“Về” Hà Nội, đàn ông Hà Tây bớt “nam tính”?

08:32, 31/12/2012
|

(VnMedia) – Trước đây, rất nhiều đàn ông ở Phú Xuyên (Hà Tây cũ) quan niệm rằng khi uy quyền của họ bị thách thức bởi người vợ, họ có thể sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, từ khi sát nhập về Hà Nội, đã có dấu hiệu của sự thay đổi…


Nam tính không phải sự thô bạo
 

Theo một nghiên cứu của Quỹ dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam tại huyện Phú Xuyên (trước đây thuộc địa phận Hà Tây, nay đã sát nhập vào Hà Nôi), đàn ông ở đây vốn quan niệm, con trai là phải ăn to nói lớn, phải là trụ cột và là người ra quyết định chính trong nhà. Theo một nghiên cứu của tổ chức Quỹ dân số Liên hiệp quốc, phần lớn các đối tượng được hỏi cho rằng, người chồng có vị trí cao hơn người vợ và là người đứng đầu gia đình.

 

“Quyền quyết định lúc nào cũng phải là của người chồng, trước đây, hiện nay và sau này cũng vậy” - một người đàn ông tên Địch trong nghiên cứu cho biết. Trong khi đó, nhiều đàn ông cho rằng, dạy vợ là quyền của đàn ông. Họ cũng đề cập đến đòn roi như một biện pháp “dạy” hay “ngăn cấm” vợ cãi lại chồng.

 

Theo một số người đàn ông ở Phú Xuyên, sức vóc là tố chất lý tưởng của nam giới. Đi kèm với đó, họ cho rằng nam giới “nam tính” có xu hướng thích bạo lực, nóng nảy trong khi những đức tính như lịch sự, có học thường không được nhắc đến nhiều. Họ cho rằng, đàn ông phải cao to, khoẻ mạnh vì như vậy mới đủ sức “chiến đấu”, được nể sợ.

 

Nhiều người tham gia trả lời trong nghiên cứu của Quỹ dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam cho rằng, nam giới nhìn chung rất nóng nảy, nên nếu vợ “hỗn” thì chồng đánh vợ là bình thường, thậm chí chấp nhận được. Họ cũng cho rằng, phụ nữ phải tránh lúc chồng “nóng tính” và phải biết “nhịn” khi chồng đang nóng…


 Ảnh minh họa

Nhiều người đàn ông cần phải thể hiện sự “nam tính” của mình để khỏi bị chê cười

 

Những quan niệm về nam tính kể trên có thể dẫn đến những hành động khiến cho phân biệt đối xử với phụ nữ càng nặng nề hơn, dễ dẫn đến bạo lực gia đình hơn và phụ nữ là những người thiệt thòi nhất. Tuy nhiên, nó cũng gây sức ép đối với chính những đàn ông, bởi họ cần phải thể hiện sự “nam tính” của mình để khỏi bị chê cười, thậm chí bị bạn bè coi thường.

 

Một điều khá thú vị mà Nghiên cứu phát hiện được, đó là, đã bắt đầu có sự thay đổi trong quan niệm về nam tính. Anh Nguyễn Văn Dũng chia sẻ, ngày nay nam giới có xu hướng ôn hoà, ít dùng vũ lực hơn và những điềm này không còn được coi là đàn ông kém cỏi hay yếu đuối nữa. Điều đó cũng có  nghĩa là quan niệm về nam tính đã có chiều hướng thay đổi.

Theo anh Dũng, có một số lý do dẫn tới những thay đổi này, trong đó có việc sáp nhập làng mình vào địa phận Hà Nội mới đây, từ đó khiến mọi người, nhất là nam giới, muốn thể hiện mình là “người Hà Nội” hơn, nghĩa là lịch sự, có văn hoá hơn.

 

Anh Dũng cho rằng, phong trào “Gia đình văn hoá” đặc biệt có tác động đến hành vi của mọi người trong gia đình, vì sẽ bị phê bình trước cộng đồng là Gia đình văn hoá mà trong nhà vẫn còn lục đục. Trước đây, Dũng bị coi là một người nóng nảy, vũ phu bởi anh là người khá thô bạo với vợ và sẵn sàng đánh nhau với bất cứ ai nói anh “sợ vợ”. Nhưng giờ đây, anh không còn đánh vợ nữa, mà còn can thiệp khi gặp những vụ bạo lực gia đình. Nếu có ai nói anh “sợ vợ” thì anh chỉ cười trừ mà thôi.

 

Chấm dứt bạo hành: Bắt đầu từ quan niệm

 

Theo nghiên cứu của Quỹ dân số Liên hiệp quốc, các đối tượng nghiên cứu có thừa nhận sử dụng vũ lực đối với vợ đã đưa ra lý do này hay lý do khác để biện hộ cho hành vi của mình. Điều đó chứng tỏ họ đã nhận ra bạo lực là không tốt, hay ít nhất cũng biết rằng xã hội lên án những hành vi bạo lực đó.

 

Tuy nhiên, những quan niệm sai lầm về “nam tính” đã khiến nhiều người đàn ông sẵn sàng gây ra bạo lực gia đình.

 

Những ví dụ nhỏ trên đây phần nào chứng minh rằng, quan niệm của nam giới về nam tính và bạo lực gia đình tác động rất lớn đến hiệu quả phòng chống bạo lực gia đình. Vì vậy, cần xây dựng những chương trình dạy và học giáo dục cho thanh thiếu niên nam, nữ về các mối quan hệ phi bạo lực, lành mạnh và bình đẳng giới. Đặc biệt, cần đả phá những quan niệm cho rằng nam giới phải có quyền hành với vợ.


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc