(VnMedia) - Thông thường, những cuộc chia tay là để xa nhau, nhưng ngày hôm qua, đã có một cuộc chia tay rất khác: chia tay mà vẫn là một gia đình, chia tay là để cùng nhau tiến lên phía trước… Đó là cuộc chia tay giữa những người con của ngành Bưu điện, giữa Bưu chính và Viễn thông sau 67 năm truyền thống gắn bó...
Nước mắt người ra đi
Ngày 19/12, tại trụ sở của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã diễn ra một cuộc chia tay đặc biệt. Đó là lễ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu đối với Tổng Công ty Bưu chính Việt
Chuyện tách - nhập đối với một đơn vị nào đó có lẽ là một chuyện hết sức bình thường, nhưng trong ngôi nhà chung của ngành Bưu điện, lễ bàn giao này này đã trở thành một dấu ấn lịch sử đặc biệt mà mỗi người trong cuộc đều không khỏi dâng trào cảm xúc.
Là người ra đi, cũng là người đầu tiên “chạm” đến chuyện chia tay, ông Đỗ Ngọc Bình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (nay là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) xúc động nói: “Bưu chính và Viễn thông có truyền thống 67 năm, rất nhiều liệt sĩ giao bưu, điện báo đã hy sinh. Chúng ta đã từng cùng nhau trong một mái nhà chung…”.
Ông Đỗ Ngọc Bình đã rơi nước mắt khi nói đến nghĩa tình mà Viễn thông đã dành cho Bưu chính trong suốt những năm qua |
Ông cũng chân thành ôn lại những kỷ niệm không thể quên, khi trong những ngày đầu khó khăn, Viễn thông đã tạo điều kiện cho Bưu chính về tất cả, từ nhà cửa, cơ sở vật chất… để các bưu cục được khang trang. Và rồi, “ngay từ đầu những năm đầu thập kỷ 90, với lợi nhuận của Viễn thông, Tổng cục Bưu điện đã quyết định mua ngay 100 xe ô tô đầu tiên để chuyên vận chuyển cho Bưu chính nhằm nâng cao chất lượng”. Người đứng đầu ngành Bưu chính cũng không quên nhắc đến chuyện, lợi nhuận của Viễn thông trong suốt giai đoạn trước đây đã “gánh vác để bảo đảm tiền lương mặt bằng của tất cả anh em Bưu chính trên toàn mạng lưới như nhau”.
“67 năm là một sự hòa quyện. Tới đây, Tổng công ty cũng như Tập đoàn trở thành hai pháp nhân độc lập, nhưng sự chia tách này không có nghĩa là phá vỡ, không có nghĩa là cắt đứt tất cả những gì mà 67 năm chúng ta cùng dựng lên” - ông Bình nghẹn ngào nói và nhắn nhủ thêm rằng, sau lễ bàn giao, “sự hợp tác Bưu chính - Viễn thông sẽ là sự sống còn đối với chúng ta”.
Trong sự xúc động nghẹn ngào, Tổng Giám đốc VnPost đã nói: “Chúng tôi cam kết rằng sẽ cùng anh em gìn giữ mối quan hệ đoàn kết của Bưu chính và Viễn thông”.
Không chỉ có Tổng Giám đốc Đỗ Ngọc Bình, trong giờ phút chia tách lịch sử đó, những người con của ngành Bưu Điện, những người đã hàng chục năm gắn bó trong ngôi nhà chung, mỗi người đều có những nỗi xúc động rất chung và cũng rất riêng.
Bâng khuâng ngắm những hình ảnh, những vật dụng, những biểu trưng của ngành Bưu điện được trưng bày trong phòng bảo tàng Bưu điện, ông Nguyễn Hoài Phong, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bưu điện tỉnh Kiên Giang tâm sự: Việc chia tách được thực hiện theo lộ trình của Chính phủ, là một định hướng đúng đắn và việc tách ra là nhiệm vụ. Còn bản thân ông, lúc nào cũng vẫn có cảm giác như anh em trong gia đình. “Trước đây và sau này cũng vậy, có khó khăn gì sẽ cùng giúp đỡ nhau, vừa là anh em, vừa là đối tác” - ông Phong nói.
Ông Nguyễn Hoài Phong (ảnh trên), Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bưu điện tỉnh Kiên Giang và bà Vũ Thị Hồng Thắm, Chủ tịch công đoàn bưu điện thành phố Cần Thơ lưu luyến giữa căn phòng truyền thống, nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý báu mà ông Phạm Long Trận gọi là "tài sản chung" của ngành Bưu điện |
Cùng chung tâm trạng của ông Phong, bà Vũ Thị Hồng Thắm, Chủ tịch Công đoàn Bưu điện thành phố Cần Thơ cũng không khỏi xúc động khi nói đến nghĩa tình của "gia đình Bưu điện”: “Bưu chính Cần Thơ đã thực sự tách ra từ năm 2005, nhưng trong những năm qua, chúng tôi vẫn như người một nhà”.
“Chữ Bưu điện đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân ở Cần Thơ. Khi có việc gì liên quan đến Viễn thông, họ vẫn nghĩ ngay đến Bưu điện. Họ không nghĩ là có sự khác nhau giữa Bưu chính và Viễn thông” - bà Thắm chia sẻ và bùi ngùi thêm rằng: “Tách thì tách, nhưng truyền thống 67 năm đã có, ngày truyền thống ngành vẫn chung (15/8), chúng ta vẫn là người một nhà...”.
Nghẹn lòng người ở lại
Không chỉ có những người ra đi là lưu luyến, mà những người ở lại cũng đã rất nghẹn ngào. Trong buổi lễ chuyển giao đặc biệt mà mọi người vẫn gọi là “giờ phút lịch sử” trong chuỗi lịch sử 67 năm của ngành Bưu điện, người đứng đầu Tập đoàn VNPT - ông Phạm Long Trận đã không kìm được nước mắt.
Trong sự xúc động nghẹn ngào, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT Phạm Long Trận đã chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm của cá nhân ông và cũng là của toàn thể hơn 9 vạn cán bộ công nhân viên của ngành đã, đang và vẫn sẽ dành cho Bưu chính, những người mà ông cho rằng, “khó khăn hơn, khổ hơn”, những người "đi đầu, cống hiến nhiều hơn” cho truyền thống của ngành Bưu điện.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT Phạm Long Trận cũng nghẹn ngào không nói lên lời trong giờ phút chia tay những người anh em đã cùng nhau gắn bó, chia ngọt sẻ bùi |
“Đỉnh điểm là ngày 1/1/2008, chúng ta tách Tổng công ty Bưu chính ra hạch toán riêng lẻ độc lập, nhưng vẫn ở dưới mái nhà chung là VNPT. Thời điểm đó cũng là một thời điểm lịch sử rất khó khăn, đặc biệt là với những người làm Bưu chính, bởi vì trước mắt toàn thể 90 ngàn cán bộ công nhân viên ngành Bưu chính Viễn thông, thì Bưu chính là những người đi đầu, những người khổ hơn. Đó cũng là những người cống hiến nhiều hơn cho truyền thống của ngành Bưu điện” - ông Trận bộc bạch.
Ông cũng chia sẻ rằng, với những suy nghĩ, những tình cảm đó, trong 5 năm qua, Tập đoàn VNPT đã cố gắng hết lòng, thể hiện ngay từ Nghị quyết của Hội đồng thành viên đối với Bưu chính, đó là “ mọi ưu tiên phải dành cho Bưu chính, bởi vì bưu chính là những người khó khăn hơn. Cũng như trong gia đình, cha mẹ thấy rằng con cái đứa nào khó khăn hơn thì chắc chắn bố mẹ phải ưu tiên hơn, tập trung hơn và tạo điều kiện hơn” - ông Trận chân thành nói.
Cảm phục những người con của gia đình Bưu điện, ông nói rằng, mặc dù “bước đầu có một chút xao xuyến, sốc, nhưng các đồng chí đã xốc lại, đã quyết tâm thực hiện. Bằng truyền thống, bằng nghị lực, bằng trí tuệ của những người làm Bưu chính, bằng truyền thống của những người làm Bưu điện, chúng ta đã làm được”.
Những người con của gia đình Bưu điện ngồi bên nhau trong giờ phút chia tay lịch sử |
Nhắc đến truyền thống của ngành Bưu điện trong giờ phút xúc động đó, người đứng đầu Tập đoàn VNPT rơi nước mắt tâm sự: “67 năm, tài sản quá khứ là rất quý, cho nên chúng ta phải biết cùng dựng xây. Lãnh đạo các thời kỳ có một hoài bão là xây một nhà bảo tàng của ngành Bưu điện thật to lớn, nhưng do điều kiện đến nay chúng ta chưa thể làm được, Tập đoàn cũng đã làm được một phòng trưng bày bảo tàng, dù nhỏ nhưng bao hàm, đặc trưng cho bước đường phát triển của ngành Bưu điện, trong đó phần lớn là của Bưu chính, bởi vì Bưu chính là những người đi đầu. Con tem Bưu chính, giao liên Bưu chính, xe đạp Bưu chính… tất cả những cái đó, cả những anh hùng của ngành Bưu điện… đó là anh hùng của chung, là tài sản chung chúng ta…”
Tình cảm, sự xúc động của người đứng đầu Tập đoàn VNPT cũng là tình cảm, là sự xúc động của rất nhiều lãnh đạo, cán bộ của ngành Bưu điện. Chia sẻ những suy nghĩ của mình, ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng giám đốc VNPT cho rằng, lễ bàn giao là một thời điểm lịch sử cần được trân trọng, bởi sự gắn bó của Bưu chính và Viễn thông là cả một quá trình. Tình cảm anh em dưới một mái nhà chung, giờ đây tách ra, thật khó nói lên lời.
”Về tổ chức thì chia ra để hoạt động độc lập, nhưng thực chất, trong tất cả hoạt động vẫn còn chung nhau rất nhiều. Trong kinh doanh của Bưu chính có Viễn thông, trong hoạt động Viễn thông vẫn có Bưu chính. Về góc độ tổ chức là rêng rẽ, nhưng sự phối hợp, gắn kết rất cơ bản, không thể nói tách riêng là riêng được” - ông Đức nói.
”Về lịch sử, 67 năm là cả một đời người. Suốt cả một quá trình luôn luôn bên cạnh nhau, đó là tình đồng nghiệp. Còn tình gia đình cũng rất nhiều. Trong một gia đình có cả Bưu chính, cả Viễn thông, bây giờ và cả sau này vẫn thế, con cái, cháu chắt họ... làm sao tách ra riêng rẽ như tổ chức được” - ông Đức chia sẻ và thêm rằng, “hôm nay, về tổ chức là tách ra về Bộ, nhưng về tình cảm thì vẫn gắn bó. Cảm xúc của tôi lúc này rất đặc biệt, bởi chia tay nhưng không giống như những cuộc chia tay khác”.
Là một người đã gắn bó mấy chục năm với ngành Bưu điện, trải qua rất nhiều thời kỳ thăng trầm cũng như từng là người giữ nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau của ngành Bưu điện và giờ đã nghỉ hưu, ông Nguyễn Huy Luận, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện chia sẻ: “Suy nghĩ, cảm xúc của anh Trận cũng là suy nghĩ, cảm xúc của chúng tôi, những người đã gắn bó cả đời mình với ngành Bưu điện. Tôi đã nghỉ hưu được 12 năm, và bây giờ, những người như chúng tôi không phải là người của Bưu chính, cũng chẳng phải của riêng Viễn thông. Chúng tôi coi cả hai đều là người một nhà, và chúng tôi sẽ luôn dõi theo họ, mong cho cả hai người con của gia đình Bưu điện đều thành công”.
Ý kiến bạn đọc