Ủng hộ mở rộng quyền hạn của Chủ tịch nước

07:18, 07/11/2012
|

(VnMedia) - Góp ý cho dự thảo Hiến pháp sửa đổi, đại biểu đoàn Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đề nghị: Chủ tịch nước không chỉ được phong hàm mà còn có quyền thăng quân hàm cấp tướng…

 

Sáng 6/11, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ để góp ý cho dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Đa số các đại biểu đoàn Hà Nội đồng tình với việc Hiến pháp quy định tăng quyền cho Chủ tịch nước.

Theo đại biểu Nguyễn Bắc Son, sửa đổi Hiến pháp lần này nhìn chung đã đạt yêu cầu, kế thừa đầy đủ những nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 1992, khẳng định, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, khẳng định tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân, và đồng thời vẫn khẳng định được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước, với hệ thống chính trị.

 

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng cho rằng, bản Hiến pháp sửa đổi lần này đã phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quyền con người, đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ của công dân. Hiến pháp cũng góp phần tiến tới nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khẳng định kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo.

 

Góp ý cho Dự thảo Hiến pháp về vị trí của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phân tích: theo Hiến pháp năm 1946, Chủ tịch nước là người đứng đầu Chính phủ. Đối với quân đội, lực lượng vũ trang, Chủ tịch nước là người đứng đầu, chỉ huy lực lượng trên phạm vi toàn quốc.

 

Điều 49 của Hiến pháp năm 1946 ghi rõ Chủ tịch nước là Tổng chỉ huy Quân đội toàn quốc. Đến Hiến pháp năm 1959, 1980, điều 65, điều 103 cũng ghi rõ Chủ tịch nước là Chủ tịch hội đồng quốc phòng” - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son điểm lại.

 

Tuy nhiên, từ năm 1992 Chủ tịch nước không phải thực quyền như các Hiến pháp quy định mà chỉ có vai trò vị trí đối nội, đối ngoại. “Đôi lúc vai trò của Chủ tịch nước chưa thể hiện hết được” - Bộ trưởng thẳng thắn.

   

Do vậy, Bộ trưởng cho rằng, việc trao lại cho Chủ tịch nước một số quyền, trong đó có quyền phong, thăng quân hàm là phù hợp.

 

Nhưng trong dự thảo, nếu viết như vậy thì vô hình chung lại thành hạn chế quyền Chủ tịch nước chứ không phải tăng quyền như ban soạn thảo muốn thể hiện. Hiến pháp sửa đổi cần ghi rõ, Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch hội đồng quốc phòng an ninh, quyết định phong quân hàm tướng lĩnh, Đô đốc, phó Đô đốc, chuẩn Đô đốc hải quân và bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam” - Bộ trưởng đề xuất.


 Ảnh minh họa

 Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son góp ý cho Dự thảo Hiến pháp

 

Cũng liên quan đến quyền của Chủ tịch nước, đại biểu Nguyễn Đình Quyền đồng ý với quan điểm Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, ông cho rằng, mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các thiết chế quyền lực khác như Quốc hội, Chính phủ... cần phải tiếp tục được hoàn thiện.

 

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cũng đề nghị, Hiến pháp cần quy định rõ đối với hiệp ước loại nào thì Chủ tịch nước phê chuẩn, loại nào thì Quốc hội phê chuẩn. Ngoài ra, mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các thiết chế quyền lực khác hiện nay cần phải tiếp tục hoàn thiện.

 

Trong khi đó, đại biểu Quốc Khánh cũng cho rằng, việc tăng quyền cho Chủ tịch nước là rất cần thiết, ngoài ra, cần tăng thêm cơ chế ràng buộc, kiểm soát quyền lực.

 

Còn theo đại biểu Bùi Thị An, cần tăng quyền cho Quốc hội bởi tuy Quốc hội có quyền lực lớn, quyết định những vấn đề quan trọng và giám sát tối cao, nhưng thực tế quyền lực chưa nhiều. Theo đại biểu Bùi Thị An, cần làm rõ trách nhiệm giữa bộ máy Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. “Không phải là tam quyền phân lập nhưng cũng phải làm sao phân công quyền lực rõ ràng để việc thực hiện tốt hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn” - đại biểu Bùi Thị An nói.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc