(VnMedia) - Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, kinh tế thủ đô năm 2012 vẫn duy trì tăng trưởng, mặc dù tăng thấp hơn năm 2011 nhưng cao hơn 1,55 lần mức tăng trưởng chung của cả nước. Tuy nhiên tổng hợp có đến 10/15 chỉ tiêu không đạt…
Sáng 3/12, HĐND TP Hà Nội đã khai mạc kỳ họp thứ 6, dự kiến diễn ra từ 3 - 7/12. Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh nêu rõ, năm vừa qua, Hà Nội đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, trong đó nổi bật là: Kinh tế duy trì tăng trưởng khá. Chỉ số giá tiêu dùng dần ổn định. Đã cụ thể hóa nhiều quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Ùn tắc và tai nạn giao thông giảm dần. Xây dựng nông thôn mới được được chỉ đạo quyết liệt. Hạ tầng nông nghiệp nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có tiến bộ. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Tuy nhiên, UBND Thành phố cũng nhận định, kinh tế xã hội Thủ đô đang bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Theo đó, ước thu ngân sách năm 2012 bằng 95,4% dự toán HĐND Thành phố giao; đạt 96,2% dự toán Chính phủ giao, sau 15 năm chỉ tiêu này liên tục vượt, năm sau cao hơn năm trước.
Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,1%, thấp hơn chỉ tiêu đặt ra và mức tăng cùng kỳ của các năm trước. Nguy cơ lạm phát cao vẫn còn tiềm ẩn. Sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động hoặc có nguy cơ giải thể. Công tác quản lý nhà chung cư, nhà tái định cư còn nhiều bất cập. Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi. Tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm còn chậm. Tình trạng quá tải tại các bệnh viện, lạm thu trong các trường học, việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Công tác cải cách hành chính chưa đạt hiệu quả như mong muốn đang là những vấn đề gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 của Hội đồng nhân dân cho biết, các Ban của Hội đồng nhân dân đồng tình với những nhận định, đánh giá về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của Thành phố được nêu trong báo cáo và thống nhất với nhận định về những kết quả nổi bật đã đạt được. Theo đó, năm 2012 mặc dù còn nhiều khó khăn song kinh tế thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng. Tổng sản phẩm (GDP) trên địa bàn đạt 8,1%. Mức tăng này thấp hơn năm 2011 (10,14%) nhưng cao hơn 1,55 lần mức tăng trưởng chung của cả nước.
Tuy nhiên, ngoài những tồn tại, hạn chế mà UBND Thành phố đã nêu, HĐND đã phân tích sâu một số hạn chế, tồn tại khác.
Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh phát biểu tại kỳ họp |
Duy nhất 1 chỉ tiêu vượt kế hoạch
Báo cáo thẩm tra của HĐND Thành phố đánh giá, trong 15 chỉ tiêu và nhóm chỉ tiêu Nghị quyết HĐND Thành phố giao, có 5 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu đạt, còn 10 chỉ tiêu chưa đạt. Các chỉ tiêu chưa đạt thuộc cả 3 nhóm: kinh tế tổng hợp, văn hóa - xã hội và đô thị - môi trường. Trong các chỉ tiêu đạt kế hoạch, duy nhất có chỉ tiêu tỷ lệ rác thải thu gom và vận chuyển trong ngày khu vực nông thôn vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Thêm vào đó, HĐND nhận định, tuy tăng trưởng kinh tế trong năm 2012 có xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước song chưa bền vững. Nhiều yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng đến tăng trưởng trong năm 2013 như: mức tăng trưởng của ngành công nghiệp - xây dựng giảm dần qua các quý; tỷ lệ sản phẩm tồn kho ở mức cao; 14/21 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng giảm qua các tháng; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp; thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, nhiều dự án đầu tư xây dựng và khu đô thị tạm dừng hoặc giãn tiến độ. Doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn về vốn, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể. Thu ngân sách không đạt dự toán...
Việc thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, chậm được khắc phục, giảm hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh chậm triển khai. Kết quả, hiệu quả chưa cao. Tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng điện lực chậm, gây nguy cơ thiếu điện sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân.
Ngoài ra, còn một số vướng mắc trong quản lý, thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội chưa được tháo gỡ kịp thời, như: công tác quản lý sử dụng đất đai, nông lâm trường, trạm trại, quỹ nhà chuyên dùng của Thành phố; việc giao chỉ tiêu và thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giải phóng mặt bằng các dự án; công tác đầu tư, quản lý quỹ nhà tái định cư; quản lý nhà chung cư…
Đặc biệt, HĐND nhận thấy, tình trạng “lạm thu” trong giáo dục mầm non, phổ thông còn diễn ra phổ biến; việc học thêm, dạy thêm, học nâng cao, học tự chọn... không đúng qui định tiếp tục diễn ra, gây bức xúc trong xã hội. Trong khi đó, việc rà soát xây dựng mới trường học trong các khu đô thị, khu dân cư có mật độ dân số cao còn chậm. Cơ sở hạ tầng y tế ở một số nơi xuống cấp; trang thiết bị y tế chưa đầy đủ; cán bộ y tế có trình độ cao đặc biệt là bác sĩ tuyến xã, tuyến huyện còn thiếu; tình trạng quá tải, nhất là ở các bệnh viện tuyến Thành phố chưa được cải thiện…
HĐND cũng lo lắng về tình hình tội phạm trên địa bàn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội ngày càng nghiêm trọng. Trong lĩnh vực kinh tế, tài chính: gia tăng các hành vi lừa đảo; kinh doanh trái phép, cố ý làm trái, trốn thuế; buôn bán hàng giả; chiếm đoạt tài sản, đổ vỡ “tín dụng đen”.
Trong lĩnh vực an ninh trật tự, HĐND Thành phố nhận thấy vẫn còn tình trạng vũ khí, vật liệu nổ trôi nổi ngoài xã hội; số vụ cháy, nổ và tại nạn giao thông tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao. Các tội phạm về tham nhũng, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội giết người cướp tài sản, tội phạm về ma túy, hoạt động băng, nhóm tội phạm có sử dụng “vũ khí nóng”, chống người thi hành công vụ; tệ cờ bạc, mại dâm, đòi nợ thuê; tình trạng thanh thiếu niên sử dụng dao, kiếm, vật liệu nổ để gây án đang là mối lo ngại, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân…
HĐND Thành phố đề nghị cần đánh giá thêm về tình hình hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiến độ thực hiện cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố quản lý; việc phát huy các quỹ của Thành phố trong việc hỗ trợ đầu tư, sản xuất kinh doanh, xúc tiến đầu tư, thương mại. Đồng thời, phân tích sâu hơn, rõ địa chỉ và rõ trách nhiệm đối với những hạn chế, yếu kém để có giải pháp sớm khắc phục trong thời gian tới.
Ý kiến bạn đọc