Quảng Nam không biết chọn mô hình tái định cư thủy điện nào

21:32, 31/12/2012
|

(VnMedia)- Hiện hầu hết các dự án tái định cư (TĐC) thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang tác động khá lớn tới đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi cao. Việc giao tiền đền bù để người dân tự làm nhà ở theo nhu cầu sử dụng hay xây dựng các khu TĐC tập trung cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới người dân.

Từ thị trấn Thạnh Mỹ, phải mất gần 3 tiếng đồng hồ theo đường núi quanh co, chúng tôi mới tới thôn 2 mới, xã Tà Pơ, huyện Nam Giang. Khác với những bản làng thường thấy của đồng bào dân tộc thiểu số nằm sâu trong rừng, thôn 2 mới hiện ra với những ngôi nhà gỗ được xây dựng hết sức khang trang, bề thế. Mùi gỗ mới, mùi sơn và tiếng đục đẽo, cưa gỗ vang vọng cả một góc rừng.

Nhìn những ngôi nhà khang trang như thế, không ai nghĩ nó được xây dựng ở tận trong rừng sâu. Hơn 1 năm qua, thôn này được biết đến là thôn tỷ phú, bởi hàng chục hộ dân được nhận tiền đền bù từ dự án thủy điện Sông Bung 4. Theo quy định, hộ dưới 5 nhân khẩu sẽ được hỗ trợ 141 triệu đồng tiền làm nhà, hộ có từ 5 - 7 nhân khẩu sẽ được hỗ trợ 161 triệu đồng và hộ có 8 nhân khẩu trở lên sẽ được chia tách làm 2 hộ, được hưởng hỗ trợ theo khung quy định. Mỗi hộ được phép khai thác 10m3 gỗ tận thu để làm nhà. Ngoài ra còn tiền đền bù đất vườn, hoa màu,… của người dân. Tổng số tiền đền bù có hộ nhận được lên tới hàng tỷ đồng. Thay vì tiết kiệm tiền hỗ trợ đền bù để đầu tư làm ăn thì hầu hết người dân nơi đây lại bỏ tiền vào xây dựng nhà cửa lớn, gây nên tình trạng lãng phí rất lớn.

Như trường hợp của chị A Lăng Thị Sen. Mặc dù hiện tại gia đình chị chỉ có 2 người, chị và một cô con gái đang học THPT ở dưới thị trấn Thạnh Mỹ, thế nhưng chị vẫn bỏ gần hết số tiền đền bù ra để xây dựng lên ngôi nhà gỗ khá đồ sộ với đầy đủ tiện nghi. Khi được hỏi tại sao lại xây nhà lớn như vậy, chị cười nói “không biết, người ta xây cho mình thế nào thì mình ở; hết bao nhiêu thì mình trả tiền thôi”.

Gia đình ông Hốih Điêng cũng trong trường hợp tương tự. Mặc dù mới ở khu tái định cư mới chưa đầy 1 năm, nhưng bản thân ông cũng không nhớ mình nhận được bao nhiêu tiền đền bù, xây nhà hết bao nhiêu. Chỉ biết, hiện tại gia đình ông đang sống trong một căn nhà gỗ rộng lớn và khá bề thế.

Theo quy định, mỗi nhà chỉ được phép khai thác 10 m3, nhưng có nhà làm đến gần 50 m3, gây nên sự lãng phí và dẫn đến tình trạng xâm hại rừng. Và c ó một thực tế là từ khi có tiền đền bù, các con buôn biết người dân có tiền nên tới đây dụ dỗ, lợi dụng sự thật thà mua sắm lãng phí để kiếm lời.

Theo ông Tơ Ngôl Kía, Chủ tịch UBND xã Tà Pơ, khi người dân nhận tiền đền bù hỗ trợ, địa phương đã tuyên truyền, tư vấn các phương thức thực hiện tiết kiệm, chi tiêu hợp lý. Do địa bàn cách trở, cộng với nếp suy nghĩ mạnh ai nấy làm nên địa phương không thể quản lý và cũng không thể can thiệp vào túi tiền của dân. Nhưng với cái đà này, không khéo đời sống của bà con rồi sẽ lại rơi vào khó khăn, túng thiếu.

