(VnMedia) - Hà Nội sẽ thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích trên địa bàn phường, xã, thị trấn, lập hồ sơ xử lý vi phạm…
Chấn chỉnh việc biến tướng trong sử dụng đất công ích
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh vừa có chỉ đạo, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn kiểm tra, rà soát xác định chính xác quỹ đất nông nghiệp đã giao; xác định cụ thể đất nông nghiệp chuyên trồng lúa nước và đất nông nghiệp có đủ điều kiện trồng được hai vụ lúa nước trở lên trong năm theo Nghị định 42 /2012 của Chính phủ.
Phó chủ tịch TP cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng ban chức năng chủ trì cùng UBND các xã, phường, thị trấn tổng hợp, kiểm tra, rà soát các hợp đồng đã ký đối với các hộ gia đinh, cá nhân, tổ chức sử dụng đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích trên địa bàn, đồng thời thực hiện hoặc chỉ đạo thực hiện việc huỷ bỏ, chấm dứt hợp đồng đã ký không đúng thời hạn và không đúng đối tượng quy định.
Đặc biệt, ông Khanh yêu cầu thành lập đoàn thanh tra liên ngành của quận, huyện, thị xã thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích trên địa bàn phường, xã, thị trấn, lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với từng trường hợp theo quy định của pháp luật.
Đối với các trường hợp UBND các quận, huyện, thị xã, UBND phường, xã, thị trấn cho các tổ chức thuê đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích để sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp hoặc các tổ chức này tự chuyển mục đích sử dụng sang sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, xem xét.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu kiểm tra, rà soát, thống kê và lập hồ sơ quản lý toàn bộ quỹ đất này tại cấp xã và cấp huyện. Trường hợp quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích tại các phường, xã, thị trấn để lại vượt quá 5% thì phần diện tích vượt đó được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Đất đai 2003, nhưng phải lập phương án quản lý, sử dụng và phải được UBND TP chấp thuận trước khi tổ chức thực hiện.
Ông Khanh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh tra, kết luận việc quản lý, sử dụng đất các trường hợp nêu trên, báo cáo UBND TP chỉ đạo, xử lý.
Việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích hiện có nhiều biểu hiện vi phạm - ảnh minh hoạ |
Đề Nghị xem xét, hợp thức quyền sử dụng đất vi phạm
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chủ trương giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều vấn đề như: một số trường hợp lấy vợ hoặc chồng, chuyển đến địa phương khác sinh sống, trong khi địa phương cũ chưa có phương án giao đất, còn địa phương mới chuyển đến đã hoàn thành việc giao đất; một số trẻ em sinh ra tại thời điểm đó nhưng chưa được bổ sung vào phương án giao đất…
Ông Nghĩa cho biết, trong việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích hiện có nhiều biểu hiện vi phạm như:giao khoán, cho thuê đất không thực hiện đấu thầu, đấu giá đất; không có bản đồ, hồ sơ, sổ sách quản lý theo quy định. Việc sử dụng đất công ích trên 10% tổng quỹ đất nông nghiệp đã vượt tỷ lệ cho phép (5%), vi phạm Nghị định 64 của Chính phủ; khi cho thuê đất cũng không tổ chức bàn giao mốc giới…
Đặc biệt, có hiện tượng cho thuê đất không đúng đối tượng, thời gian thuê đất vi phạm Luật Đất đai; một số diện tích tự ý chuyển mục đích làm nhà xưởng, nhà kho, văn phòng giao dịch, nhà ở... kéo dài nhiều năm nhưng chưa được UBND các huyện, xã, phường, thị trấn và thanh tra xây dựng xử lý triệt để. Một số diện tích khác để hoang hoá, không sử dụng, bị lấn chiếm gây lãng phí.
Trong khi đó, cũng có hiện tượng sử dụng đất công ích để xây dựng các công trình công cộng như trường tiểu học, trường mầm non, nhà văn hóa, sân thể thao... nhưng chưa được cấp có thẩm quyền thu hồi đất, giao đất xây dựng các công trình đó.
“Nhìn chung, đến giai đoạn hiện nay, việc quản lý và khai thác quỹ đất nông nghiệp vào mục đích công ích đang gặp nhiều khó khăn cả về công tác quy hoạch, trong việc tưới tiêu sản xuất, không đáp ứng được nhu cầu xây dựng các công trình dân sinh, phúc lợi của địa phương, giá thuê thầu thấp không đáp ứng nhu cầu ngân sách của địa phương” - ông Nghĩa cho biết.
Trước thực trạng đó, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị TP kiểm điểm trách nhiệm đối với Thanh tra xây dựng và các phòng ban chuyên môn của quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn trong việc để xảy ra các vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp công ích. Trên cơ sở đó, xử lý kỷ luật trách nhiệm đối với tập thể và các cá nhân theo quy định của Luật Đất đai.
Để khắc phục các vi phạm nhưng tránh lãng phí, ông Nghĩa đề nghị TP chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê, lập danh sách các tổ chức trên địa bàn đang sử dụng đất nông nghiệp công ích có vi phạm, nhưng là để xem xét, hợp thức quyền sử dụng đất bởi theo ông, nhiều tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất công ích sai mục đích như xây dựng công trình trụ sở giao dịch, nhà xưởng… nhưng hiện đang sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho người lao động, chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước và tham gia thực hiện tốt chính sách xã hội tại địa phương.
Theo quy định tại Nghị định 64/CP của Chính phủ, đối tượng được giao đất sử dụng ổn định lâu dài là nhân khẩu nông nghiệp thường trú tại địa phương, kể cả những người đang làm nghĩa vụ quân sự.
Nghị định cũng quy định UBND các xã căn cứ vào quỹ đất, nhu cầu sử dụng, đề nghị UBND huyện giao đất cho một số đối tượng khác như những người sống chính bằng nông nghiệp cư trú tại địa phương nhưng chưa có hộ khẩu thường trú; xã viên hợp tác xã nông nghiệp trước đây chuyển sang làm ở các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp nay không có việc làm; con cán bộ công chức sống ở địa phương đến tuổi trưởng thành nhưng không có việc làm; cán bộ công chức, bộ đội nghỉ mất sức hoặc nghỉ do sắp xếp lại sản xuất, tinh giản biên chế chỉ được trợ cấp một lần hoặc trợ cấp một số năm về sống tại địa phương; đối tượng là cán bộ nghỉ hưu, nghỉ mất sức đang được hưởng chế độ trợ cấp; những người làm nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản mà nay không có đất để sản xuất. |
Ý kiến bạn đọc