Hà Nội tăng 3.000 tỷ cho dự án "rùa bò"

07:08, 07/12/2012
|

(VnMedia) - Dự án đường 5 kéo dài đã bị chậm so với kế hoạch ban đầu nhiều năm và hiện đang được xem xét tăng vốn thêm hơn 3.000 tỷ đồng, Đây là vấn đề đã được các đại biểu HĐND TP Hà Nội chất vấn tại kỳ họp này.

Theo đó, các đại biểu yêu cầu lãnh đạo TP giải trình về nguyên nhân và trách nhiệm dẫn đến việc dự án bị chậm tiến độ cũng như vốn đầu tư được xem xét điều chỉnh tăng lên gần 1,5 lần so với dự kiến ban đầu. 
 

Tăng hơn 3.000 tỷ vì trượt giá

 

Giải trình với các đại biểu, UBND TP cho biết, ngày 6/11/2012 vừa qua, Ban quản lý dự án Hạ tầng Tả ngạn đã trình đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án xây dựng tuyến đường 5 kéo dài (từ cầu Chui - cầu Đông Trù - Phương Trạch - Bắc Thăng Long) lên mức 6.663,5 tỷ đồng (tăng 3.131,5 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu được cho là do sự biến động của giá cả vật liệu xây dựng (Dự án phê duyệt theo giá cả năm 2005) và chi phí bồi thường, hỗ trợ GPMB.


Theo giải thích của Ban quản lý dự án, chi phí xây dựng tăng thêm 2.328,2 tỷ đồng là do điều chỉnh, bổ sung thiết kế; phát sinh khối lượng, hạng mục; biến động giá cả. Chi phí quản lý dự án và chi phí khác tăng 80,2 tỷ đồng do tăng chi phí xây dựng. Chi phí bồi thường, hỗ trợ GPMB tăng 334,4,9 tỷ đồng do khối lượng GPMB thay đổi và việc điều chỉnh đơn giá, chính sách GPMB qua các năm. Dự phòng phí tăng 378,9 tỷ đồng do tính toán lại chi phí dự phòng cho khối lượng còn lại và dự phòng trượt giá trong thời gian thực hiện còn lại.
 
 

UBND TP cho biết, hiện nay, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư hiện đang được lấy ý kiến thẩm định của các Sở, ngành liên quan để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố phê duyệt.
 

 Ảnh minh họa

 Dự án đường 5 kéo dài được đề nghị tăng thêm tới 3000 tỷ đồng vốn đầu tư trong khi đã bị chậm tiến độ nhiều năm


Dự án lớn, chuẩn bị không chu đáo

 

Về nguyên nhân của việc triển khai chậm tiến độ, UBND TP đưa ra hàng loạt lý do như, dự án có quy mô lớn, phạm vi rộng, nhiều hạng mục công trình có tính chất kỹ thuật phức tạp, áp dụng công nghệ mới (cầu vòm ống thép nhồi bê tông) nên cần mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục triển khai thực hiện. Các đoạn tuyến không có sẵn đường phục vụ thi công nên nhà thầu cần có thời gian để chuẩn bị các công trình phụ trợ phục vụ thi công.

 

Ngoài ra, mặt bằng dự án trải dài qua địa  phận 3 phường và 5 xã thuộc với diện tích đất thu hồi lớn, nhiều đối tượng và chính sách thu hồi khác nhau nên việc giải phóng mặt bằng cho dự án gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, TP cho biết, trên mặt bằng dự án cần phải di chuyển rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật...
 

Tuy nhiên, về nguyên nhân chủ quan, UBND TP cũng thừa nhận rằng, mặc dù đây là một dự án lớn nhưng công tác chuẩn bị quỹ tái định cư lại không được triển khai trước một bước, mà vừa thi công, vừa thực hiện GPMB và chuẩn bị quỹ tái định cư. Đây là lý do chính khiến tiến độ dự án không theo đúng được tiến độ ban đầu đè ra.

Ngoài ra, TP cũng đánh giá công tác quản lý dự án được cho là còn nhiều yếu kém, việc điều chỉnh dự toán, điều chỉnh giá trị hợp đồng của các gói thầu chưa thực hiện kịp thời dẫn đến nhà thầu không thi công được; chưa quyết liệt đôn đốc các nhà thầu trong triển khai thực hiện; chưa kiên quyết thay thế các nhà thầu yếu kém, chậm tiến độ.
 

Khởi công xây dựng năm 2005, tuyến đường 5 kéo dài có tổng chiều dài khoảng 13,5km. Theo kế hoạch, tuyến đường sẽ được hoàn thành vào năm 2008. Tuy nhiên, do vướng mắc trong GPMB nên dự án chậm tiến độ. Thành phố đã phải áp dụng nhiều biện pháp để thúc giục, trong đó có việc "dọa" loại bỏ những nhà thầu không đủ năng lực.

Trả lời chất vấn Ban Kinh tế và Ngân sách tại kỳ họp HĐND lần này, TP cho biết, tiến độ dự kiến hoàn thành các tồn tại về GPMB sẽ xong trong quý II/2013 và hoàn thành toàn bộ Dự án vào quý II/2014.  
 

TP hứa sẽ đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn và đảm bảo giải ngân kịp thời theo tiến độ triển khai thực hiện của từng gói thầu và toàn bộ Dự án.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc