Ngành khí tượng thuỷ văn bị “nghĩ oan”

14:15, 13/12/2012
|

(VnMedia) - Công tác dự báo bão đã rất kịp thời, tuy nhiên, do việc theo dõi và áp dụng các bản tin dự báo không kịp thời, cập nhật nên đã dẫn đến hiểu sai, “nghĩ oan” cho ngành Khí tượng - Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Trung ương Bùi Minh Tăng giãi bày…

 

Theo ông Tăng, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đầu tư có hạn, tình hình thời tiết thủy văn diễn biến phức tạp, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cũng như các đài Khí tượng Thủy văn khu vực và Trung tâm tỉnh đã theo dõi chặt chẽ, dự báo kịp thời và tương đối chính xác các hiện tượng khí tượng thủy văn thông thường cũng như các hiện tượng nguy hiểm.

 

Ngành cũng đã dự báo, cảnh báo chính xác trước 1-3 ngày các đợt không khí lạnh, rét đậm, nắng nóng, mưa lớn diện rộng, lũ trên các sông suối và hiện đang tiếp tục thử nghiệm cảnh báo mưa dông, ngập úng tức thời cho Thủ đô Hà Nội, sau đó sẽ đúc rút kinh nghiệm để cảnh báo cho các thành phố khác trong những năm tới.

 

Hiện nay, Trung tâm đang tiếp tục thử nghiệm cảnh báo mưa dông và ngập úng tức thời cho Thủ đô Hà Nội, đúc rút kinh nghiệm để mở rộng cảnh báo cho các thành phố khác trong những năm tới.

 

Mùa mưa bão này, Trung tâm cũng đã theo dõi sát 9 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông từ khi còn ngoài khơi Thái Bình Dương hoặc từ khi còn là vùng áp thấp và dự báo, phục vụ phòng chống 5 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới đổ bộ và ảnh hưởng đến đất liền nước ta, đạt yêu cầu góp phần hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra. Đặc biệt là các cơn bão số 1 đổ bộ vào Nam Bộ và Nam Trung Bộ tháng 4, bão số 8 đổ bộ vào các tỉnh ven biển Bắc Bộ cuối tháng 10. Đây là những cơn bão hoạt động trái quy luật, có cường độ mạnh.

 

Ngành Khí tượng thuỷ văn bị “nghi oan”

 

Nói về việc cơn bão số 8 vừa qua gây thiệt hại nặng nề và có những thông tin cho rằng công tác dự báo “không chuẩn”, ông Tăng lý giải: Ngay khi cơn bão số 8 xuất hiện ngoài Biển Đông, Trung tâm đã có cảnh báo (từ ngày 24/10). Khi bão ngoài xa 6 tiếng cảnh báo một lần, gần thì 3 tiếng một lần.

 

“Độ chính xác trong dự báo bão số 8 của chúng tôi không thua kém bất cứ nước nào. Chúng tôi cũng đã tham khảo tất cả những dự báo trong khu vực, đã so sánh quỹ đạo đường đi của cơn bão trong từng ngày và cho thấy độ chính xác tốt” - ông Tăng chia sẻ.


 Ảnh minh họa

 Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Bùi Minh Tăng: Họ đã nghĩ oan cho ngành Khí tượng thủy văn...

 

“Sau đó, chúng tôi đã họp rút kinh nghiệm, từng địa phương báo cáo xem đã thực hiện như thế nào. Nổi cộm lên là tỉnh Nam Định, nơi có thiệt hại nhiều nhất, đặc biệt là có tháp truyền hình bị đổ. Địa phương có phê bình chúng tôi dự báo không chính xác, nhưng chúng tôi đã báo cáo Phó Thủ tướng rằng, nếu các địa phương theo dõi sát, đều các bản tin dự báo trước 24 giờ thì đều sẽ thấy không sai. Tuy nhiên, dù có dự báo đúng và trước đến 36 giờ, tháp truyền hình đó có đổ không?…” - ông Tăng đặt câu hỏi.

 

“Nhưng do người dân và lãnh đạo chính quyền địa phương không theo dõi sát những bản tin mới nhất nên đã có những phát ngôn oan cho ngành khí tượng thủy văn. Thực tế, chúng tôi đã làm việc rất tận tuỵ. Bản thân tôi mỗi khi có bão là cả đêm không ngủ” - ông Tăng chia sẻ.

 

Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cũng tâm sự: Mất mát về người bao giờ cũng mất mát rất lớn, tuy nhiên, ngành đã rất cố gắng. Cơn bão số 8, ở Phillipines mới cấp 8 đã làm chết 30 người, vào đến Việt Nam , cấp 12 nhưng mất mát cũng đã được hạn chế. “Toàn bộ hệ thống chúng tôi đã rất cố gắng để hạn chế thiệt hại” - ông Tăng nhấn mạnh.

 

“Khi có thiệt hại thì dân và địa phương xót xa là không tránh khỏi, nhưng chúng ta chỉ giảm nhẹ chứ không tránh được. Thiệt hại do cơn bão số 8 là rất lớn vì nó rất mạnh so với các trận bão khác trong vài chục năm nay, lại xuất hiện khi đã có không khí lạnh nên khiến những người có kinh nghiệm chủ quan” - ông Tăng phân tích.

 Ảnh minh họa

Bão số 8 gây thiệt hại nặng nề do chủ quan

 

Cần theo dõi thông tin dự báo 24 giờ

 

Chia sẻ về độ chính xác của thông tin dự báo, ông Tăng cho biết, xác định vị trí chính xác là rất khó nếu bão còn ở trên biển. Việt Nam không có mạng lưới quan trắc ở trên biển để xác định tâm, vị trí thực tế cơn bão, vì vậy phải dựa vào ảnh vệ tinh. Tuy nhiên, ảnh vệ tinh lại phản ánh tầng trên của khí quyển chứ không phải là ở mặt biển. Ngoài ra, tâm bão không phải là tâm trục thẳng đứng mà nó “uốn éo”, dẫn đến khi đánh giá chỉ mang tính tương đối.

 

Ông Tăng cũng cho biết: “Khi bão vào gần bờ hoặc đã đổ bộ, chúng ta có hệ thống quan trắc gió ở trên bờ và ra đa có thể vươn tới dưới 200km. Tuy nhiên, nếu khoảng cách trên 200km thì ra đa cũng không quét được”.

 

Một vấn đề đáng lưu ý, đó là độ tin cậy sai số dự báo trên 24 giờ phổ biến ở 120-130km, nhưng có những cơn bão hướng di chuyển ổn định thì sai số sẽ nhỏ hơn. Sai số lớn có thể lên tới 180km khi bão có những thay đổi hướng. Trong khi đó, sai số đối với dự báo 48 giờ phổ biến trung bình khoảng 200-250km; 72 giờ hoặc 96 giờ thì sai số rất lớn trên 300km và đó chỉ là những dự báo mang tính chất tham khảo.

 

“Chúng tôi kiến nghị, với sai số như vậy thì chỉ nên tin tưởng dự báo 24 giờ, còn dự bão 48 giờ, 72 giờ chỉ có tính chất tham khảo cảnh báo. Vì thế, người dân cần phải quan tâm đến bản tin gần nhất, chứ nghe thấy dự báo sau 2 đến 3 ngày bão vào Bắc Bộ nhưng sau đó nó lại vào Trung Bộ, lại bảo là dự báo sai” - ông Tăng nhấn mạnh.

 

Ngoài ra, công tác phòng chống bão còn phụ thuộc rất nhiều vào dự báo của các đài địa phương, bởi đây mới là những bản tin chi tiết. Các đài này được trang bị cơ sở vật chất như nhau, nhưng khác nhau ở con người, kinh nghiệm, tinh thần của cán bộ, nhân viên…


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc