(VnMedia) - Theo quy định cũ, người thất nghiệp phải đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động trong vòng 7 ngày, tuy nhiên, Nghị định mới đã kéo dài thời gian này lên 3 tháng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 100/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Nghị định, thời hạn đăng ký bảo hiểm thất nghiệp được kéo dài đến 3 tháng kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Cụ thể: Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nếu người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động thực hiện đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động.
Trước đó, Nghị định 127/2008 quy định là trong thời hạn này là 7 ngày làm việc. Chính vì quy định thời hạn quá ngắn này mà nhiều người đã gặp khó trong việc đăng ký thất nghiệp, bởi trước khi đi đăng ký, người lao động phải trải qua một quy trình khá phức tạp, mất thời gian. Cụ thể, để được chứng minh là mất việc, người lao động phải có quyết định thôi việc, nhưng tại nhiều công ty có số lượng lao động lớn, có khi một tháng sau khi nghỉ, người lao động mới nhận được quyết định thì đã muộn so thời gian quy định.
Tuy nhiên, theo quy định mới, kể từ ngày đăng ký thất nghiệp, hàng tháng, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp đến thông báo với cơ quan lao động về việc tìm kiếm việc làm.
Về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, Nghị định 100 vẫn giữ nguyên 3 điều kiện là: Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật; đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động theo quy định.
Tuy nhiên, quy định mới hướng dẫn cụ thể là, tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc ít nhất 1 ngày trong tháng đó.
Nghị định 100/2012 cũng đã sử đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 2 của Nghị định 127/2008, theo đó, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương, tiền công tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội. Người lao động tạmhoãn thực hiện giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật thì thời gian này, người lao động hoặc không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Quy định cũ trong Nghị định 127/2008 quy định về Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là: Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, kể cả những người được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của nhà nước trước ngày Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 /10/2003 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, quy định mới sửa thành: Hợp đồng xác định không thời hạn.
Thời hạn đăng ký bảo hiểm thất nghiệp được kéo dài tới 3 tháng |
Quy trình đăng ký và giải quyết thất nghiệp
Theo Nghị định 100/2012, trong thời hạn 15 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày đăng ký thất nghiệp, người lao động phải trực tiếp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan lao động nơi người lao động đăng ký thất nghiệp hoặc cơ quan lao động nơi chuyển đến để hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan lao động có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét và giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị hỗ trợ học nghề của người thất nghiệp, cơ quan lao động có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của cơ quan lao động, cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp hằng tháng hoặc trợ cấp một lần cho người lao động. Trường hợp, cơ quan Bảo hiểm xã hội không thực hiện việc chi trả theo đúng thời hạn quy định hoặc từ chối yêu cầu chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp không đúng quy định của pháp luật thì cơ quan Bảo hiểm xã hội phải có văn bản thông báo cho cơ quan lao động và người lao động biết và nêu rõ lý do.
Quy định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2013.
Ý kiến bạn đọc