(VnMedia)- Sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay tại 8 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái Bình đã đạt từ 13 - 15 tiêu chí, trong đó xã Vũ Phúc (TP Thái Bình) đạt 15/19 tiêu chí, các xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương), Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ), Nguyên Xá (Vũ Thư), Trọng Quan (Đông Hưng) đạt 14 tiêu chí nông thôn mới.
Tỉnh Thái Bình đang tập trung phấn đấu 8 xã này sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2013.
Là xã đầu tiên của tỉnh Thái Bình làm điểm xây dựng nông thôn mới, đến thời điểm này, xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương) đã thực hiện được 14/19 tiêu chí, dự kiến đến cuối năm nay, Thanh Tân sẽ hoàn thành 16 tiêu chí để đến cuối năm 2013 hoàn thành tất cả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ông Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã cho biết, để thực hiện mục tiêu này, Thanh Tân đã đề ra chương trình hành động cụ thể năm 2012 sẽ hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa và cơ cấu lao động. Hiện nay, các công trình nhà văn hóa thôn đã xây dựng được 70% khối lượng công trình. Cụm công nghiệp Thanh Tân đang được đầu tư xây dựng nhà máy may của công ty cổ phần may xuất khẩu Việt Thái, dự kiến cuối năm nay sẽ đi vào hoạt động, thu hút 500 lao động vào làm việc. Điều này sẽ góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động của xã.
Cùng với việc chú trọng nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp bằng việc liên kết với các doanh nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nâng cao thu nhập cho người dân, điểm nổi bật trong xây dựng nông thôn mới của Thanh Tân là xã thực hiện tốt quy chế dân chủ, tạo được sự đồng thuận cao và phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, tranh thủ và sử dụng nguồn lực đầu tư của các cấp, các ngành, đoàn thể, con em xa quê. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng xã hội thiết yếu của địa phương đến nay cơ bản hoàn thành. Tổng các nguồn vốn mà Thanh Tân huy động được đến thời điểm này gần 100 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 20 tỷ đồng. Năm 2013, Thanh Tân tập trung vào các tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập và giao thông để trở thành xã nông thôn mới.
Còn xã Vũ Phúc (TP Thái Bình), sau hơn 3 năm được chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đến nay đã đạt 15/19 tiêu chí; hoàn thành quy hoạch 4 vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Sau dồn điền đổi thửa, bình quân mỗi hộ còn 1,8 thửa. Nhân dân tự nguyện hiến 44.000m2 đất nông nghiệp phục vụ đào đắp bờ vùng, bờ thửa; hiến 7.200m2 đất khu dân cư góp phần chỉnh trang 6,2km đường giao thông thôn xóm. Tổng kinh phí mà Vũ Phúc đã đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng theo tiêu chí nông thôn mới từ nguồn ngân sách lên tới gần 41 tỷ đồng. Đặc biệt nhân dân đã đóng góp và quy giá trị đất, tài sản trên đất phục vụ xây dựng nông thôn mới trên 20 tỷ đồng, vận động con em xa quê ủng hộ 16 tỷ đồng. Vũ Phúc phấn đấu sẽ hoàn thành 4 tiêu chí còn lại về giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ và hộ nghèo để trở thành xã nông thôn mới vào năm 2013 theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) cũng là một trong những địa phương đi đầu và làm tốt việc xây dựng nông thôn mới, đến nay xã cũng đã hoàn thành 14/19 tiêu chí. Nhân dân tự nguyện hiến trên 10.000 m2 đất làm giao thông thủy lợi nội đồng; gần 440 hộ hiến đất với 9.748 m2, hàng trăm trụ cổng, tường bao, công trình phụ và cây lâu năm để mở rộng đường liên thôn, xóm. Xã quy hoạch 4 vùng sản xuất hàng hóa tập trung, bố trí các loại giống cây theo mùa vụ, phù hợp từng vùng luân canh, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, bước đầu phát huy hiệu quả; đặc biệt ngay từ năm 2009, Quỳnh Minh đã thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, bình quân 2 thửa/hộ. Quỳnh Minh đang tiếp tục huy động các nguồn lực bên ngoài, cũng như nội lực trong dân; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án đang triển khai, phấn đấu sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại, đặc biệt là giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao mức thu nhập cho người dân để trở thành xã nông thôn mới trước tháng 6/2013.
Có thể thấy rõ, tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới của Thái Bình, bước đầu đã có sự chuyển biến nhanh cả về sản xuất, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; nhất là việc nhận thức và trách nhiệm của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nông thôn mới được nâng cao, thể hiện bằng sự đồng tình ủng hộ, góp ngày công, kinh phí, đất đai... Tuy nhiên, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, trong thời gian tới, Thái Bình còn rất nhiều công việc phải làm. Một số tiêu chí quan trọng như y tế, thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động, tỷ lệ hộ nghèo; đặc biệt là tiêu chí về thu nhập bình quân người ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn rất thấp. Ngay cả ở một số xã điểm năm 2012 có xã mới chỉ đạt 15 - 16 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với thu nhập bình quân đầu người chung của tỉnh.
Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình, đến nay tất cả các xã (267 xã) trong tỉnh đã hoàn thành quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng; 218 xã hoàn thành quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã; 201 xã hoàn thành lập đề án xây dựng nông thôn mới và 148 xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp. Thái Bình đang tập trung phấn đấu hoàn thành xây dựng các quy hoạch chi tiết, đề án xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa ở tất cả các xã; đồng thời tập trung chỉ đạo cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 8 xã điểm trong năm 2013.
Để đẩy nhanh tiến độ về đích xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã tập trung phát triển sản xuất, xây dựng và hình thành các hình thức hợp tác trong sản xuất, phát triển thị trường để nâng cao giá trị thu nhập cho người dân; đồng thời huy động tốt các nguồn lực, đặc biệt là huy động các nội lực trong nhân dân để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án phục vụ dân sinh. Tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương rà soát lại các tiêu chí đã hoàn thành để xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các tiêu chí còn lại; nhất là các tiêu chí phục vụ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đồng thời cân đối nguồn kinh phí để hỗ trợ đầu tư cho các địa phương đi đầu và thực hiện hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh.
Ý kiến bạn đọc