Không chỉ 54 hộ dân TĐC ở thôn 2 mới, xã Tà Pơ, gần 200 hộ ở 3 điểm tại thôn Pà Rum A, Pà Rum B và Pà Đhí, xã Zuôih thuộc TĐC dự án thủy điện Sông Bung 4 cũng đang xảy ra tình trạng như trên.

Lựa chọn mô hình TĐC thuỷ điện

Ra đời mới hơn 1 năm, dự án thủy điện Sông Bung 4 đã được UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo, rút kinh nghiệm từ một số bất cập trong việc xây dựng TĐC ở một số thủy điện khác như: A Vương, Sông Tranh 2, Đăk mi 4,... Đây cũng là công trình thủy điện đầu tiên mà Ngân hàng phát triển Châu Á ADB cho Chính phủ Việt Nam vay vốn để đầu tư. Trong quá trình thực hiện, ngoài việc có sự phối hợp giám sát giữa địa phương và Ban Quản lý dự án thủy điện 3 - đơn vị chủ đầu tư, còn có thêm bộ phận giám sát là ngân hàng ADB, nhất là tại các khâu đền bù TĐC và thực hiện hỗ trợ an sinh xã hội.

Theo ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, có một điểm mấu chốt mà việc xây dựng TĐC Sông Bung 4 khá phù hợp với lòng dân, với chính sách chung của địa phương. Đó là chủ đầu tư không trực tiếp làm thay nhà ở cho người dân, mà chủ đầu tư chỉ hỗ trợ tiền đền bù, làm cơ sở hạ tầng và các hạng mục công trình công cộng; còn nhà ở là do người dân tự làm theo nhu cầu sử dụng của họ. Điều này tránh được tình trạng bỏ hoang nhà TĐC như một số dự án TĐC thuỷ điện trên địa bàn. Chính vì thế, khu TĐC tại thôn 2 mới, xã Tà Pơ hiện nay có thể nói là mô hình TĐC tương đối chuẩn, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân, chứ không mang tính chất gò bó, ép buộc.

Tuy nhiên, ông A Lăng Mai cũng thừa nhận, việc giao cho người dân tự quyết định về nhà ở hiện nay đang vướng ở cơ chế khai thác nguyên liệu gỗ. Các điểm TĐC khác của thuỷ điện Sông Bung 4 cũng gặp vấn đề tương tự. Bởi hiện chưa có chủ trương chính sách cụ thể để người dân được tận thu khai thác gỗ trong khu vực rừng sản xuất, phòng hộ nơi họ sinh sống, phục vụ vấn đề TĐC. Song để người dân sớm ổn định cuộc sống và chủ đầu tư đảm bảo kịp tiến độ dự án, người dân vẫn khai thác gỗ để xây dựng nhà.

Cũng theo ông A Lăng Mai, vấn đề lo ngại nhất của huyện hiện nay không phải là việc người dân phá rừng làm nhà hay quản lý chi tiêu, mà là vấn đề ổn định đất sản xuất lâu dài. Bởi vấn đề này liên quan đến đảm bảo lương thực tại chỗ, và quyết định đến an cư lập nghiệp lâu dài cho người dân. Trong quy hoạch của chủ đầu tư được tỉnh Quảng Nam phê duyệt thì bình quân mỗi hộ được cấp đất sản xuất từ 1,5-1,8ha; đất ở là 1.000m2/hộ. Trong đó, nhà ở 400m2 và đất vườn là 600m2. Tuy nhiên, qua thực tế di dời TĐC, với diện tích như vậy về lâu dài không thể đảm đương được, nhất là khi tách hộ, tăng dân số, giãn dân,… Bởi tập quán canh tác của người dân là làm 2-3 năm chỗ này, sau đó làm canh tác ở chỗ khác thì việc vào rừng già phát rẫy mới, xâm hại đến rừng là điều khó tránh khỏi.

