Trong 2 ngày 10 và 11/12, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo với chủ đề Đối thoại về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai khu vực miền Trung do Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD) - một tổ chức phi Chính phủ, phi lợi nhuận tổ chức.
Hội thảo nhằm chia sẻ và học hỏi các mô hình, kinh nghiệm thực tiễn tốt trong thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai của các Tổ chức Phi chính phủ (NGOs) tại Việt Nam; cập nhật thông tin mới về các chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Quốc gia. Hội thảo tăng cường đối thoại và trao đổi thông tin giữa cấp Trung ương và cấp địa phương về xây dựng kế hoạch hành động, thúc đẩy tiềm năng hợp tác với các tổ chức phi Chính phủ trong việc thực hiện các kế hoạch và nhiệm vụ ưu tiên trong thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại cấp địa phương và thảo luận về hướng hợp tác để thúc đẩy việc nhân rộng mô hình, kinh nghiệm thực tiễn tốt và lồng ghép với chương trình của nhà nước.
Các đại biểu tham gia hội thảo đã được giới thiệu về: Các mô hình giảm nhẹ rủi ro thiên tai; việc quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng; truyền thông huy động cộng đồng tham gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Trong đó có các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ven biển; sản xuất lúa tái sinh, biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội thảo cũng giới thiệu về Chiến lược quốc gia và Chương trình Mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu; Chiến lược quốc gia và Chương trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; Lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; Tổng quan về Khung chính sách và định hướng gắn kết Khung chính sách với Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia trong giai đoạn 2013- 2015; giới thiệu các hoạt động của các NGOs và gợi ý cơ chế phối hợp với các bên liên quan; kinh nghiệm, thuận lợi, khó khăn trong quá trình xây dựng kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai của địa phương và khả năng hợp tác với NGOs...
Thời gian qua, tại các tỉnh thuộc khu vực vùng duyên hải miền Trung, với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã xây dựng được nhiều mô hình, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai và phát triển kinh tế ổn định. Điều quan trọng là các địa phương đã nâng cao năng lực cho người dân để ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu gây ra; thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân trong sản xuất, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp; huy động cán bộ, xã, thôn và nông dân làm nòng cốt tham gia vào mô hình, từ đó tăng khả năng nhân rộng mô hình.
Các mô hình thực hiện thành công đều tập trung vào nâng cao năng lực của người dân vùng duyên hải miền Trung là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thiên tai. Qua thực tế cho thấy, đây là khu vực đang chịu ảnh hưởng ít nhất của 8 loại hình do thiên tai, hiểm hoạ gây ra như: bão, lũ (kể cả lũ quét), lụt, hạn hán, sạt lở đất, lốc, xâm nhập mặn và xói lở bờ sông. Trong thập kỷ 90, khu vực miền Trung đã phải chống chịu hơn 15 cơn bão, trong có một số cơn bão có sức gió giật mạnh trên cấp 12, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Miền Trung còn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, điển hình là các năm 2000, 2002, 2004, 2008, 2009...
Việt Nam đã ban hành chiến lược quốc về biến đổi khí hậu, tập trung giai đoạn 2013-2015 với định hướng cơ bản trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được đồng thời tiến hành gắn liến với phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Đặc biệt tháng 7/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Theo đó, đề án được thực hiện trong 12 năm (2009-2020) và dự kiến được thực hiện ở khoảng 6.000 làng, xã thường bị ảnh hưởng do thiên tai trên toàn quốc. Mục tiêu chung của đề án là phát huy năng lực của toàn đất nước, tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm an toàn tính mạng của người dân và tài sản, nhằm mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người và các hệ thống tự nhiên, phát triển nền kinh tế các-bon thấp nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh và phát triển bền vững quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và tích cực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất./.
Thanh Hà
Ý kiến bạn đọc