Chuyện đau lòng đã xảy ra tại một trường tiểu học ở TP.HCM: cô giáo nghi ngờ một học sinh lớp 2 lấy của mình hơn 1 triệu đồng. Nhà trường đã mời công an xã đến trường hỏi cung và sau đó đưa em học sinh này về trụ sở.
Câu chuyện giáo dục
Đến chiều em học sinh này mới được thả sau khi cô giáo phát hiện tiền vẫn còn trong giỏ của mình!
Theo lời bà Ngô Thị Mai - hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Lập Thượng, Củ Chi, TP.HCM, sự việc có thể tóm tắt như sau: Sau giờ sinh hoạt dưới cờ vào buổi sáng 26-11, cô Th. - giáo viên khối lớp 2 Trường tiểu học Trung Lập Thượng - phát hiện số tiền hơn 1 triệu đồng đã không còn trong giỏ của mình. Một học sinh trong lớp mách: “Hồi nãy con thấy bạn T. (học sinh lớp 2/3) lục giỏ của cô”. Thế là cô Th. chạy sang lớp 2/3. Mới đầu cô Th. và giáo viên chủ nhiệm lớp 2/3 tra hỏi nhưng T. không nhận.
“Chỉ để dọa” (?)
Tiếp theo, cô Th. đã dẫn học sinh này xuống sảnh (phía trước văn phòng trường, đối diện với cổng chính của trường), tại đây có thêm thầy tổng phụ trách Đội và một giáo viên khác xúm lại cùng hỏi T. về việc lấy tiền. Lúc này cô bé gật đầu xác nhận và khai giấu ở nhà vệ sinh trên lầu 2. Nhóm giáo viên cùng bé T. lên lầu 2: không thấy gì cả. Lại tra hỏi. Bé T. nói giấu ở đám cỏ sau hè. Tìm nát đám cỏ vẫn không thấy gì.Bà Mai kể: “Bữa đó tôi hỏi “con có lấy không, có thì trả cô đi con”. Mọi người kiếm đổ mồ hôi hột mà không thấy.
Lúc đó, có giáo viên lên báo với tôi cách đó khoảng một tuần, T. quá giang xe của bà bán vé số và móc của bà ấy 1,2 triệu đồng, sự vụ này công an có vào cuộc và sau đó tiền đã trả lại cho người bị mất. Tôi nghĩ sự việc này lớn quá rồi, tưởng 5.000, 10.000 đồng thì rầy thôi chứ đây là sự việc lớn, để như vậy đâu có được. Thế nên khi thầy Đ. - tổng phụ trách Đội kiêm công tác tư vấn học đường - đề nghị báo công an, tôi “ừ” và nghĩ “ừ” là để dọa học sinh mà thôi” - bà Mai cho biết.
Người giám hộ ở đâu?
Cô Th.: “Tôi đã đến nhà xin lỗi phụ huynh”
Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Chị nghĩ như thế nào về những chuyện đã xảy ra?”. Cô Th. suy nghĩ một hồi lâu rồi ngập ngừng: “Thì rút kinh nghiệm thôi, tôi cũng không muốn sự việc xảy ra như vậy, chỉ là sơ suất, giỏ xách này hồi nào giờ tôi không xài nên không biết ngăn này thông qua ngăn bên kia. Tôi đã đến nhà xin lỗi phụ huynh (ngày xin lỗi là ngày 3-12, tức sau khi sự việc xảy ra một tuần - PV). Phụ huynh cũng nói ở trường thì nhờ trường giáo dục, ở nhà thì phụ huynh sẽ giáo dục thêm. Nói chung, phụ huynh cũng không làm khó gì mình”.
|
Khi hai công an xã Trung Lập Thượng đến trường và tiến hành hỏi cung, T. khai gửi tiền cho một người bạn đang học lớp 4. Nhóm người này kéo lên phòng học của lớp 4 nhưng không có học sinh nào nhận đã cầm tiền của T.. T. lại khai để ở nhà vệ sinh, đám cỏ, sọt rác... Lúc này mặc dù đang trong giờ học nhưng Th. - anh trai của T., hiện học lớp 5 cùng trường - cũng được gọi xuống để động viên em gái trả lại tiền nhưng vẫn không có kết quả.
Cuối cùng, T. bị giải về trụ sở công an xã. Theo lời ông Phạm Thanh Tâm - phó trưởng Công an xã Trung Lập Thượng, người trực tiếp thẩm vấn T.: “T. khai có lấy 1,9 triệu đồng của cô giáo, cột vào tờ giấy và bỏ ở hàng rào nhà trường. Tôi cho người chở bé T. về lại trường nhưng tìm ở hàng rào rất lâu không thấy gì. Rồi T. lại nói đưa cho mẹ hết rồi. Qua xác minh được biết mẹ T. không sinh sống tại địa phương. Sau đó, công an xã đành đưa T. cùng anh trai mình về trụ sở”. Hai học sinh tiểu học bị giữ ở xã suốt buổi trưa để phục vụ việc điều tra của công an.
Cũng theo lời ông Phạm Thanh Tâm: “Đến hơn 13g cùng ngày, khi nhà trường gọi điện lên báo rằng tiền vẫn còn nguyên trong giỏ của cô giáo thì chúng tôi cho hai cháu về nhà”. Tại sao công an xã bắt học sinh về trụ sở mà không có người giám hộ?
Ông Tâm lý giải: “Tình cờ bữa đó có một nữ trinh sát trên huyện xuống đây làm việc nên chúng tôi nhờ làm giám hộ luôn”. Nhưng nữ trinh sát ấy không phải người giám hộ hợp pháp? Ông Tâm thừa nhận: “Đúng ra người giám hộ phải là người thân của bé nhưng chúng tôi không liên lạc được. Bà ngoại bé thì đi chặt trúc thuê, không có nhà. Ở trường thì đang là giờ dạy, giáo viên không đi được(?)” (Trường Trung Lập Thượng dạy hai buổi nên 10g30 đã kết thúc giờ học buổi sáng - PV).
Bà Mai nói: “Khi công an lên làm việc thì tôi họp giao ban lãnh đạo, để thầy Đ. tiếp. Công an chở học sinh về xã hồi nào tôi cũng không biết. Khi biết, tôi có đề nghị thầy Đ. đi theo” (thầy Đ. kể với chúng tôi: “Tôi có đến công an xã nhưng ngồi ở ngoài chứ không vào trong” (?); ông Phạm Thanh Tâm thì khẳng định: “Khi đưa học sinh về xã, công an có xin phép giáo viên và ban giám hiệu nhà trường” - PV). Bà Mai tỏ ra buồn rầu: “Nói thật là sau chuyện này tôi day dứt lắm. 30 năm trong nghề tôi chưa bao giờ nói nặng học sinh. Tôi đã rút kinh nghiệm đối với giáo viên trong cuộc họp hội đồng sư phạm đợt vừa rồi”.
Hoàn cảnh đáng thương
Trao đổi với chúng tôi, bà Mai cho biết thêm: “Hoàn cảnh em T. rất đáng thương, ba mẹ ly hôn, hai anh em T. phải ở với bà ngoại đã hơn 60 tuổi. Gia cảnh của em rất khó khăn. T. sinh năm 2001 mà năm nay mới học lớp 2, sức học cũng chậm lắm”.
T. là một cô bé rất ít nói. Đôi mắt luôn mở to nhưng thường xuyên nhìn xuống. Hầu hết các câu hỏi của chúng tôi đều do anh trai T. và bà ngoại T. trả lời thay. Thỉnh thoảng T. mới gật đầu hoặc lắc đầu kèm theo câu trả lời rất nhỏ: “Dạ, có” hoặc “Dạ, không”. Khi chúng tôi hỏi: “Ở trường, hai bạn thích thầy cô nào nhất?”, cả hai anh em T. đều cúi đầu lặng im.
... Buổi trưa một ngày giữa tháng 12, hai anh em T. về nhà. Căn nhà của ba bà cháu T. trống trước trống sau, không có gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp đã cũ mà theo bà P.T.T. - bà ngoại của T.: “Bị hư lâu rồi mà không có tiền sửa nên hai anh em nó đi xe buýt (miễn phí - PV) đi học. Ba mẹ nó ly dị rồi bỏ hai đứa cho tôi từ hồi con T. mới hơn 1 tuổi. Hằng ngày tôi đan liếp cũng được vài chục ngàn đồng đắp đổi cơm, cháo cho ba bà cháu. Bữa hai anh em nó bị đưa lên trụ sở công an từ sáng đến chiều, tôi đi mua trúc nên không biết. Buổi chiều về nhà thì... hai đứa đã được cho về rồi”.
Ý kiến bạn đọc