*Bài học quy hoạch TĐC thủy điện

Quảng Nam là một trong những địa phương có số lượng các dự án thuỷ điện được xây dựng nhiều nhất của cả nước. Đã có 9 khu TĐC được bố trí xây dựng thuộc 4 dự án thuỷ điện: Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4 và Đắc Mi 4. Qua thực tế, khi để chủ đầu tư trực tiếp xây dựng các khu TĐC tập trung, chủ đầu tư thường bỏ qua các yếu tố văn hoá, tập quán sản xuất của đồng bào nên đã nảy sinh nhiều hệ luỵ, dẫn đến tình trạng người dân bỏ nhà TĐC như trường hợp ở các khu TĐC thuỷ điện Sông Tranh 2; không có đất sản xuất, thiếu đói triền miên, dẫn đến phá rừng phòng hộ hay phải bỏ luôn thôn TĐC để xây dựng mới như các điểm TĐC thuộc thuỷ điện A Vương.

“Nếu cho chúng tôi làm lại, chúng tôi sẽ có cách làm khác. Để thực hiện được TĐC ổn định, phải hiểu được tập quán của người dân ở đó, người dân sống như thế nào, cách sống ra sao để đầu tư, hỗ trợ cho đúng. Chứ chúng ta không vì nguồn lực đầu tư dự án, mà dẫn đến tình trạng đầu tư xong rồi bỏ đó. Việc tập trung người dân tại một điểm hoàn toàn không phù hợp với cách sống và điều kiện canh tác của người dân. Trong khi đó, nhà đầu tư cũng không thực hiện đúng cam kết như ban đầu” - ông Lê Văn Luyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, địa phương đang “sống dở, chết dở” với 2 khu TĐC Cutchrun và Pachepalanh thuộc dự án thủy điện A Vương chia sẻ.

Ông Briu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, đơn vị phải thực hiện TĐC lần hai cho 2 thôn Alua và Kala cũng thuộc dự án thủy điện A Vương cho rằng, thất bại của các dự án TĐC thuỷ điện hiện nay, cái gốc là xây dựng sai cấu trúc văn hoá làng. Bên cạnh đó, là bất cập trong quy hoạch đất sản xuất, nước sinh hoạt…

Còn tại thủy điện Sông Tranh 2, hơn 40 hộ dân ở các xã Trà Đốc, Trà Bui, huyện Bắc Trà My đã bỏ nhà TĐC để trở về nơi cũ sống với nhiều khó khăn chồng chất, bởi thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt và nhà TĐC không phù hợp với phong tục tập quán của họ. Ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Phó Chủ tịch Hội đồng đền bù, hỗ trợ và tái định cư công trình thuỷ điện Sông Tranh 2 cũng cho rằng, nếu có một dự án tái định cư thủy điện khác trên địa bàn, địa phương sẽ đề nghị cấp tiền đền bù cho người dân để người dân lựa chọn mô hình nhà ở phù hợp với phong tục, tập quán và sẽ có sự giám sát chặt chẽ của địa phương cũng như chủ đầu tư trong vấn đề này.

Việc giao tiền đền bù để người dân làm nhà theo nhu cầu như dự án thuỷ điện Sông Bung 4 phần nào đã giải quyết được một số bất cập đã xảy ra ở thủy điện A Vương, Sông Tranh 2, song lại tiềm ẩn nguy cơ gây lãng phí tiền đền bù của người dân như trường hợp của thôn 2 mới, xã Tà Pơ, Nam Giang. Trong thời gian tới, sẽ còn một số dự án thuỷ điện khác trên địa bàn ảnh hưởng trực tiếp đến chỗ ở, nơi sản xuất của người dân. Dù lựa chọn mô hình TĐC như thế nào thì chính quyền địa phương và chủ đầu tư cũng cần dựa vào nhu cầu thực tế của người dân để thực hiện, xây dựng các chương trình mục tiêu đảm bảo cho người dân TĐC lâu dài, ổn định đời sống./.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc