Thách thức của biến đổi khí hậu với Thành phố Hồ Chí Minh

19:49, 01/11/2012
|

(VnMedia) - Việc phát triển đô thị của một thành phố lớn, với tốc độ đô thị hóa nhanh, bên cạnh những thuận lợi, nhiều tiềm năng, nhưng TP. Hồ Chí Minh cũng không ít khó khăn và nhiều thách thức.

 

Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, hiện Thành phố đang phải đối mặt với một số vấn đề cấp bách cần giải quyết như sự gia tăng dân số; quá tải về kết cấu hạ tầng đô thị, nạn kẹt xe, ngập úng, ô nhiễm về môi trường…, cùng với đó là các tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với nhiều ngành và lĩnh vực, diễn ra thường xuyên.

 

Tại TP. Hồ Chí Minh, BĐKH và gia tăng nhiệt độ có khả năng gây ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô trong một số khu vực, đồng thời gây thiếu nước cho tưới tiêu, sản xuất và sinh hoạt. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô tiếp tục diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở nhiều khu dân cư ở Quận 7, Quận 8, huyện Nhà Bè.

 

Trong khi đó, xâm nhập mặn tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước, nước ngầm. Nước sông Sài Gòn có khả năng nhiễm mặn vào mùa khô, làm tăng khả năng thiếu nước sạch trên diện rộng. Nếu độ mặn nước sông Sài Gòn tăng cao sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng và chất lượng nước của các nhà máy nước Tân Hiệp và Thủ Đức. Với vị trí xa trung tâm Thành phố, nước mặn cũng xâm nhập vào các sông, kênh rạch của huyện Nhà Bè và Cần Giờ, làm cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân ở đây càng khó khăn do thiếu nước sạch, nước ngọt.

 

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có 154 xã, phường, trong đó, 48% tổng số xã phường của Thành phố sẽ phải chịu ngập úng ít nhiều trong các trận ngập úng thông thường và 235 xã (chiếm 73% tổng số xã, phường) bị ngập trong các trận ngập úng bất thường. Ngay cả các quận huyện trước đây chưa bị ngập úng thường xuyên thì trong tương lai dự báo cũng sẽ phải chịu ngập úng ít nhất là một phần. Ngoài ra, trong các đợt ngập úng bất thường, tất cả các quận huyện đều bị ảnh hưởng.

 

Tại TP. Hồ Chí Minh, nước biển dâng kéo theo hiện tượng xâm nhập mặn cũng ảnh hưởng đến chất lượng các công trình giao thông như đường bộ, đường sắt… đặc biệt là các công trình có vị trí gần với cửa ngõ sông Sài Gòn như cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn, cầu Khánh Hội, đại lộ Đông Tây, đường hầm vượt sông Sài Gòn,.. Theo nghiên cứu của ICEM (Trung tâm Quản lý môi trường Quốc tế), ngập úng làm hư hại đường sá, cầu cống, cản trở giao thông. Tổ chức này dự kiến rằng sẽ có hơn một nửa nút giao thông hiện có, 187km đường sắt, 33km đường ray, 36km đường xe điện ngầm ở TP. Hồ Chí Minh sẽ bị ảnh hưởng bởi ngập úng bất thường vào năm 2050.


 Ảnh minh họa

 48% tổng số xã phường của Thành phố sẽ phải chịu ngập úng ít nhiều trong các trận ngập úng thông thường...


Thích ứng với BĐKH

 

Theo nhận định của UBND TP. Hồ Chí Minh, TP cần phải nhanh chóng điều chỉnh và lồng ghép các nội dung ứng phó BĐKH trong quy hoạch xây dựng chung của TP cũng như của Quận, huyện để phát triển đô thị bền vững, kết hợp 3 nhân tố là tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bền vững về môi trường.

 

Theo đó, để bảo vệ nguồn nước, TP phải có các giải pháp ứng phó như quy hoạch nguồn cấp nước mới an toàn hơn, hoặc áp dụng các công nghệ xử lý nước tiên tiến hơn, quản lý sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, áp dụng các công nghệ và phương thức sản xuất tiết kiệm nước; nhanh chóng xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cấp nước để cung cấp cho huyện Cần Giờ…


Trước tình trạng ngập úng bất thường hay thường xuyên, TP hiện đang triển khai các dự án chống úng ngập với quy mô, vốn đầu tư lớn, chủ yếu từ các nguồn vốn vay WB, ODA. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi TP phải có vốn đối ứng tương đối lớn, đó cũng là những thách thức trong tình hình kinh tế khủng hoảng nói chung hiện nay.

 

Để đối phó với vấn hiện tượng xâm thực ảnh hưởng đến các công trình giao thông, Thành phố một mặt phải xây dựng nhiều tuyến đường giao thông mới để đảm bảo hệ thống giao thông hoàn chỉnh theo quy hoạch điều chỉnh phát triển thành phố tại Quyết định 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mặt khác phải xây dựng hệ thống thoát nước, củng cố hệ thống đê bao và các công trình điều tiết, kiểm soát triều và lũ, mở rộng các hồ điều tiết, giữ tối đa các khu vực chứa nước nhằm giảm sự gia tăng dòng chảy và giữ lại sông rạch để hỗ trợ tiêu thoát nước, giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa tại 5 lưu vực ngoại vi và phần diện tích còn lại của Thành phố.

Nhận định về ảnh hưởng của BĐKH, TS Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng, Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, TP. Hồ Chí Minh là một trong 2 đô thị lớn nhất của Việt Nam nhưng hiện đang chịu ảnh hưởng lớn của triều cường. Nếu mực nước biển dâng 1m thì TP. Hồ Chí Minh sẽ là khu vực đô thị lớn nhất bị ảnh hưởng với 43% diện tích bị đe doạ ngập vĩnh viễn. Hơn 12% dân số TP sẽ bị ảnh hưởng do hiện tượng ngập vĩnh viễn.


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc