Biến đổi khí hậu cùng với suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, suy thoái môi trường sinh thái đang là thách thức mang tính toàn cầu. Theo GS.TS Trần Thục, Viện trưởng viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Việt Nam đang là một trong những quốc sẽ phải chịu tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu
Đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất bởi nước biển dâng. Nếu mực nước biển dâng cao 1 m, khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long,11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển bị ngập; thành phố Hồ Chí Minh bị ngập; khoảng 10-12% dân số của nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.
Trong 10 năm (2001-2010), các loại thiên tai: bão,lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 1,5%GDP/năm. Biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp. Tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
Theo các chuyên gia về biến đổi khí hậu, ứng phó với biến đổi khí hậu liên quan mật thiết với bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đang ngày trở thành một nhiệm vụ bức thiết, sống còn, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự phát triển bền vững của đất nước; gắn liền sự bền vững về môi trường sinh thái với bền vững về phát triển kinh tế- xã hội.
Theo TTXVN, tại hội thảo "Chủ động đối phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên môi trường- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn" được tổ chức hôm 18/12 vừa qua, các báo cáo khoa học tập trung đánh giá đúng thực trạng việc thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong các văn kiện của Đảng về công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phân tích những thuận lợi, khó khăn đối với việc thực hiện các quan điểm, mục tiêu nhiệm vụ trên.
Các đại biểu đề xuất những quan điểm chỉ đạo và những định hướng mang tính chiến lược mới tăng cường công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên môi trường đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các đại biểu kiến nghị cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức, ý thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức, cộng đồng dân cư, các gia đình và mọi thành viên xã hội về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và tài nguyên.
Các cơ quan chức năng tiến hành rà soát lại một cách đồng bộ hệ thống luật pháp có liên quan đến các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tài nguyên. Các nhiệm vụ, mục tiêu, tiêu chí về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường phải được cụ thể hóa là một thành tố hữu cơ của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực, địa phương. Các chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, kế hoạch, dự án về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và tài nguyên đã được ban hành cần được chỉ đạo triển khai có hiệu quả.
Các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh dự báo các kịch bản biến đổi khí khậu đối với Việt Nam, nhất là tác động đối với đồng bằng sông Hồng, các tỉnh ven biển, thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đẩy mạnh triển khai kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các cấp, các ngành cần có chương trình, giải pháp cụ thể đẩy mạnh xử lý ô nhiễm môi trường, rác thải, nước thải tại các khu công nghiệp, các đô thị, các làng nghề, nông thôn và các lưu vực sông; xây dựng đề án về phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch; đẩy mạnh phương thức canh tác nền nông nghiệp hữu cơ. Nhà nước xây dựng và công bố kế hoạch, lộ trình loại bỏ các công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều năng lượng….
Ý kiến bạn đọc