nạn nhân của tai nạn giao thông. Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm trong bệnh viện, nhưng tôi không biết người đó là ai.
Tôi muốn qua chương trình cám ơn người đã đưa tôi vào bệnh viện 10 năm trước đây. Thời điểm đó, người nào đó có thể lấy tiền lấy mọi tài sản của tôi, nhưng họ đã không làm thế, họ đã đưa tôi vào bệnh viện.
Hiện nay tôi vẫn còn 3 vết sẹo trên mặt, vẫn nhắc tôi nhớ về tình người với tình người.
Bạn Lê Văn Hùng (Hoằng Hóa, Thanh Hóa): Cô Thanh Hoa đã bao giờ có hành động vô cảm trong cuộc đời và sự nghiệp của mình? Hành động đó có khiến cô cảm thấy day dứt không?
NSND Thanh Hoa: Câu hỏi rất thú vị. 60 tuổi mà không có một lần cư xử vô cảm thì không phải, nhất là cuộc đời nghệ sĩ. Đã có lần Thanh Hoa bảo dàn nhạc là phải dừng ngay ở đây, không thể hát nữa, khi mà ở dưới các khán giả lộn xộn, mất trật tự. Trong khi ca sĩ đang trào dâng đam mê ca hát thì không nhận được sự tôn trọng, nên tôi không thể hát được nữa. Đã nhiều lần tôi tự bảo mình phải hạ thấp tính nhạy cảm, không quá nóng nảy.
Bạn Trần Thị Hải (Ba Đình – Hà Nội): Chị nghĩ sao về cảnh một người bị tai nạn nằm giữa đường nhiều người đi qua cũng mặc kệ, họ không vào cứu nạn nhân hay đưa nạn nhân đi bệnh viện mà chỉ đứng từ xa hỏi chuyện những người xung quanh và nhìn vào, thậm chí có người cố len lỏi vào để nhìn cái biển số xe để xin số đánh đề?
Hoa hậu Dương Thùy Linh: Có rất nhiều gia đình dặn con cái mình là đi ra đường nếu nhìn thấy tai nạn thì nên tránh đi, thứ nhất là để con không nhìn thấy hình ảnh đó, thứ hai là để tránh sự liên đới vì phải đưa người bị nạn đến bệnh viện, phải trả tiền viện phí mà không phải ai cũng có khả năng để làm việc này, hơn nữa họ sợ bị vạ lây và các trách nhiệm phiền phức khác.
Với tư duy và cách cách giáo dục như thế nên có những người nghĩ rằng một người gặp tai nạn là chuyện bình thường, thế giới này mất đi một người cũng không ảnh hưởng gì.
Em hay cho con đi sinh nhật, trong đó hay có tiết mục các cháu bé được xem xiếc thú, con em rất thích xem, nhưng thấy ảnh con khỉ đi xe đạp ngã xe bị đánh mọi người lại cười, em không dám cho con em xem bởi cảm giác rất dã man. Em tự hỏi cùng sinh ra trên trái đất sao có những loại sinh vật lại bị đối xử tàn ác thế, tại sao lại phải mua vui cho một sinh vật khác.
Trước mặt trẻ con hành động đó không nên được thể hiện vì trẻ con cần nhìn thấy những tình cảm yêu thương. Em không đồng tình với tư duy "yêu cho roi cho vọt".
Đại diện cho thế hệ trẻ, Hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh cũng chia sẻ rất hăng say về quan điểm, thái độ của các bạn trẻ hiện nay
Nhà báo Hà Sơn đến từ Báo điện tử Vietnamnet hỏi: Là một đồng nghiệp, một người hâm mộ, là người yêu những bài thơ của anh, em rất hay vào trang cá nhân của anh để đọc những bài thơ anh viết. Và em cũng thấy có rất nhiều người đã like những bài thơ của anh. Em xin hỏi anh đã và sẽ viết một bài thơ nào về sự vô cảm trong xã hội?
“Đau nhất là khi em đau mà ta chẳng biết giúp nhau thế nào
Buồn nhất là lúc em gào là lúc anh vẫn phải lặng chào mà đi”
Bạn Trần Chiến Hùng (Học viện báo chí Hà Nội): Có người đổ lỗi rằng sự vô cảm, thờ ơ của con người thời @ là do ảnh hưởng của lối sống phương Tây vào Việt Nam? Ý kiến của anh về vấn đề này thế nào?
Nhà báo - nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tôi đã nghĩ rất nhiều, tôi trân trọng nền văn minh phương Tây nhưng tôi không nghĩ đó là con đường đúng nếu những bạn trẻ Việt Nam lựa chọn lối sống kiểu phương Tây. Chúng ta đang phát triển theo cơ chế thị trường, ai cũng muốn leo lên đỉnh nên không tránh khỏi việc đạp đổ nhau. Ngày xưa chúng ta sống tương thân tương ái, nhưng bây giờ người ta đang sống để thành công. Ngày xưa chỉ vì một bài thơ, một câu nói, một ánh mắt nhìn... người ta đã có thể hóa giải nhiều thứ và tha thứ cho nhau, nhưng hiện nay, mọi thứ đều không có giá trị bằng phong bì.
Bạn Hoàng Minh Thành (Đắc Nông): Theo cô Thanh Hoa, sự vô cảm ảnh hưởng thế nào với cuộc sống hiện tại?
NSND Thanh Hoa: Nó làm cho con người trở nên khô khan, ích kỷ. Nếu không định hướng lại chúng ta sẽ trở nên khô khan, xa cách, đánh mất những gì tinh tuý, cao đẹp nhất của con người. Chúng ta đang đi tìm nguyên nhân. Giới trẻ hiện nay chịu ảnh hưởng rất lớn từ phương tiện truyền thông, trong khi bố mẹ lại quá bận bịu với chuyện cơm áo gạo tiền. Và người ta nghĩ rằng, không có cơm gạo thì không thể sống, không có âm nhạc, thơ ca có thể không sao. Và đôi khi nền văn hoá của con cái trông cậy vào người giúp việc. Nếu suy nghĩ như thế thì còn đâu là cội nguồn văn hoá, bản sắc dân tộc. Ít nhất chúng ta phải có niềm tự hào là người Việt Nam, hiểu biết văn hoá Việt Nam thì mới hiểu và ứng xử theo văn hoá, tôn ti trật tự của xã hội Việt Nam.
Chúng ta đang dần mất đi cái gốc thân thiện, mất đi gốc tâm hồn, mất đi sự nhạy cảm đẹp đẽ về thiên nhiên, về con người. Rất hiếm bạn trẻ còn có thể nâng niu, ngắm nghía một bông hoa đẹp với những giọt sương long lanh. Đã đến lúc chúng ta phải quay lại gốc rễ, nếu không chúng ta sẽ bị sa đà. Trách nhiệm của báo chí rất lớn khi các bạn phản ánh quá nhiều điều tiêu cực. Để đi tìm gốc rễ nguyên nhân thì tôi cho rằng tất cả chúng ta đều có trách nhiệm. Tôi cũng thấy mình có lỗi khi nhìn các ca sĩ hát vô cảm mà không làm gì.
Được biết, thời gian vừa qua, chị là một trong những nghệ sỹ rất nhiệt tình tham gia chương trình Mang âm nhạc đến bệnh viện, một chương trình thiện nguyện có sự đồng hành của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam. Chị có thể vài kỷ niệm xúc động khi đứng hát trực tiếp cho các bệnh nhân nghe trong những buổi biểu diễn đó được không ạ?
NSND Thanh Hoa: Tôi rất ngỡ ngàng khi nhận được cú điện thoại "U ơi, u đến bệnh viện hát đi" từ BTC chương trình. Nhưng tôi bất ngờ và xúc động khi tham gia hát tại các bệnh viện. Mặc dù đã rất khó có thể rơi nước mắt từ bao năm nay, nhưng tôi vẫn không thể cầm lòng được khi cất tiếng hát trước những bệnh nhân giữa ranh giới sống, chết, rất cần sự chia sẻ của chúng ta. Tôi đã chứng kiến rất nhiều điều tại những bệnh viện, làm tôi thấy rằng đây là một chương trình tuyệt vời, tràn đầy tính nhân văn. Tôi rất mong nhiều ca sĩ cùng tham gia chương trình này và chương trình sẽ tiếp tục được nhân rộng hơn.
Bên cạnh đó, qua Thuỳ Linh tôi hiểu rằng vẫn còn rất nhiều các bạn trẻ có tâm hồn đẹp, không vô cảm với xã hội. Mọi thứ sẽ qua đi, điều còn lại là tình người. Tất cả mọi người rồi sẽ gặp nhau ở chữ tình. Những điều xấu trong xã hội sẽ được loại bỏ dần, những điều cao đẹp sẽ được đề cao.
Rất đông nhà báo cũng tham gia đặt câu hỏi để giao lưu với các khách mời
của chương trình
Bạn Cát Trần Linh (Hải Hậu, Nam Định): Theo cô, phải làm gì để cứu chữa tình trạng vô cảm hiện nay?
NSND Thanh Hoa: Ở thời nào cũng vậy, những người yêu lao động luôn thiếu thời gian. Nhưng chúng ta bớt một chút thời gian, chỉ 5, 10 phút trong ngày để bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như yêu thương con cái, yêu thương bố mẹ, chia sẻ với những người xung quanh. Chúng ta chưa cần nghĩ đến những điều quá to tát để khắc phục tình trạng vô cảm. Chúng ta hãy bắt đầu từ những việc nhỏ như tôn trọng luật giao thông, có ý thức khi đi đường. Không cần đao to búa lớn, nghị quyết, hô hào nhiều mà hãy bắt đầu từ chính mình, trong gia đình mình.
Bạn Lê Thị Hải Triều (Bìa rịa Vũng Tàu): Một xã hội vô cảm là xã hội chết. Một cuộc sống vô vị và tẻ nhạt của một cỗ máy vô tri, chắc hẳn chẳng ai muốn như vậy. Tuy nhiên, tại Việt Nam, xã hội càng phát triển, tình thương của con người lại càng trở nên lạnh lẽo hơn. Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để chống lại căn bệnh vô cảm này?
Nhà báo - nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tôi lại không hẳn đồng nhất với bạn, bởi xã hội chúng ta có hiện tượng vô cảm nhưng không lạnh lẽo, tôi vẫn tin rằng chúng ta vẫn đang sống theo đúng lương tâm của mình.
Lòng tốt như không khí, khi làm tốt không ai nói, nhưng khi ai đó làm gì xấu thì mọi người lại nói ra. Mọi người hãy làm tốt phận sự của mình, mỗi người làm tốt thì xã hội sẽ ấm áp.
Chúng ta cứ làm tốt cho mình, từng ng tốt xã hội sẽ tốt. Xã hội chúng ta sẽ phải phát triển, khi điều kiện kinh tế khá hơn thì lòng tốt sẽ có cơ hội phát lộ.
Chúng ta vẫn nhạy cảm theo cách của riêng chúng ta không giống bất cứ một nước nào trên thế giới, nhưng nó vẫn mang tính phổ quát để thấy rằng vô cảm chỉ là hiện tượng chứ không phải là bản chất của xã hội chúng ta.
Ý kiến bạn đọc