Đất để hoang do năng lực tài chính doanh nghiệp yếu

07:16, 04/12/2012
|

(VnMedia) - Quy định một chủ đầu tư có quyền triển khai dự án nếu họ có 20% vốn để đầu tư. Tuy nhiên, việc họ có bao nhiêu dự án, ở bao nhiêu tỉnh thành phố trên địa bàn cả nước thì lại chưa kiểm soát được, do vậy dẫn đến tinh trạng đất đai bị bỏ hoang, lãng phí... ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội trao đổi bên lề kỳ họp HĐND Thành phố chiều 3/12...

 Ảnh minh họa

 Tình trạng đất hoang đang gây lãng phí lớn - ảnh minh họa



- Thưa ông, hiện nay việc quy hoạch sử dụng đất đang để diễn ra tình trạng lãng phí cao, Sở có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?

Hiện nay đúng là việc Quy hoạch sử dụng đất tính khả thi chưa cao. Bên cạnh đó triển khai một số nội dung cũng còn chậm. Cùng với đó là nhiều chủ đầu tư được chọn để thực hiện dự án chưa đủ năng lực. Khâu hậu kiểm cũng chưa được quyết liệt. Chúng tôi đã rút kinh nghiệm về vấn đề này và đã trình HĐND, qua Bộ TN&MT để trình Thủ tướng về quy hoạch sử dụng đất năm 2015 và 2020, đảm bảo tính khả thi, đồng thời tham mưu cho Thành phố một số chính sách để sửa đổi như chọn chủ đầu tư có năng lực về tổ chức thực hiện, đặc biệt là năng lực về tài chính. Thứ nữa là việc hậu kiểm xem dự án có đúng tiến độ mục đích hay không.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư để việc triển khai dự án của họ đạt hiệu quả cao hơn. Sau khi kiểm tra, đã có thảo gỡ, đã xử lý về hành chính mà không khắc phục thì chúng tôi dứt khoát trình Thành phố thu hồi, hoặc giao làm những công trình công cộng đang gây bức xúc nhiều trên địa bàn Thành phố hiện nay.

- Hiện nay, có phải tình trạng giao đất đang diễn ra quá dễ dàng không, thưa ông?

 Ảnh minh họa

 Ông Vũ Văn Hậu- GĐ Sở TNMT Hà Nội

Đây không phải chuyện giao đất quá dễ dàng hay không bởi vì việc khuyến khích đầu tư xây dựng để phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết. Còn theo luật, khi quy hoạch được duyệt, dự án được duyệt thì không lý gì ngành tài nguyên không giao đất. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm tra thì đúng là có chuyện năng lực đầu tư còn yếu. Hiện nay chúng ta giao cho các chủ đầu tư chịu trách nhiệm về hiệu quả tài chính, nhưng năng lực tài chính thì các quy định hiện nay chưa hoàn toàn chặt chẽ nên việc kiểm soát năng lực tài chính chưa tốt. Ví dụ như chúng ta quy định một chủ đầu tư có quyền triển khai dự án nếu họ có 20% vốn để đầu tư. Tuy nhiên, việc họ có bao nhiêu dự án, ở bao nhiêu tỉnh thành phố trên địa bàn cả nước thì chưa kiểm soát được.

Trước đây chúng tôi đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố ở những nơi họ đang triển khai dự án nhưng việc trả lời của các địa phương với nhau chưa thể hiện trách nhiệm cao, chưa quyết liệt.

- Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một số vốn nhất định nhưng lại tham gia hàng chục dự án thì chúng ta ngăn chặn bằng cách nào?

Chúng ta cần kiểm toán độc lập. Nếu làm điển hình một số trường hợp thì các trường hợp khác có thể khắc phục được. Chứ nếu đồng loạt cả nước thì e rằng khó khả thi.

- Đối với những dự án để hoang hóa quá lâu hoặc chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện, thành phố sẽ làm gì?

Theo tôi, cần phải kiểm tra quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng sử dụng đất sai mục đích, đảm bảo tính hiệu quả của dự án và cũng có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Những trường hợp đã cảnh báo, giải quyết thấu tình đạt lý rồi mà doanh nghiệp không triển khai tiếp thì Sở sẽ dứt khoát trình thành phố thu hồi đem đấu giá hoặc giao cho làm các công trình công cộng.

Đối với việc một số doanh nghiệp phản ánh rằng họ phải bỏ ra chi phí lớn để có được dự án rồi lại bị thu hồi gây thiệt hại là do sai sót của chính họ. Ngay từ đầu không phải họ không nắm được khả năng tài chính, nghĩa vụ tài chính của mình, nhưng vẫn cứ lao vào làm, đến khi không làm được thì phải tự trách mình. Ngoại trừ những chi phí không chính thức thì tôi không biết, còn bảng giá đất, GPMB… thì đã rõ.

- Để khắc phục tình trạng lãng đất đai trên địa bàn, Sở tham mưu cho Thành phố như thế nào?

Trước mắt, Thành phố dứt khoát phải khắc phục dần. Làm ngay một lúc thì khó nhưng phải từng bước tháo gỡ vướng mắc. Đầu tiên phải tháo gỡ cho các chủ đầu tư, các doanh nghiệp. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, phải thấy được khó khăn của doanh nghiệp vì họ đã đầu tư vào đây, thời gian lại kéo dài... Không thể cứ thấy khó khăn là thu hồi, bởi thu hồi rồi có đền bù hay không cũng phải tính toán cho hợp lý. Những chính sách liên quan đến đất đai đều phải chi tiết. Chúng tôi đang làm việc với Bộ TN&MT về những loại đất bị thu hồi trong đó có vi phạm về việc không triển khai dự án, chậm tiến độ. Song, hiện tại chưa có nghị định hướng dẫn.

Sở TNMT đã trình quy hoạch sử dụng đất năm đến 2020, kế hoạch sử dụng đất đến 2015 đồng thời tham mưu cho Thành phố một số chính sách để sửa đổi, ví dụ khi chọn chủ đầu tư có năng lực về tổ chức thực hiện, đặc biệt là năng lực về tài chính.
 

 Theo báo cáo của UBND Hà Nội, năm 2012, lực lượng thanh tra đã xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt các dự án chậm triển khai, sử dụng sai mục đích và thời gian quy định; qua đó, thu hồi trên 800 ha đất của 7 tổ chức, đơn vị; đồng thời, đang xem xét xử lý thu hồi đối với 23 chủ đầu tư đang bỏ hoang hóa 33 khu đất với diện tích gần 50 ha.



Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc